Vì sao IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ?
Ngày 16-4, tại Hội nghị thường niên Mùa Xuân tại Washington, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,3%, thấp hơn 0,2% so với dự báo hồi đầu năm. Tuy nhiên, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2014 là 4%.
Ngày 16-4, tại Hội nghị thường niên Mùa Xuân tại Washington, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,3%, thấp hơn 0,2% so với dự báo hồi đầu năm. Tuy nhiên, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2014 là 4%.
Phát triển bấp bênh
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 4 vừa mới công bố, IMF và WB nêu rõ: “Triển vọng kinh tế thế giới đã được cải thiện, nhưng con đường phục hồi trong các nền kinh tế phát triển sẽ vẫn còn bấp bênh” và vẫn còn nhiều thách thức.
Theo IMF, dự báo các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 2,2% trong năm tiếp theo, lần lượt giảm 0,1% và tăng 0,1% so với dự báo trước đó.
Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay và 5,7% trong năm tới, giảm tương ứng 0,2% và 0,1% so với dự báo trước đó. Mặc dù hạ mức dự báo song IMF vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhóm nước này tiếp tục góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, IMF và WB vẫn kỳ vòng vào GDP của Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,6%, mạnh hơn so với dự báo 1,2% cách đây 3 tháng. Đây là quốc gia duy nhất trong số các nước phát triển được IMF nâng mạnh dự báo GDP.
Châu Âu lún sâu hơn vào suy thoái
IMF cho biết các nhà làm chính sách đã ngăn chặn được nguy cơ suy giảm tài khóa lớn ở EU. Tuy nhiên, Eurozone vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tại Eurozone, các ngân hàng vẫn bị kẹt trong lợi nhuận thấp và thiếu vốn, khiến nguồn cung tín dụng bị hạn chế. Ngoài ra, các rủi ro chính trị và tài khóa cũng khiến khả năng phục hồi của khu vực này càng thêm mờ nhạt. Vì thế, GDP dự kiến năm 2013 giảm 0,25% và năm 2014 chỉ tăng 1,1%.
IMF cảnh báo những rủi ro cũ đối với kinh tế khu vực vẫn còn, trong khi những rủi ro mới lại bắt đầu xuất hiện. Trong ngắn hạn, các rủi ro phần lớn vẫn xuất phát ở Eurozone bao gồm những sự kiện bất ổn tương tự như ở Síp và Italia trong thời gian vừa qua.
Các nền kinh tế Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều được IMF dự báo có mức tăng trưởng âm. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất EU là Đức được dự báo tăng trưởng nhưng dưới mức 1% trong năm 2013.
Mới đây, IMF và Cơ quan kiểm soát ngân sách quốc gia (HCPF) còn cảnh báo, nền kinh tế Pháp có thể rơi vào vùng âm trong năm nay và không thể đạt những con số dự báo của chính phủ. Tuyên bố này đã làm dấy lên tâm lý nghi ngờ về cam kết của Paris đưa thâm hụt ngân sách về dưới mốc 3% GDP như chỉ số giới hạn của Liên minh.
Kinh tế Mỹ khởi sắc nhưng khiêm tốn
IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, trước khi tăng lên 3,0% vào năm 2014. Các biện pháp cắt giảm chi tiêu công đã khiến các nhà dự báo của IMF hạ triển vọng kinh tế Mỹ xuống, nhưng mức tăng trưởng này vẫn được cho là mạnh hơn so với các nền kinh tế phát triển khác.
Do tác động của chính sách tín dụng lãi suất thấp (gần 0%) khiến nhu cầu cá nhân tại Mỹ tăng mạnh, thị trường nhà đất, tín dụng phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,7%, đây là mức tăng trưởng đầu tiên trong 4 tháng và đánh dấu đà tăng mạnh nhất kể từ tháng 6-2009. Trong tháng 2, giá nhà tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà tăng kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng cũng sôi động trở lại.
Những dấu hiệu sôi động của thị trường, tỷ lệ thất nghiệp giảm, một số ngành hàng chủ lực của nền kinh tế doanh thu tăng mạnh, bắt đầu có lãi…phản ánh sự khởi sắc của nền kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc khởi sắc của thị trường tiêu dùng Mỹ mới chỉ là bước đầu, do vẫn còn thiếu các yếu tố bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững.
Châu Á dẫn đầu nhưng kém ổn định
Đối với châu Á nói chung, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng ở mức khiêm tốn khoảng 5,75% trong năm 2013, chủ yếu do kết quả của sự hồi phục nhu cầu bên ngoài và nhu cầu trong nước tiếp tục gia tăng.
Nhu cầu cá nhân tăng mạnh nhờ các chính sách nới lỏng, điều kiện tài chính thuận lợi và nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh đó, khu vực này cũng được hưởng lợi từ nhu cầu đang tăng tại Trung Quốc và chính sách kích thích kinh tế của Nhật Bản.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo châu Á có thể đối mặt với rủi ro do thiếu cân bằng tài chính giữa các nền kinh tế và nguy cơ mất niềm tin vào các chính sách trong khu vực. Việc này có thể gián đoạn các hoạt động đầu tư và thương mại. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng bền vững và ổn định tài chính
Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 8%. Được biết, GDP quý 1 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm còn 7,7%, thấp hơn so mức 7,9% trong quý4-2012.
Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới năm nay dự kiến tăng trưởng đạt 1,6% và lạm phát là 0,1%. Tốc độ này cho năm tới là 1,4% và 3% nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Trong báo cáo, IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của 5 nước ASEAN, gồm Indonesia, Thái-lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam, sẽ đạt trung bình 5,9% năm 2013 và 5,5% năm 2014.
Theo đó, tăng trưởng của Indonesia năm 2013 sẽ ở mức 6,3% và năm 2014 là 6,4%, các con số tương ứng của Thái Lan là 5,9% và 4,2%; Malaysia là 5,1% và 5,2%; Philippines là 6,0% và 5,5%; Việt Nam là 5,2% và 5,2%.
Như vậy, trên cơ sở phân tích các chỉ số kinh tế toàn cầu quý I/2013, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, đưa ra những nhận định và dự báo mới có thể phù hợp hơn với xu thế vận động của các nền, nhất là các khu vực trọng điểm có vai trò chi phối đến kinh tế toàn cầu như: kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN.
Nhandan
Ý kiến ()