Vì sao Mỹ doạ rút khỏi WTO?
Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách thương mại, từ đa phương sang bảo hộ, đã tạo ra cuộc xung đột trên quy mô toàn cầu.
WTO đang đứng giữa “cơn bão” tranh cấp thương mại do Mỹ khởi xướng. |
Với việc rút khỏi hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương cũng như gia tăng các mức thuế nhập khẩu hàng hóa đã đẩy nước Mỹ vào thế đối đầu về thương mại với nhiều quốc gia, nhất là các thành viên thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ví dụ ngày 23/8, Washington quyết định chính thức áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với khối lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá 16 tỷ USD, chính thức hoàn tất kế hoạch áp thuế đối với khối hàng hóa tổng trị giá 50 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này đã đệ đơn khiếu nại lên WTO liên quan tới việc làm nói trên của Mỹ .
Trước đó, ngày 20/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn khiếu nại lên WTO phản đối việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng với một loạt các biện pháp trừng phạt và trả đũa thương mại.
Thông báo trên website chính thức, WTO nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các biện pháp này (của Mỹ) mâu thuẫn với hàng loạt điều khoản của Thỏa thuận về bảo vệ của WTO và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) 1994.”
Tuy vậy, Mỹ cũng dựa vào WTO để khởi kiện lại các quốc gia khác. Ngày 29/8, Mỹ đã khởi động một vụ kiện chống lại Nga tại WTO, vì thách thức “biện pháp bảo hộ đặc biệt” mà Nga sử dụng để tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa việc Washington áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép của Nga.
Phía Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm quy định của WTO vì các mức thuế bổ sung đó chỉ được áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, không phải đối với hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ nước nào khác, và vì mức thuế mới này cao hơn mức tối đa theo quy định của WTO.
Trước đó, để đáp trả mức thuế đánh vào thép và nhôm mà Mỹ áp dụng với Nga, kể từ ngày 5/8, Nga đã áp dụng mức thuế mới tăng từ 25% lên 40% đối với hàng loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm một số phương tiện vận tải, máy xây dựng, thiết bị dầu khí, công cụ chế biến thép và khoan đá, sợi quang.
Hãng Bloomberg dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu Cato trụ sở tại Washington cho hay các quốc gia gửi khiếu nại Mỹ lên WTO thường thắng thế đến 90%. Nhưng ngược lại, Mỹ cũng thắng đến 90% vụ kiện do nước này khởi xướng, đồng thời Mỹ cũng là quốc gia khởi kiện nhiều nhất trong các thành viên WTO.
Thế nhưng mới đây, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Bloomberg tại phòng Bầu dục hôm 30/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ rút khỏi WTO nếu cơ quan này “không có sự điều chỉnh”. Ông Trump nhấn mạnh: “Nếu họ không có sự điều chỉnh, tôi sẽ rút khỏi WTO”. Tổng thống Trump cho rằng Mỹ đang bị đối xử một cách không công bằng trong thương mại quốc tế, đồng thời chỉ trích WTO vì đã để điều này xảy ra. Ông Trump cảnh báo Mỹ có thể hành động chống lại WTO, song không nói rõ chi tiết.
Trong khi đó, một nguyên nhân có thể căn bản và sâu xa như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã từng lên tiếng khẳng định rằng: việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm vì tổ chức này không có khả năng đối phó với một Trung Quốc không xây dựng nền kinh tế thị trường. Ông Robert Lighthizer cũng đã nhiều lần kêu gọi Mỹ nên có cách tiếp cận cứng rắn hơn với WTO.
Mặc khác, ông Lighthizer cũng cáo buộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vi phạm chủ quyền của Mỹ, đặc biệt trong vấn đề chống bán phá giá. Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán vào cơ quan kháng án của WTO, gây lo ngại cơ quan này sẽ phải ngừng hoạt động trong những năm tới.
Với những động thái nói trên của Mỹ nhằm vào WTO, nếu xảy ra đúng như sự cảnh báo của Tổng thống Trump, nó sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, phá hủy hệ thống thương mại hậu Thế chiến thứ 2 mà nước Mỹ dày công xây dựng.
Trước những căng thẳng nói trên, trang web Swissinfo của Đài truyền hình quốc gia Thụy Sĩ dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng: “Sự leo thang tiếp diễn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, đe dọa việc làm và tăng trưởng ở tất cả các nước, đánh vào những nước nghèo nhất và khó khăn nhất.”
Tổng Giám đốc Azevedo cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hỗ trợ giải quyết những vấn đề trên. Người đứng đầu WTO cho biết ông đã tham vấn với các chính phủ và giới lãnh đạo trên khắp thế giới, hối thúc đối thoại và tìm kiếm các bước đi nhằm tháo gỡ tình hình hiện tại. Ông Azevedo cũng cho rằng sự im lặng của các quốc gia cũng giống như hành động khơi mào cuộc chiến thương mại. Ông cho biết đã tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc với các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có các nghị sỹ, doanh nhân, giới chuyên gia và giới truyền thông để nâng cao nhận thức về những mối đe dọa hiện nay.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()