Vì sao người Việt Nam chọn du lịch bền vững hậu COVID-19?
Đại dịch toàn cầu đã góp phần thay đổi nhận thức của du khách Việt theo hướng bền vững hơn, từ đó tạo ra những hành vi có tác động tích cực lên hoạt động này. Vậy du lịch bền vững thế nào cho đúng?
Những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, giãn cách xã hội đã tạo ra một khoảng lặng trong đời sống – một “nốt trầm” đủ khiến người ta có thời gian để suy ngẫm về môi trường và cộng đồng nhiều hơn trước khi tiếp tục những hành trình khám phá mới khi điều kiện cho phép.
Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, có tới 88% du khách Việt tiết lộ rằng đại dịch đã thúc đẩy họ thay đổi nhận thức và mong muốn theo đuổi lối sống tích cực hơn. 79% du khách Việt Nam tin rằng mọi người phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai và du lịch bền vững chính xác là những gì con người cần phải hướng tới trong bối cảnh hiện nay.
Khi COVID-19 được kiểm soát, có rất nhiều cách thức đơn giản để chúng ta vừa xê dịch nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường, cũng như hỗ trợ và kết nối với cộng đồng địa phương. Đi du lịch nhưng vẫn có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho những nơi đặt chân tới, tại sao không? Vậy du lịch bền vững thế nào cho đúng?
Chọn khách sạn thân thiện với môi trường
Trong chuyến đi sắp tới, bạn hãy bắt đầu bằng việc lựa chọn chỗ nghỉ áp dụng chính sách bền vững. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn phải tốn nhiều chi phí hơn bởi hiện nay có rất nhiều lựa chọn chỗ ở bền vững vừa tầm. Thật bất ngờ khi 100% du khách Việt trả lời trong khảo sát gần đây của Booking.com cho rằng họ mong muốn được lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững.
Du khách Việt mong muốn được lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững. (Ảnh: CTV/Vietnam )
Vậy làm sao để biết chỗ ở đó có thực sự bền vững hay không? Một trong những cách dễ nhất để xác định đó là xem họ có chứng nhận thân thiện môi trường do một tổ chức thứ ba chuyên chứng nhận bền vững cấp hay không (ví dụ như: Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu – GSTC, Green Tourism, EU Ecolabel, EarthCheck, Green Growth 2050, cũng như các chương trình bền vững của nhiều chuỗi khách sạn)…
Tránh những điểm đến phổ biến
Trước thực trạng đại dịch bủa vây toàn cầu, có đến 64% du khách Việt chấp nhận tránh các điểm đến và nơi tham quan phổ biến để không gây tình trạng quá tải. Việc này góp phần giảm thiểu áp lực lên môi trường và hệ sinh thái vốn đã mong manh và đang phải chịu nhiều tổn thương vì dịch bệnh, cũng như giảm áp lực lên cả cộng đồng địa phương.
Chính vì thế, hãy tìm đến những điểm đến ít người biết hơn hoặc một nơi gần điểm tham quan được nhiều người tìm đến. Bạn cũng nên tính đến những lịch trình du lịch mùa thấp điểm.
Nếu muốn đi biển khi môi trường đã an toàn trước dịch bệnh, bạn có thể cân nhắc đến Kỳ Co (Quy Nhơn), Từ Nham (Phú Yên)… hoặc có thể thử trekking xuyên khu rừng thông tại Lâm Đồng, hay đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trong những cánh rừng bảo tồn như tại Vườn quốc gia Cát Tiên…
Nói không với nhựa dùng một lần
Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là việc giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần. Bởi thực tế có đến 91% nhựa không được tái chế và đa phần trôi dạt trên các bãi biển hoặc chôn vùi trong “biển” rác thải.
Hiện nhiều điểm lưu trú đã bắt đầu áp dụng các cách thức để giảm thiểu và loại bỏ nhựa dùng một lần trong hoạt động của họ. Song, du khách cũng có thể góp sức bằng những hành động nhỏ như mang theo chai nước thủy tinh, inox để tái sử dụng thay vì mua chai nước nhựa suốt chuyến đi, hoặc gói theo những chai sữa tắm và dầu gội yêu thích từ nhà.
Hãy mang theo chai nước có thể tái sử dụng thay vì các chai nước nhựa dùng một lần trong suốt hành trình. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam )
Ngoài ra, nếu du lịch ở nơi không đủ nguồn nước sạch từ vòi, bạn có thể tìm hiểu thêm về viên sủi làm sạch nước, ống hút lọc nước Lifestraw hoặc đèn tia cực tím khử khuẩn (một dụng cụ nhỏ gọn phát ra tia cực tím để khử sạch khỏi các loại vi khuẩn, virus và kí sinh trùng trong nước).
