Vì sao dược liệu Trung Quốc tăng giá 'chóng mặt' trong năm nay?
Dù mùa Hè là thời điểm “trái vụ” của dược liệu Trung Quốc nhưng giá của chúng lại tăng chóng mặt, một số loại đặc biệt có mức tăng vượt quá 200%.
Hằng năm, khi thời tiết nắng nóng, thị trường dược liệu Trung Quốc sẽ bước vào “trái vụ.” Nhưng năm nay, giá dược liệu ở thị trường này lại tăng chóng mặt.
Theo thống kê, mức tăng giá của hơn 200 loại dược liệu thông thường ở Trung Quốc vượt quá 50%, mức tăng của 100 loại khác vượt quá 100%. Trong khi đó, 25 loại dược liệu có mức tăng vượt quá 200%, còn mức tăng của một số loại đặc biệt như kê cốt thảo là 400-900%.
Bà Trương Lê, 53 tuổi, sống ở Ngọc Lâm, Quảng Tây, kinh doanh cam thảo từ năm 1998, nói với China Newsweek rằng: “Tôi đã kinh doanh dược liệu hơn 20 năm và chưa bao giờ thấy giá cả tăng kinh khủng như vậy.”
Bà Trương Lê cho biết trước khi tăng giá vào năm ngoái, giá một kilôgam cam thảo là khoảng 20 Nhân dân tệ (hơn 64.000 đồng), còn hiện tại giá cam thảo cùng loại đã tăng lên 40 đến 50 nhân dân tệ (130-160.000 đồng).
Ông Giả Hải Bân, Phó Tổng Thư ký của Ủy ban Đặc biệt về Trồng trọt và Giống cây của Hiệp hội Y học Cổ truyền Trung Quốc, nói rằng mức tăng giá và chu kỳ tăng lần này của thị trường dược liệu rất hiếm gặp trong lịch sử.
Trong tháng Sáu, một số hiệp hội y học và dược phẩm của Trung Quốc đã liên tiếp ban hành các văn bản, kêu gọi nước này sớm đưa ra các chính sách liên quan để kiểm soát giá dược liệu.
Sau đó, ngày 8/7, Hiệp hội Y học Cổ truyền Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất, chỉ ra rằng đợt tăng giá bất thường hiện nay chắc chắn sẽ có tác động xấu đến sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành dược liệu Trung Quốc.
Giá cao nhưng ế ẩm
Thành phố An Quốc, tỉnh Hà Bắc, là trung tâm phân phối dược liệu lớn nhất ở phía Bắc Trung Quốc.
Tính đến năm 2021, An Quốc có 1.087 công ty kinh doanh dược liệu, hơn 4.500 hộ kinh doanh thương mại cá thể, buôn bán 2.800 loại dược liệu.
Lâm Hạo, một nhà phân phối dược liệu tại chợ bán buôn An Quốc, nói rằng cửa hàng của ông chủ yếu kinh doanh các loại dược liệu có công dụng bồi bổ cơ thể như trần bì và đông trùng hạ thảo.
Giá của trần bì thay đổi tùy theo độ tuổi, dao động từ 260 Nhân dân tệ/kg đến 1.400 Nhân dân tệ/kg (840.000-4.5 triệu đồng).
“Giá đông trùng hạ thảo đã tăng lên đáng kể,” Lâm Hạo nói.
Đông trùng hạ thảo chủ yếu được tìm vào mùa Hè trên vùng núi cao trên 4.000m ở cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải-Tây Tạng). Sản lượng rất ít nên giá thành tương đối đắt.
Ông Lâm Hạo cho biết giá trung bình của đông trùng hạ thảo được bán tại các cửa hàng của ông đã tăng hơn 40.000 Nhân dân tệ mỗi kg trong năm nay và hiện tại giá trung bình mỗi kg đã tăng lên mức 90.000 Nhân dân tệ (290 triệu đồng).
“Giá một kg đông trùng hạ thảo chất lượng cao lên tới hơn 100.000 Nhân dân tệ. Ví dụ, giá đông trùng hạ thảo từ Thanh Hải hiện là 160.000 Nhân dân tệ/kg (516 triệu đồng).”
Bà Trần Vân, người bán dược liệu ở An Quốc, cho biết bà đã kinh doanh dược liệu được hơn 30 năm. Tại gian hàng của Trần Vân có hơn chục loại dược liệu, tất cả đều nhập từ nơi khác đến.
