Vì sao nhiều lãnh đạo châu Âu sắp tới thăm Trung Quốc dịp này?
Nhiều nhà lãnh đạo các nước châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã công bố hoặc đang lên kế hoạch cho các chuyến công du tới Trung Quốc.
Theo Reuters, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ thăm Trung Quốc vào tuần này. “Trung Quốc và Tây Ban Nha có mối quan hệ phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định. Lãnh đạo hai nước thường xuyên duy trì liên lạc”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khi được hỏi về chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha.
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen dự kiến hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần sau. Tờ báo cho biết sau hội nghị thượng đỉnh tại Bỉ vừa qua, Tổng thống Pháp đã mời Chủ tịch EC cùng đi thăm Trung Quốc.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cũng tuyên bố sẽ tới Bắc Kinh để gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, dù chưa chưa thông báo thời điểm chính thức. Global Times (GT) cho biết chuyến thăm có thể nhân việc ông Borrel đến Nhật Bản dự một hội nghị ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 16-4.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Thời báo hoàn cầu |
Tờ GT nhấn mạnh mục đích chính của những chuyến thăm tới Trung Quốc trên được cho là có đề cập tới vai trò thúc đẩy hòa bình của Bắc Kinh và tình hình Ukraine hiện nay. SCMP thì nêu rõ Bắc Kinh đang khẳng định mình là một bên trung lập đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Cuối tháng trước, Trung Quốc công bố tài liệu 12 điểm về cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong đó kêu gọi các bên hỗ trợ Moscow và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng. Tài liệu này phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ người dân vô tội, đồng thời phản đối những lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.
Tờ GT dẫn lời các chuyên gia cho rằng, mô hình giải quyết các tranh chấp quốc tế của Trung Quốc sẽ góp phần vào nỗ lực xây dựng lộ trình hòa bình và được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi trong vấn đề Ukraine.
Mặt khác, việc Trung Quốc thành công trong nỗ lực làm trung gian cho Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ song phương vừa qua đã nhận được đánh giá tốt của dư luận, từ đó khiến không ít người muốn đặt cược vào khả năng hòa giải của Bắc Kinh về vấn đề Ukraine.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng thừa nhận, mức độ tiến bộ và khả năng đột phá hơn nữa sẽ phụ thuộc vào các cuộc thảo luận trong tương lai giữa hai bên.
Về vấn đề trung gian hòa giải và tìm kiếm các giải pháp hòa bình, đại diện Bộ Ngoại giao Nga khi trả lời RIA Novosti cho rằng: Một số nước phương Tây đã và đang can dự trực tiếp vào cuộc xung đột thì không thể làm trung gian đàm phán hòa bình.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()