Hỗ trợ cộng đồng địa phương
Nếu đang lên kế hoạch cho những chuyến đi kế tiếp, hãy tìm đến những công ty lữ hành có trách nhiệm với xã hội bằng cách họ cam kết hỗ trợ và đóng góp để phát triển cộng đồng địa phương, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn khai thác du lịch có ý thức.
Kết quả nghiên cứu gần đây của Booking.com cho thấy tôn trọng cộng đồng địa phương cũng là mối quan tâm hàng đầu khi 84% du khách Việt Nam muốn có những trải nghiệm chân thật mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch, 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng.
Thông qua việc chọn các doanh nghiệp có cam kết “đồng hành” với hoạt động khai thác du lịch địa phương, bạn đã gián tiếp hỗ trợ cộng đồng ở đó được hưởng lợi một cách trực tiếp và công bằng từ ngành du lịch.
Giữ thói quen tốt suốt chuyến đi
Hiện nay, rất nhiều người đã bắt đầu ý thức hơn và có chủ ý với những hành động nhỏ như tắt bớt đèn khi không cần thiết, hay kiểm soát thời gian sử dụng máy điều hòa khi ở nhà. Tuy nhiên, 53% du khách Việt Nam lo ngại rằng sẽ khó có thể giữ những thói quen bền vững suốt chuyến du lịch. Vì thế, bước bền vững đầu tiên khi đi du lịch đơn giản chỉ là bạn cố gắng ghi nhớ những thói quen bền vững vốn có.
Là một du khách, bạn sẽ không thể kiểm soát được việc như đổi sang bóng đèn LED hoặc có thẻ từ để kích hoạt điện trong phòng, nhưng bạn hoàn toàn có thể “chọn việc nhẹ nhàng” là tắt đèn khi rời phòng, tái sử dụng khăn tắm và ga giường, cũng như ý thức hơn về thời gian tắm để tiết kiệm điện, nước.
Du khách Việt mong muốn trải nghiệm những điểm đến ít phổ biến để hỗ trợ phát triển du lịch ở những cộng đồng đó. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam )
Những việc nhỏ như ý thức hơn và có những hành động trách nhiệm sẽ góp phần tạo ra những ảnh hưởng lớn.
Giữ gìn ý thức chung khi dời đi
Bình thường mỗi khi “check-out” có bao giờ bạn nghĩ tới sẽ giúp các nhân viên dọn dẹp phòng đỡ phần nào đó?
Một trong những điều cốt lõi để du lịch bền vững là hãy thử biến nơi mình đến sạch đẹp hơn khi mình dời đi. Cách đơn giản nhất bạn có thể làm là nhặt bỏ chỉ một mảnh rác vương đâu đó trước khi bước ra khỏi phòng.
Hãy giữ gìn vệ sinh ở những nơi bạn đặt chân đến và ngay cả khi dời đi. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam )
Tuy đây là hành động rất nhỏ, nhưng lại là một việc quan trọng để chăm sóc cho môi trường sống quanh ta. Tất cả mọi hành động đều tạo nên ảnh hưởng đáng kể khi cộng hưởng. Chỉ cần mỗi người cúi nhặt một mảnh rác trên bãi cát khi bước qua có thể giúp “biển rác” trôi nổi trên biển vơi đi phần nào.
Mua sản phẩm địa phương
Một trong những cách tốt nhất để hỗ trợ kinh tế địa phương và giảm thiểu phát thải khi đi du lịch chính là hãy mua hàng có nguồn gốc bản địa và thưởng thức chúng tại những nơi sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ.
Du khách nên tránh ăn uống tại các cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn nhanh vốn nhập nguyên liệu từ khắp nơi, thay vì đó nên chọn những quán ăn sử dụng nguồn nguyên liệu tại chính địa phương đó. Muốn trải nghiệm việc tự nấu nướng cho mình và gia đình, du khách có thể mua nguyên liệu từ các chợ địa phương.
Gần 59% du khách Việt Nam tiết lộ với Booking.com rằng họ đã chọn mua tại các cửa hàng nhỏ để ủng hộ kinh tế địa phương trong những chuyến đi của họ năm vừa qua.
Như vậy có thể thấy, đại dịch toàn cầu đã góp phần thay đổi nhận thức của du khách Việt theo hướng bền vững hơn, từ đó tạo ra những hành vi có ảnh hưởng và tác động tích cực lên hoạt động du lịch cộng đồng. Chỉ có điều, chúng ta cần thời gian để nhận thức đó tạo thành thói quen tốt được duy trì dài hơi trong tương lai, có như thế sự thay đổi mới thực sự bền vững./.
Ý kiến ()