Vì sao người tiêu dùng VN không thể mua ôtô giá rẻ?
Th uế nhập khẩu ô tô mới, ô tô đã qua sử dụng và linh kiện ô tô dự kiến sẽ giảm từ ngày 1/1/2012, song người tiêu dùng sẽ vẫn khó hiện thực hoá giấc mơ lên đời xế hộp.
Theo Dự thảo Thông tư và các biểu thuế đối với ô tô nhập khẩu đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước khi chính thức áp dụng đối với tất cả các dòng xe nhập khẩu từ các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…, kể từ ngày 1/1/2012, ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi nguyên chiếc có dung tích động cơ dưới 2.5L sẽ có thuế suất thuế nhập khẩu mới là 78%, thay vì mức 82% đang áp dụng; các loại xe có dung tích xi-lanh trên 2.5L sẽ mức thuế nhập khẩu 74% so với 77% của năm 2011.
Mức thuế 72% đang áp dụng với xe dẫn động 4 bánh chủ động dung tích lớn sẽ được điều chỉnh về mức 68%. Mặt hàng ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên dự kiến sẽ tiếp tục giữ nguyên ở mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc 70%. Mức 5% hiện áp dụng đối với các loại xe có tải trọng từ trên 6 tấn đến 18 tấn và xe chuyên sử dụng chở khách trong sân bay cũng vẫn được giữ nguyên.
Thuế nhập khẩu ô tô mới, ô tô đã qua sử dụng và linh kiện dự kiến sẽ giảm từ 1/2012 |
Điểm đáng chú ý ở biểu thuế do Bộ Tài chính xây dựng là cách tính thuế đối với các loại linh kiện dành cho xe lắp ráp trong nước. Cụ thể, mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho linh kiện ở tất cả các loại xe dự kiến là 0% hoặc theo mức thấp nhất của khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Theo ông Akira Makito, Giám đốc khối ô tô (Công ty Honda Việt Nam) cho rằng, việc giảm thuế sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và điều này sẽ khuyến khích phát triển thị trường ô tô. Tuy nhiên, dù thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sẽ giảm theo các cam kết quốc tế, nhưng người tiêu dùng Việt Nam cũng không dễ được hưởng giá xe ô tô giảm như mong muốn bấy lâu.
Báo cáo nghiên cứu Quy hoạch Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 vừa hoàn tất đã chỉ ra rằng, ô tô cá nhân hiện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khá cao do Nhà nước không khuyến khích người dân sử dụng.
“Nếu duy trì sắc thuế cao này thì tới năm 2018, khi hoàn thành chương trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ CEPT/AFTA, giá xe vẫn là chướng ngại chính đối với tăng trưởng của thị trường ô tô cá nhân ở Việt Nam. Đặc biệt, chướng ngại này còn lớn hơn nhiều khi chồng thêm các loại phí như trước bạ, phí cấp biển số, phí cầu đường, phí điểm đỗ”, báo cáo viết.
Giá xe sẽ khó có cơ hội giảm như mong đợi của người tiêu dùng |
Trên thực tế, để mua được ô tô mới, người tiêu dùng gần như chỉ còn trông chờ vào nguồn hàng của các nhà sản xuất, nhập khẩu được ủy quyền của chính các thương hiệu lớn trên thế giới. Nguồn nhập khẩu của các công ty thương mại bấy lâu đã cạn dần sau khi Bộ Công thương ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô, có hiệu lực từ cuối tháng 6/2011.
Cũng đã có một số công ty thương mại “liều mình” đưa một số xe ô tô nhãn hiệu Toyota và Lexus mới về Việt Nam, sau thời gian Thông tư 20/2011/TT-BCT có hiệu lực, thậm chí đã bán được đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, câu chuyện này đã chấm dứt khi tháng 10/2011, Công ty Toyota Motor Corp. (TMC) của Nhật Bản chính thức gửi văn bản tới các cơ quan chức năng khẳng định, chỉ ủy quyền nhập khẩu và bán hàng với thương hiệu Toyota do TMC sở hữu trên toàn cầu cho duy nhất Công ty Toyota Việt Nam. Còn với thương hiệu xe hạng sang Lexus cũng thuộc quyền sở hữu của TMC, thì tới nay, Công ty chưa chỉ định nhà nhập khẩu và bán hàng chính hãng tại Việt Nam, kể cả TMV – một liên doanh có vốn góp của TMC.
Cách thức này cũng đang được một số công ty ô tô có vốn nước ngoài của các thương hiệu lớn thực hiện nhằm ngăn chặn dòng xe mới nhập khẩu không chính hãng khi dòng xe ưa chuộng bấy lâu là Toyota đã bị chặn cửa.
Như vậy, khi sân chơi chỉ còn lại các nhà cung cấp độc quyền, giá xe sẽ khó có cơ hội giảm như mong đợi của người tiêu dùng.
Ý kiến ()