Bà Trần Vân cho biết giá toan táo nhân đã phá kỷ lục với mức thấp nhất là 950 Nhân dân tệ/kg (khoảng 3 triệu đồng). Trong nửa đầu năm ngoái, toan táo nhân chỉ bằng khoảng 1/3 giá hiện tại.
Kể từ năm 2020, giá của các loại dược liệu Trung Quốc theo xu hướng tăng lên.
Theo thống kê, trong 3 năm qua, giá của nhiều loại dược liệu Trung Quốc như sa uyển tử, long cốt, hoàng bá và toan táo nhân đã tăng lên nhiều lần.
Long cổ tăng từ 55 Nhân dân tệ/kg lên 280 Nhân dân tệ/kg (hơn 170.000 đồng lên hơn 900.000 đồng), toan táo nhân tăng từ 205 Nhân dân tệ/kg lên 860 Nhân dân tệ/kg (hơn 660.000 đồng lên hơn 2,7 triệu đồng) và sa uyển tử tăng từ 24 Nhân dân tệ/kg lên 150 Nhân dân tệ/kg (78.000 đồng lên hơn 480.000 đồng).
Ông Giả Hải Bân cho biết tháng Sáu là thời điểm “trái vụ” của thị trường dược liệu Trung Quốc, vì thời tiết mùa Hè nóng và mưa nhiều, chi phí bảo quản và vận chuyển cao. Nhưng năm nay, số lượng và chủng loại của các loại dược liệu Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Ông cho rằng giá nguyên liệu thô của các loại thuốc cơ bản như lộc giác sương, đương quy và ngưu hoàng tự nhiên tăng mạnh phản ánh thị trường dược liệu Trung Quốc sắp mất kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của an ninh dược liệu quốc gia về hệ thống y tế.
Đối với các đại lý, việc tiêu thụ dược liệu sau đợt tăng giá không hề suôn sẻ. Trần Vân cho biết kể từ khi tăng giá, doanh số bán toan táo nhân rất thấp và lượng người mua cũng giảm đi rất nhiều.
Ngoài ra, khi các loại dược liệu tăng giá. Người mua sẽ sử dụng các loại khác thay thế. Chẳng hạn như giá đảng sâm bắc tăng rất cao, người ta có thể mua dược liệu rẻ hơn như thái tử sâm để thay thế.
Theo bà Trương Lê, trước khi giá cả tăng, cửa hàng của bà có thể bán hàng chục tấn cam thảo mỗi năm, thậm chí hơn 100 tấn khi thị trường tốt. Nhưng sau đợt tăng giá, nửa đầu năm nay, lượng tiêu thụ toàn bộ dược liệu tại cửa hàng chỉ đạt 20-30 tấn.
Không chỉ bà Trương Lê, một số nhà bán buôn và bán lẻ dược liệu ở An Quốc cũng cho biết do giá tăng cao nên doanh số bán hàng giảm đáng kể. Những loại dược liệu không thể bán được được chất đống trong kho lạnh. Kho lạnh giống như một “ngân hàng thuốc,” khi dược liệu tăng giá, người bán sẽ xuất kho, khi giá giảm sẽ nhập kho.
“Nhiều loại dược liệu được mua với giá cao vẫn chưa được bán và chúng được chất đống trong kho lạnh ở khắp mọi nơi,” bà Trương Lê nói rằng không chỉ kho lạnh ở An Quốc, mà còn có kho lạnh ở khắp nơi về cơ bản đầy chặt các loại dược liệu.
Thậm chí, một số kho lạnh vốn lưu trữ rau và trái cây cũng đã chuyển sang bảo quản các loại dược liệu.
Người dân ở tỉnh Quý Châu thu hoạch phục linh tươi. (Nguồn: Taizhang)
Một nông dân ở An Quốc cho biết anh bắt đầu học cách trồng cây dược liệu từ cha mình hơn 20 năm trước. Anh cho biết một số dược liệu như đan sâm có thể bảo quản trong kho lạnh trong một thời gian dài, nhưng đối với các dược liệu như phòng phong, chúng cần được đưa ra ngoài sau khi được bảo quản trong kho lạnh ít nhất một năm. Nếu không lõi bên trong của phòng phong sẽ bị hỏng. Nếu chuyển sang màu đen, nó sẽ được các công ty thuốc thú y thu mua và sử dụng làm thuốc thú y, giá thấp hơn gấp mười lần giá thuốc của người.
