Vì sao Nhật Bản “nói không” với NATO?
Trước những nghi kị về sự xích lại gần NATO của Nhật Bản sau thông tin NATO có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Tokyo, Thủ tướng Kishida Fumio đã bác bỏ khả năng nước này gia nhập NATO dù là quy chế thành viên hay bán thành viên.
Bất chấp những dấu hiệu cho thấy quan hệ Nhật Bản và NATO gần đây đã nồng ấm hơn, việc nước này trở thành thành viên NATO vẫn là một khả năng xa vời. Kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo có thể coi là bước đi phù hợp trong bối cảnh hai bên nâng tầm quan hệ hợp tác về an ninh trong tình hình mới. Nhưng điều này không có nghĩa sẽ mang tới khả năng Nhật Bản trở thành một thành viên của liên minh quân sự này.
Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc phản đối bước đi của NATO ở châu Á, Nhật Bản dù sao cũng sẽ phải thận trọng hơn trong các quyết định liên quan của mình, vì nếu không có thể sẽ tạo ra tình thế đối đầu bất lợi cho sự ổn định ở khu vực.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 1-2023. Ảnh: Nato.int |
Tuy nhiên, Nhật Bản và NATO gần đây đã có những động thái xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh hai bên chia sẻ những quan ngại chung về an ninh liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Thủ tướng Kishida, Nhật Bản sẽ không tìm cách gia nhập NATO mặc dù Tokyo không ngừng tăng cường hợp tác với liên minh này trong những năm gần đây.
Việc cho phép mở một văn phòng của NATO ở Tokyo có thể sẽ là một lựa chọn của Nhật Bản nhằm thúc đẩy một mối quan hệ gần gũi hơn nữa với NATO mà không gây những phản ứng bất lợi ở khu vực. Thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách quốc phòng, an ninh của Nhật Bản, bao gồm việc thông qua “Chiến lược an ninh quốc gia”, “Chiến lược phòng thủ quốc gia” và “Chương trình nâng cao năng lực quốc phòng” với mục tiêu rõ ràng nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và năng lực phòng thủ. Sự hiện diện của một cơ quan như vậy của NATO tại Tokyo ở một khía cạnh nào đó sẽ phù hợp với những mục tiêu về quốc phòng và an ninh mà Nhật Bản đang theo đuổi, bởi sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với Liên minh quân sự NATO, vì lợi ích của cả hai bên.
Nhưng hiện chưa rõ vai trò cụ thể của văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản là gì, hoạt động ra sao và sẽ có mối liên hệ, hợp tác như thế nào với quốc gia sở tại vì hai bên còn phải thảo luận về kế hoạch của NATO. Nếu được thành lập, đây sẽ là văn phòng đầu tiên của NATO ở châu Á, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tham vấn giữa NATO với các đồng minh trong khu vực như Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Các nguồn tin được Nikkei Asia trích dẫn cho biết có thể NATO sẽ cử tùy viên quân sự đến Nhật Bản nhằm tạo điều kiện tham vấn với các quan chức đồng minh.
Theo Kyodo, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 để thảo luận về kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Kishida xác nhận việc NATO đề xuất mở văn phòng đại diện ở Tokyo. Ông cũng nói thêm vấn đề này sẽ được ra thảo luận tại Quốc hội và chưa có quyết định nào được đưa ra.
Đối với NATO, kế hoạch mở văn phòng ở Tokyo phản ánh những tham vọng của liên minh quân sự này trong bối cảnh NATO trong vài năm gần đây công khai tìm kiếm lợi ích của họ ở châu Á thông qua nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh ở khu vực. Vào mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên NATO mời một số quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham dự hội nghị thượng đỉnh. Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tháng 7 tới.
Về phía Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi khẳng định Tokyo và NATO có mối quan hệ lâu dài. Mối quan hệ này đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ với chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 1 vừa qua.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, sẽ thành lập phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại trụ sở NATO trong năm nay để thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể. Theo Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, Tokyo đề nghị NATO mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản là nhằm đối phó với những thách thức an ninh mới nổi trong khu vực. Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây tác động xuyên biên giới ở châu Âu, khiến thế giới ngày càng bất ổn hơn, qua đó buộc Nhật Bản phải tính toán lại thế trận an ninh của mình ở khu vực.
Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với NATO như hiện nay đối với Tokyo là phù hợp để thực hiện mục điêu đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác quân sự, tìm kiếm các đối tác quân sự mới ở khu vực cũng như trên thế giới. Việc gia nhập NATO là không cần thiết ít ra ở vào thời điểm như hiện nay vì hợp tác hai bên trên cơ sở đối tác bình đẳng, cùng có lợi, sẽ giúp Tokyo tự chủ, tự do hơn trong các quyết định cũng như bước đi của mình thay vì phải ràng buộc bởi những quy định của liên minh. Chưa kể bước đi này có thể làm thay đổi cấu trúc an ninh vốn đã định hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Nhật Bản đang giữ vai trò nổi bật.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/vi-sao-nhat-ban-noi-khong-voi-nato-729347
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()