Vì sao giá thịt lợn ở miền trung giảm chậm?
Các quầy thịt lợn tại chợ Đồng Hới (Quảng Bình) ít khách mua.
Ít người mua nhưng giá thịt vẫn cao
Chợ Đồng Hới là chợ lớn nhất tỉnh Quảng Bình, cũng là chợ đầu mối về thịt lợn. Tại đây có hơn 100 quầy bán thịt hằng ngày. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội hiện nay, lượng người đến chợ mua thịt lợn ít hơn cho nên số quầy bán cũng giảm nhiều. Theo chị Võ Thị Hương, chủ quầy thịt lợn nằm ở vị trí dãy đầu rất thuận lợi cho việc mua bán, thì trước đây mỗi ngày bán sỉ và lẻ hơn một tạ thịt, xương, nay chỉ bán được một nửa nhưng vẫn không hết. Nguyên nhân do giá thịt còn cao và người mua ít. Hiện, giá bán thịt nạc loại một là 150 nghìn đồng/kg, thịt mông sấn giá 140 nghìn đồng/kg và các quầy ở chợ đều bán đồng giá. Chị Nguyễn Thị Thu, ở phường Đồng Hải cho biết, giá thịt lợn hiện giảm chậm so với mức giá mà Chính phủ yêu cầu. Vì vậy người nội trợ đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp cụ thể giảm giá thịt lợn xuống, bớt khó khăn cho người lao động khi mất thu nhập do dịch bệnh.
Tại tỉnh Quảng Trị, qua khảo sát của chúng tôi, giá thịt lợn ở một số chợ trên địa bàn cũng ở mức khá cao: thịt nạc 160 nghìn đồng/kg, thịt mông 170 nghìn đồng/kg, sườn non 150 nghìn đồng/kg, giảm 10 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, người mua ở các chợ giảm nhiều so với trước. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Trần Thanh Hiền lý giải, việc giá thịt lợn tại địa phương cao là do giá lợn hơi cao. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi cho nên giá lợn giống tăng cao, người chăn nuôi ngần ngại tái đàn và do tác động khá lớn của “khâu trung gian” là người buôn bán, phân phối. Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn ở các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố có mức từ 120 nghìn đến 170 nghìn đồng/kg tùy từng loại thịt. Bà Phan Thị Lý, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu chia sẻ: “Từ Tết Nguyên đán đến nay, giá thịt lợn cao hơn từ 30 đến 40% so với năm ngoái. Gần đây chúng tôi rất mừng khi biết Nhà nước chỉ đạo giảm giá thịt lợn xuống, nhưng thực tế thì việc này ở Đà Nẵng khá chậm, người tiêu dùng mong giá giảm hơn nữa để ổn định cuộc sống”. Bà Nguyễn Thị Hai, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Hai Thuyên (doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm, trong đó có thịt lợn cho hàng trăm bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn lớn ở Đà Nẵng và Quảng Nam) cho biết, trước đây, mỗi ngày đơn vị nhập từ 90 đến 100 con lợn để giết mổ, cung cấp thịt cho khách hàng. Giờ do ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến số lợn mua về giết mổ chỉ còn hơn một nửa. Doanh nghiệp mua lợn hơi từ các đơn vị chăn nuôi mỗi ngày được khoảng 50% nhu cầu, với giá 70 nghìn đồng/kg, còn lại phải mua của người chăn nuôi với giá 75 nghìn đồng/kg. Công ty cố gắng tiết giảm chi phí để bảo đảm bình ổn giá thịt lợn cho khách hàng theo hợp đồng đã ký.