Đầu cơ, tích trữ để thổi phồng giá
“Do nhiều yếu tố, bắt đầu từ năm 2020, giá của các loại dược liệu liên tục tăng,” Đặng Dũng, giáo sư tại Đại học Trung Y Dược Bắc Kinh, cho biết.
Về nguyên nhân dược liệu tăng giá, ông Đặng Dũng chỉ ra một số lý do. Trước hết, với việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dược liệu cùng với sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan kiểm định, số lượng dược liệu đạt tiêu chuẩn ngày càng ít. Điều này đã khiến giá dược liệu Trung Quốc tăng cao.
Thứ hai, mặc dù Trung Quốc khuyến khích và thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở trồng dược liệu truyền thống, nhưng không thể tránh khỏi việc người trồng chuyển sang các loại cây khác. Điều này dẫn đến việc số dược liệu trồng giảm đi và chi phí trồng tăng lên.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng các loại dược liệu của Trung Quốc đã bị thu hẹp. Thiếu hụt lao động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá chung.
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Giả Hải Bân, nguyên nhân gốc rễ của việc tăng giá là sự phân chia lợi ích bất hợp lý trong chuỗi ngành công nghiệp dược liệu Trung Quốc và việc sản xuất mù quáng các loại dược liệu.
Ông giải thích rằng ngành công nghiệp dược liệu bao gồm khâu trồng trọt sản xuất, chế biến, lưu thông thương mại, tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, mức doanh thu của việc tiêu thụ sản phẩm, tổ chức đầu ra cao hơn rất nhiều do với khâu trồng trọt, sản xuất. Trong khi đó, các nhà quản lý chưa quan tâm đến bảo vệ nguồn hàng và chuỗi cung ứng.
Về sản xuất mù quáng, ông Giả Hải Bân đưa ra một ví dụ, trước năm 2018, với sự hỗ trợ của quỹ xóa đói giảm nghèo, nông dân ở các vùng sản xuất cây dành dành ở Trung Quốc đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng giống cây này, khiến giá chúng giảm mạnh.
Khi đó, giá thấp nhất chỉ 5,5 Nhân dân tệ/kg (hơn 17.000 đồng). Doanh thu kém không đủ để trang trải chi phí nhân công. Sau đó, người dân lại chặt hạ cây dành dành. Điều này khiến giá dành dành tăng vọt lên, đặt mức hơn 38 Nhân dân tệ/kg như hiện nay (hơn 120.000 đồng).
Ông Đặng Dũng phân tích rằng lâu nay các công ty dược liệu Trung Quốc chậm tiến độ trong việc xây dựng cơ sở trồng trọt, khiến khả năng đảm bảo cung ứng dược liệu dễ bị tổn thương. Nhất là khi phải đối mặt với sự đầu cơ, tích trữ.
Ngoài ra, do sự trao đổi thông tin, kết nối giữa các công ty dược và người dân trồng trọt thuận tiện hơn nên người trung gian ngày càng khó khăn trong việc kiếm tiền qua chênh lệch giá. Vì vậy, họ đã đổ dòng tiền vào thị trường để găm hàng, trữ hàng, sau đó thổi giá cao lên.
Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến các loại dược liệu liên tục tăng giá trong năm nay.
Chuyên gia phân tích dòng tiền vốn dĩ rất khó đổ vào mặt hàng dược liệu để mua giá thấp, bán giá cao. Nhưng trên thực tế, trung gian có xu hướng hợp tác với các nhà phân phối, các công ty tư vấn, những nơi nắm chắc thông tin sản xuất. Sau đó, họ tận dụng lợi thế vốn của mình để tích trữ một lượng lớn. Cuối cùng, lợi dụng chiêu trò, lũng đoạn thị trường để khống chế giá, nhằm mục đích trục lợi.
Ông Đặng Dũng cho biết một số công ty tư vấn thông tin dược liệu ở Trung Quốc đã biến chất. Họ đã lợi dụng lợi thế thông tin mà họ nắm được, thổi phồng giá, thậm chí còn giúp sức cho trung gian để thao túng thị trường, đẩy giá dược liệu lên cao.
Lần tăng giá cao gần đây nhất của dược liệu Trung Quốc là khoảng 13 năm trước, đợt tăng giá vào thời điểm đó cũng do sự đầu cơ, tích trữ để thổi phồng giá./.
Ý kiến ()