Thứ 2, 03/02/2025 12:49 [(GMT +7)]
Vì sao nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường sắt đi qua tỉnh Quảng Bình?
Thứ 4, 12/05/2010 | 08:53:00 [(GMT +7)] A A
Tuyến đường sắt bắc – nam đi qua tỉnh Quảng Bình dài 175 km, qua 42 xã phường, thị trấn. Những năm qua, ngành đường sắt và chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.
Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường huyết mạch này, chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường dân sinh mở trái phép.
Theo Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình Trần Văn Bằng, tuyến đường sắt bắc – nam qua tỉnh Quảng Bình có độ dài tương đương với đường sắt qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, vì thế bảo đảm an toàn trong quá trình chạy tàu là điều rất được quan tâm. Tuyến đường sắt đi qua nhiều khu dân cư cho nên nhu cầu đi lại của người dân qua đường sắt khá cao. Càng nhiều đường ngang thì tốc độ chạy tàu càng bị hạn chế và nguy cơ mất an toàn giao thông càng cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 đường ngang hợp pháp, trong đó 28 đường ngang có gác chắn, 20 đường có lắp đặt cảnh báo tự động và 29 đường ngang được phòng vệ bằng biển báo. Nhờ các biện pháp phòng vệ này cho nên từ năm 2009 đến nay, trên các tuyến đường ngang hợp pháp chỉ xảy ra một vụ tai nạn nhẹ do sự bất cẩn của người tham gia giao thông. Quảng Bình còn 213 đường dân sinh mở trái phép qua đường sắt, trong đó, riêng huyện Tuyên Hóa có 114 đường. Việc người dân ở các khu dân cư tự ý mở thêm nhiều tuyến đường vượt qua đường sắt là để “đi lại cho tiện”. Chính việc đó đã gây không ít khó khăn cho ngành đường sắt trong việc quản lý các tuyến đường ngang và nhất là gây ra tình trạng mất an toàn chạy tàu.
Mặt khác, phần lớn các đường dân sinh tự mở không đồng mức mà cao hoặc thấp hơn đường sắt cho nên lái tàu rất khó quan sát khi điều khiển tàu và các vụ tai nạn tại các điểm giao cắt này thường rất nghiêm trọng. Đã có những đường dân sinh tự mở trở thành nỗi ám ảnh của không ít công nhân lái tàu hỏa mỗi khi qua địa phận Quảng Bình. Lái tàu số hiệu VD1 chạy tuyến Vinh – Đồng Hới cho biết, anh gắn bó với cung đường này đã lâu, nhưng mỗi khi qua địa phận các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn không khỏi ái ngại vì sự xuất hiện đường đột khi là con trâu, trẻ con hoặc người đi xe máy băng qua đường sắt trong khi tàu đang tới gần, khó mà kéo phanh kịp. Trong trường hợp hãm phanh đột ngột rất dễ xảy ra tai nạn, khi đó hậu quả sẽ khôn lường.
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình, 5 năm qua, bình quân mỗi năm trên địa bàn xảy ra 8 đến 10 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết và bị thương khoảng 20 người, thiệt hại về tài sản hàng trăm triệu đồng. Trong năm 2009 và ba tháng đầu năm nay đã xảy ra 12 vụ tai nạn trên tuyến đường sắt, làm chết 13 người, bị thương bảy người.
Quảng Trạch là huyện liên tục xảy ra tai nạn đường sắt, trong đó đáng chú ý là các đường vượt qua đường sắt tại vị trí km 481 150, km 475 400, km 478 890 thường xuyên xảy ra tai nạn gây chết người.
Để hạn chế tai nạn đường sắt, theo đồng chí Trần Văn Bằng, thời gian qua, Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình đã phối hợp các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Các đường dân sinh tự mở thiếu an toàn như vậy nhưng chính quyền địa phương hầu như chưa có biện pháp khắc phục, mà xem đó là nhiệm vụ của ngành đường sắt. Đến ngay cả việc mở đường ngang hợp pháp cũng chưa được quan tâm. Cũng theo đồng chí Bằng, việc mở đường này là do chính quyền địa phương đề xuất trên cơ sở nhu cầu đi lại của người dân để ngành đường sắt xem xét, quyết định mở đường ngang có thiết bị cảnh báo hoặc xây dựng gác chắn. Nhưng thực tế điều này do ngành đường sắt thực hiện mà chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương.
Bên cạnh việc tự ý mở các tuyến đường ngang qua đường sắt thì ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường sắt của một bộ phận dân cư còn thấp. Nhiều tuyến đường ngang có cảnh báo tự động hoặc có gác chắn nhưng khi thấy tàu chưa đến, có người vẫn cố tình vượt qua và không ít trường hợp đã trả giá cho sự vội vàng đó. Có mặt tại đường ngang ở vị trí km 483 300 thuộc địa phận xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người vẫn băng qua đường sắt dù biển cảnh báo tự động liên tục phát tín hiệu có tàu đến. Đồng chí Bằng cho biết thêm, việc rào các đường tự mở ngăn không cho phương tiện cơ giới vượt qua đường sắt của đơn vị cũng chưa mang lại kết quả. Rào đường hôm trước, hôm sau người dân phá rào để lại “đi cho tiện”. Thậm chí có chủ phương tiện còn đưa xe đến kéo đổ rào chắn bằng các thanh ta-luy để thông đường cho xe vượt đường sắt.
Vì vậy, việc quản lý tốt các tuyến đường ngang là yêu cầu bức thiết góp phần quan trọng trong việc hạn chế tai nạn giao thông đường sắt. Thời gian tới, Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính quyền các địa phương điều tra lưu lượng tham gia giao thông trên các đường ngang tự mở để mở đường gom có phòng vệ, cảnh báo. Nâng cấp 15 đường ngang từ biển báo lên cảnh báo tự động hoặc gác chắn; phát quang cây cối hai bên hành lang mở rộng tầm quan sát cho lái tàu; cắm thêm các biển “kéo còi” để nhắc nhở, cảnh báo điểm giao cắt nguy hiểm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()