Khẩn trương tái đàn an toàn dịch bệnh
Các tỉnh, thành phố miền trung hầu như không có cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn, mà chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư cho nên số lượng đàn cũng không nhiều. Vì thế giá lợn hơi tại các địa phương hiện vẫn ở mức từ 75 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg. Riêng ở Quảng Bình, có một số trang trại nuôi ở quy mô khá dưới dạng hợp đồng với doanh nghiệp đầu mối ở các tỉnh phía nam hoặc TP Hồ Chí Minh, nghĩa là lợn giống, thức ăn và khâu tiêu thụ đều do doanh nghiệp đảm nhận. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình Trần Công Tám cho biết, thị trường thịt lợn trong tỉnh chủ yếu được cung cấp bởi lợn nuôi ở các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, việc giảm giá thịt lợn trên thị trường sẽ có độ trễ nhất định. Năm 2019, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, các tỉnh, thành phố miền trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi kéo dài cho đến gần đây mới được khống chế. Riêng tại Quảng Bình, đến đầu tháng 4 mới công bố hết dịch trên địa bàn, người dân mới bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay trong khu vực là giá lợn giống quá cao và khan hiếm. Hiện tổng đàn lợn của tỉnh có hơn 260 nghìn con nhưng số lượng lợn bố, mẹ chỉ gần 32 nghìn con, trong khi đó cần phải có ít nhất 50 nghìn con lợn bố mẹ mới đáp ứng được nhu cầu tái đàn của các địa phương, trang trại trong tỉnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp Quảng Bình đang đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ tái đàn, trước mắt là khẩn trương tăng đàn lợn nái cấp bố mẹ, để phấn đấu đến cuối quý II này tổng đàn lợn đạt 285 nghìn con.
Tại tỉnh Quảng Trị, ở chợ Ba Bến, phường 2, thị xã Quảng Trị là nơi cung cấp nguồn lợn giống lớn nhất tỉnh. Hiện giống lợn cỏ (lợn địa phương) có giá đến 150 nghìn đồng/kg, tính sơ bộ, mỗi con có trọng lượng khoảng 5 kg thì người chăn nuôi phải bỏ ra gần 800 nghìn đồng để mua. Còn giống lợn Móng Cái nuôi để làm lợn nái có giá 200 nghìn đồng/kg. Đây là khó khăn lớn đối với các chủ trang trại có nhu cầu tái đàn. Anh Lê Đình Vững ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, chủ trang trại lợn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, phải vào tận Đồng Nai tìm mua lợn giống. Mỗi con lợn giống có trọng lượng 4 kg, giá 400 nghìn đồng/kg thêm tiền vận chuyển về đến Quảng Trị dẫn đến giá thành mỗi con giống gần hai triệu đồng. Anh Vững cho biết, giá lợn giống cao dẫn đến giá bán lợn hơi vẫn cao, người mua phải chịu thiệt. Còn ở Đà Nẵng, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban, định hướng của thành phố về chăn nuôi chú trọng về gia cầm, thủy hải sản. Thịt lợn ở thị trường Đà Nẵng chủ yếu nhập từ các tỉnh lân cận phía nam về, cho nên việc giám sát giá bán lợn hơi thuộc về địa phương có cơ sở chăn nuôi. Cùng quan điểm đó, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc cho rằng, ở địa bàn chỉ có hộ dân nuôi lợn nhỏ lẻ khiến giá đầu vào khó kiểm tra. Mặt khác, theo quy định của Nhà nước, giá lợn hơi nói riêng, giá hàng nông, lâm, thủy sản do người nuôi trồng, khai thác trực tiếp bán, thì Nhà nước không quy định giá, hay bán theo giá quy định. Vì thế ngành công thương chỉ có thể kiểm tra giá bán dưới hình thức hậu kiểm, khi nguồn cung khan hiếm, “đầu nậu”, tư thương sẽ tìm cách nâng giá.
Để phát triển đàn lợn, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, từ đó kéo giảm giá thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, các tỉnh, thành phố ở miền trung đang tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang nuôi trang trại với mô hình nuôi an toàn sinh học. Có các chính sách hỗ trợ tái đàn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để hình thành mô hình chăn nuôi theo chuỗi, góp phần nâng cao giá trị và giúp cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho hộ cá thể, doanh nghiệp nuôi quy mô lớn vay ưu đãi để tái đàn. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn. Ngành công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đề nghị hệ thống các siêu thị trên địa bàn nhập thịt lợn đông lạnh về nhằm chủ động giữ được giá cả thị trường, từng bước giảm giá thịt tại các chợ truyền thống.
Ý kiến ()