Vì sao EU điều tra hoạt động quảng cáo trực tuyến của Google?
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22-6 tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, khi cho rằng công ty này đã sử dụng công nghệ để “vượt mặt” các đối thủ trong thị trường quảng cáo trực tuyến mang lại lợi nhuận cao. Nếu điều tra phát hiện vi phạm, Google sẽ bị phạt và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch EC phụ trách về vấn đề cạnh tranh, Google thu thập dữ liệu để dùng cho các mục đích quảng cáo được xác định trước, doanh nghiệp này bán không gian quảng cáo và cũng hoạt động như một trung gian quảng cáo trực tuyến. Do đó, Google hiện diện ở hầu hết các cấp độ trong chuỗi cung ứng quảng cáo hiển thị trực tuyến. EC lo ngại rằng Google đã khiến các dịch vụ quảng cáo trực tuyến của đối thủ khó cạnh tranh hơn trong cái gọi là công nghệ quảng cáo. Do đó, cuộc điều tra sẽ đánh giá liệu Google có vi phạm các quy tắc cạnh tranh của EU hay không, thông qua việc ưu tiên các dịch vụ công nghệ quảng cáo hiển thị trực tuyến của riêng mình.
Cuộc điều tra tập trung vào một phần quan trọng trong mô hình kinh doanh của Google, với việc 80% doanh thu trong năm 2020 của “gã khổng lồ công nghệ” này đến từ quảng cáo-tương đương 147 tỷ USD (khoảng 124 tỷ euro). Theo bà Margrethe Vestager, EC lo ngại rằng Google đã gây khó khăn hơn cho đối thủ trong việc canh tranh dịch vụ quảng cáo trực tuyến trong công nghệ quảng cáo hiển thị hình ảnh. Điều đáng nói là, các công nghệ của Google phần lớn không được chú ý nhiều nhưng có tính thống lĩnh cao, đóng vai trò trung gian hoặc môi giới giữa nhà quảng cáo và nhà xuất bản trực tuyến.
Logo bên ngoài cửa hàng Google ở khu phố Chelsea, New York (Mỹ). Ảnh: Getty Images |
Vấn đề này cũng là cốt lõi trong một vụ kiện gần đây ở Pháp, khi các tờ báo News Corp, nhật báo Le Figaro của Pháp và Groupe Rossel của Bỉ cùng khởi kiện, khiến Google bị phạt 220 triệu euro (267 triệu USD). Cũng giống như vụ kiện này, EC sẽ tìm cách xác định xem Google có lạm dụng công nghệ quảng cáo AdX và Doubleclick của tập đoàn này hay không. EC cũng sẽ xem xét cả những khía cạnh khác trong hoạt động kinh doanh của Google, trong đó bao gồm cả kế hoạch cấm bên thứ ba đặt “cookie” trên trình duyệt Chrome-một động thái khiến nhiều nhà xuất bản và nhà quảng cáo bất bình.
Đáp lại quyết định của EC, người phát ngôn của Google cho biết tập đoàn này “sẽ tiếp tục sẵn sàng trả lời các câu hỏi của Ủy ban châu Âu với tinh thần xây dựng, đồng thời chứng minh lợi ích của những sản phẩm của tập đoàn mang lại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại châu Âu”.
Được thành lập vào năm 1998 tại Thung lũng Silicon, Google lần đầu tiên thành công với công cụ tìm kiếm của mình, sau đó mở rộng ảnh hưởng của mình sang thế giới kỹ thuật số. Các dịch vụ bản đồ (Google Maps) hoặc email (Gmail) của Google được người dùng internet sử dụng rộng rãi. Đặc biệt, những hoạt động quảng cáo trên các nền tảng của Google-gồm Google search, YouTube và Gmail-đóng góp phần lớn vào doanh thu và lợi nhuận của công ty. Khoảng 16% doanh thu của Google đến từ quảng cáo hoặc mạng lưới kinh doanh, trong đó các công ty truyền thông khác sử dụng công nghệ của Google để bán quảng cáo trên website hoặc ứng dụng của họ.
Việc EC thông báo điều tra Google hôm 22-6 đánh dấu sự khởi đầu chính thức của quá trình đánh giá đầy đủ về cách Google ứng xử trong không gian quảng cáo mà không ấn định thời hạn hoàn thành. Thông báo này cũng bổ sung vào danh sách các cuộc điều tra và tiền phạt đã diễn ra ở thị trường châu Âu trong những năm gần đây. Tháng 3-2019, EC đã áp dụng khoản phạt 1,49 tỷ euro đối với Google với cáo buộc vi phạm các quy tắc chống độc quyền. Vào thời điểm đó, tổ chức có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho biết, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã áp đặt các điều khoản hạn chế trong hợp đồng với các trang web bên thứ ba để ngăn các đối thủ của Google đặt quảng cáo tìm kiếm của họ trên các trang web này.
Trước đó, EC cũng đã phạt Google 4,34 tỷ euro vào tháng 7-2018 vì các hành vi bất hợp pháp liên quan đến thiết bị di động Android. Google cũng từng chịu khoản phạt 2,42 tỷ euro vào năm 2017 khi bị EC cáo buộc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong các dịch vụ mua sắm của mình.
Không chỉ ở châu Âu, Google cũng là mục tiêu của 3 vụ kiện chống độc quyền ở ngay chính quê hương của mình. Tháng 12-2020, một liên minh gồm 38 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đã cáo buộc Google thực hiện “độc quyền bất hợp pháp” đối với nghiên cứu và quảng cáo trực tuyến. Giới phân tích cho rằng, trong thời đại công nghệ số, các cuộc điều tra chống độc quyền ngày một nhiều và các ông lớn ngành công nghệ Mỹ như Google, Facebook… cũng không là ngoại lệ.
Ý kiến ()