Vì sao nhập khẩu điện khi hơn 4.600 MW năng lượng tái tạo bỏ phí
Chiều 26-5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị thông tin về tình hình cung ứng điện thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới. Đại diện Bộ Công Thương đã lý giải vì sao Việt Nam cần nhập khẩu điện khi có hơn 4.600 MW điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được phát lên lưới điện; tiến độ xử lý và giải pháp huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp để tránh gây lãng phí.
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu điện từ nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, việc nhập khẩu điện của Trung Quốc, Lào đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Việt Nam cũng đang xuất khẩu điện sang một số quốc gia trong khu vực ASEAN. Theo đó, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị-kinh tế của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.
Đặc biệt, việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm việc nhập khẩu tỷ trọng nhỏ, bảo đảm tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị-kinh tế-thương mại với các nước trong khu vực. “Tỷ trọng điện nhập khẩu trong hệ thống điện của nước ta hiện nay rất nhỏ; nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. Như vậy, tổng sản lượng điện nhập khẩu hơn 10 triệu kWh/ngày, chiếm rất nhỏ so với sản lượng điện miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Nhân viên EVN kiểm tra vận hành lưới điện. (Ảnh: PV/Vietnam ) |
5 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẵn sàng phát điện lên lưới
Về tiến độ đàm phán, xử lý vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, quan điểm lớn để tiến hành xử lý việc này là đúng theo các quy định của pháp luật, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Từ đó bảo đảm giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, không gây tác động lớn đến lợi ích của xã hội.
Sau nhiều lần đôn đốc, tính đến thời điểm ngày 26-5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN, để có cơ sở triển khai đàm phán giá theo đúng quy định pháp luật. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%). Đặc biệt, trong số các dự án nộp hồ sơ, có 5 dự án với tổng công suất 303 MW đã bảo đảm đầy đủ toàn bộ hồ sơ pháp lý theo quy định, đủ điều kiện phát điện thương mại. 5 dự án này hiện chỉ còn chờ thí nghiệm, thử điện xong là có thể phát điện lên lưới ngay trong những ngày tới.
Báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.
Đến nay, trong 85 dự án còn vướng mắc, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán với tổng công suất 1.346,82 MW. Hiện có thêm 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5-2023. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực đàm phán của các chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa cá bên .
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vi-sao-nhap-khau-dien-khi-hon-4-600-mw-nang-luong-tai-tao-bo-phi-729371
Ý kiến ()