Vì sao năng lực phát triển du lịch Việt lọt top tốt nhất thế giới?
Du lịch Việt Nam là một trong những minh chứng cho thấy khả năng vượt “nghịch cảnh” ngoạn mục để lọt top các nước có mức phát triển vượt bậc, cho dù kinh tế xanh điêu đứng vì 2 năm đại dịch COVID-19.
Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố cho thấy mặc dù “vấp” phải “đá tảng COVID-19” song du lịch Việt Nam vẫn khẳng định được vị thế với năng lực phát triển vượt bậc: Xếp hạng thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019.
Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc). Vậy vì sao trải qua hơn hai năm điêu đứng vì đại dịch, nền kinh tế xanh Việt Nam vẫn “cất cánh”?
Du lịch Việt Nam có 6 chỉ số “dẫn đầu thế giới”
Theo các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá, xét về tương quan trong khu vực, Việt Nam làm tốt hơn rất nhiều so với các điểm đến nổi tiếng khác như Thái Lan xếp thứ 36 (giảm 1 bậc), Malaysia xếp thứ 38 (giảm 9 bậc), Philippines xếp thứ 75 (giảm 2 bậc).
Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột với 112 chỉ số thành phần, xếp theo 5 nhóm gồm: Môi trường hoạt động; Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch; Cơ sở hạ tầng; Động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch và Sự bền vững của du lịch.
Trong 17 chỉ số trụ cột này, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35) gồm: Sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15 thế giới; Tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; Tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; Hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; Tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; An toàn, an ninh, xếp hạng 33.
Có thể nói, đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là: Sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 7 chỉ số trụ cột được xếp trong nhóm hạng trung bình cao của thế giới (hạng 36-70) là: Môi trường kinh doanh, xếp hạng 42; Nhân lực và thị trường lao động, xếp hạng 49; Hạ tầng mặt đất và cảng, xếp hạng 50; Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, xếp hạng 54; Sức chống chịu kinh tế-xã hội, xếp hạng 61; Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch, xếp hạng 66; Mức độ mở cửa quốc tế, xếp hạng 69.
Kết quả này cho thấy trong 17 chỉ số trụ cột, Việt Nam có 13 chỉ số được xếp vào nhóm từ trung bình cao cho đến nhóm dẫn đầu thế giới.
Đáng nói, những chỉ số tăng hạng nhiều nhất gồm: Môi trường kinh doanh tăng 30 bậc; nhân lực và thị trường lao động tăng 27 bậc; sức cạnh tranh về giá tăng 20 bậc; an toàn, an ninh tăng 16 bậc; hạ tầng mặt đất và cảng tăng 15 bậc.
Những động lực chủ yếu này đã giúp Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp vào top 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới.
Vẫn còn những hạn chế
Tuy nhiên, bởi bên cạnh những chỉ số tăng hạng thì du lịch Việt Nam vẫn còn một số nhóm chỉ số bị sụt giảm so với năm 2019 như: Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (giảm 2 bậc); Hạ tầng dịch vụ du lịch (giảm 1 bậc); Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (giảm 3 bậc); Sự bền vững về môi trường (giảm 2 bậc).
Bên cạnh những chỉ số có thứ hạng cao, du lịch Việt vẫn có 4 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất là: Y tế và vệ sinh, xếp hạng 73; Hạ tầng dịch vụ du lịch, xếp hạng 86; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, xếp hạng 87; Sự bền vững về môi trường, xếp hạng 94.
Đây cũng chính là những hạn chế của du lịch Việt Nam qua các kỳ báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó một chỉ số quan trọng là mức độ ưu tiên cho ngành du lịch vẫn xếp hạng thấp.
Trước kết quả này, lãnh đạo ngành du lịch đã nhanh chóng đưa một số giải pháp nhằm tập trung tăng tốc cho giai đoạn phục hồi, phát triển của nền kinh tế xanh hậu COVID-19.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong thời gian tới, để thu hút mạnh hơn du khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là đón đầu mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng Chín trở đi, ngành du lịch tập trung đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường trọng điểm; chuẩn bị tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực cho các thị trường trọng điểm; các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng và quảng bá rộng rãi các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn…
Hiện nay Tổng cục Du lịch cũng đang tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong việc thành lập văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Nếu “nút thắt” này được tháo gỡ sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài thời gian tới./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()