Cây đay được trồng ở Long An từ khá lâu, và tập trung chủ yếu ở hai huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa. Người dân nơi đây thường trồng đay vào vụ hè thu vì trong vụ này, cây lúa thường không đạt năng suất cao. Mặt khác, trồng đay trong vụ hè thu sẽ giúp nông dân có thời gian oai đất, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt trong vụ đông xuân tiếp theo.
Trước đây, người dân trồng đay lấy sợi và bán chủ yếu cho các thương lái nên giá cả đay sợi mỗi năm đều không ổn định. Năm 2010, giá đay sợi lên đến 16.000 đồng/kg, nhưng đến năm 2011, giá đay xuống còn 9.000 đồng/kg.
Khi biết vùng Đồng Tháp Mười sẽ có nhà máy thu mua đay cây để sản xuất bột giấy, người dân đã hy vọng giá đay không còn cảnh lên xuống thất thường như trước. Theo quy hoạch vùng đay nguyên liệu của tỉnh đến năm 2015, diện tích trồng đay nguyên liệu ở hai huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa là 17.472 ha (trong đó huyện Thạnh Hóa là 10.240 ha). Riêng kế hoạch năm 2012, diện tích đay cung cấp cho nhà máy là 3.500 ha (Thạnh Hóa là 1.500 ha).
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số diện tích đay mà các hộ dân đăng ký bán cho nhà máy trong năm 2012 chỉ hơn 400 ha. Ngay như tại xã Thạnh Phước, xã có diện tích trồng đay nhiều nhất huyện Thạnh Hóa thì vụ hè thu năm nay, diện tích gieo sạ đay giảm đáng kể.
Theo Bí thư đồng thời là Chủ tịch xã Thạnh Phước Hồ Văn Tùng, diện tích trồng đay của xã vào những năm trước từ 1.000 ha đến 2.000 ha. Tuy nhiên, vụ hè thu 2012, diện tích gieo sạ đay đến thời điểm này chỉ khoảng 200 ha.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân ngại trồng đay là do tốn nhiều công thu hoạch. Khác với thu hoạch lúa chủ yếu bằng cơ giới hóa, thu hoạch đay hoàn toàn bằng thủ công. Vào những mùa vụ trước, người dân trồng đay không khó để tìm nhân công cho việc thu hoạch, nhưng những năm gần đây, các nhà máy, công ty “mọc” lên quá nhiều đã thu hút hầu hết các lao động trẻ ở nông thôn, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch đay. Ông Ngô Văn Trung, ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, than thở: “Mấy năm trước, tôi trồng một mẫu đay sợi thì chỉ cần ba ngày là bóc sợi xong, giờ có khi hơn 10 ngày cũng chưa hết. Có khi còn không có công”. Do phụ thuộc vào nhân công, nên thu hoạch là công đoạn mà người dân trồng đay phải bỏ ra nhiều chi phí nhất, khoảng 7 đến 8 triệu đồng/ha. Một nguyên nhân nữa khiến cho người dân vẫn chưa an tâm khi đến với cây đay đó là Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang được đầu tư xây dựng, dự kiến cuối năm nay đi vào hoạt động không có hệ thống thu mua đay. Để bán đay cho nhà máy, người dân phải tự bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ thuê phương tiện để chở đay tới bến cảng nhà máy. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Mặc dù, thời gian qua, nhà máy đã có nhiều cố gắng để khuyến khích người dân trồng và cung cấp nguyên liệu đay cho nhà máy. Phó Ban sản xuất Nhà máy Bột giấy Phương Nam, phụ trách về công tác nguyên liệu Phạm Văn Luốc cho biết, để người dân không lo về giá cả, ngay từ đầu năm nhà máy đã đưa ra giá thu mua đay cây là 850 đồng/kg. Đây là giá bảo đảm cho người dân có lãi. Ngoài ra, đối với những người dân đăng ký bán đay cho nhà máy sẽ được hỗ trợ ba triệu đồng/ha (người dân sẽ trả lại cho nhà máy sau khi thu hoạch). Nhà máy cũng đang tiến hành nhập giống đay mới để trồng thử nghiệm, với mong muốn năng suất cao hơn giống đay hiện nay. Nhà máy cũng phối hợp ngành nông nghiệp hai huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa thực hiện thí điểm quy trình trồng đay nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí cho người dân.
Tuy nhiên, với những nỗ lực trên của Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn chưa đủ để người dân yên tâm trồng đay khi những khó khăn trong giai đoạn thu hoạch cũng như hệ thống thu mua đay, công tác hỗ trợ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ngay như nhà máy đã đạt được kế hoạch thu mua thì với công suất 100.000 tấn bột/năm, nhà máy chỉ hoạt động trong vòng bốn tháng là hết nguyên liệu. Khi đó, nhà máy sẽ hoạt động như thế nào trong những tháng còn lại để tránh lãng phí vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Ý kiến ()