Vì sao Đức không cung cấp vũ khí cho Ukraine?
Trước thềm Hội nghị An ninh Munich sắp tới, Đức tiếp tục phải đối mặt với sức ép gia tăng đòi Berlin cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine có dấu hiệu leo thang. Tuy nhiên, Đức vẫn theo đuổi các biện pháp của riêng mình để giải quyết vấn đề Ukraine, bất chấp sức ép từ trong nước và các đồng minh.
Chủ tịch sắp tới của Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen nói Đức cần nâng cao vai trò lãnh đạo và cung cấp vũ khí cho Ukraine để nước này tự bảo vệ mình hiệu quả hơn. Theo ông, Đức cần xem xét việc cung cấp vũ khí cho Kiev và việc viện dẫn lịch sử như một cái cớ đã không còn thích hợp hoặc thậm chí là bất hợp lý.
Ông Heusgen kêu gọi phải có một cuộc tranh luận về vai trò tích cực hơn của Đức trong chính sách đối ngoại và chính sách an ninh, với chính sách xuất khẩu vũ khí là một phần trong đó.
Đức từ lâu đã theo đuổi chính sách không xuất khẩu vũ khí tới các vùng chiến sự hay xung đột, xuất phát từ nỗi ám ảnh kinh hoàng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Vấn đề lịch sử này đã ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của Đức.
Binh sĩ Ukraine học cách sử dụng tên lửa vác vai do Mỹ cung cấp trong cuộc diễn tập gần căn cứ Yavoriv hôm 4-2. Ảnh: Reuters |
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức cơ bản là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình. Hằng năm, Đức đều tiến hành cuộc khảo sát ý kiến người dân và kết quả cho thấy hầu hết người Đức tin rằng đàm phán ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết xung đột.
Hiện nay, Đức đang tích cực thể hiện vai trò lãnh đạo chính trị trong cuộc khủng hoảng Ukraine, điển hình là việc khởi động lại cuộc đàm phán theo thể thức Normandy với các đại diện từ Ukraine, Nga, Pháp và Đức. Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ cách tiếp cận dựa trên đối thoại của người tiền nhiệm Angela Merkel.
Bà Angela Merkel chính là người cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon thiết lập “Bộ tứ Normandy”, trong đó các nước thành viên nhất trí đưa ra lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine. Berlin hy vọng một khung thỏa thuận tương tự được đưa ra với tình hình hiện tại. Thủ tướng Olaf Scholz cũng chuẩn bị có một loạt chuyến công du tới Mỹ, Ukraine và Nga nhằm giải quyết căng thẳng giữa phương Tây và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Đức được cho là chưa đủ, theo ông Heusgen. Ông Heusgen còn so sánh dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, Đức với tư cách nhà tài trợ lớn thứ hai cho Liên hợp quốc đã thể hiện được vai trò lãnh đạo trong chính sách đối ngoại nhiều hơn.
Hiện nay, tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới Nga-Ukraine được xem là thử thách đối với chính phủ liên minh mới của Đức bên cạnh đại dịch Covid-19. Trong khi một số đồng minh khác đã có các động thái ủng hộ Ukraine, Đức vẫn tiến hành những bước đi thận trọng. Mỹ, Anh và các nước Baltic đều đã gửi vũ khí đến Kiev, bao gồm tên lửa chống tăng và phòng không, Đức vẫn một mực từ chối.
Việc này khiến các chuyến bay chở vũ khí từ Anh phải bay vòng qua Đức mới có thể tới được Ukraine. Thậm chí, Đức cũng ngăn cản quốc gia thành viên NATO là Estonia cung cấp vũ khí cho Ukraine khi từ chối cho phép nước này xuất khẩu các vũ khí có xuất xứ từ Đức.
Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh đòi ông thay đổi lập trường cũ trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chính quyền liên minh 3 đảng của Thủ tướng Scholz đã cam kết thực hiện chính sách đối ngoại dựa trên giá trị và thậm chí kiểm soát chặt chẽ hơn về xuất khẩu vũ khí, phản đối mọi lời kêu gọi gửi vũ khí từ Kiev, thậm chí cả một số thành viên chính phủ.
Thay vào đó, ông Scholz quyết định cấp ngân sách viện trợ cho Ukraine một bệnh viện dã chiến và 5.000 chiếc mũ sắt.
Ngoài vấn đề lịch sử, một lý do khiến Đức e ngại việc gửi vũ khí cho Ukraine đó là nhiều người Đức không tin rằng hành động này sẽ giúp giải quyết khủng hoảng giữa Nga và Ukraine hiện nay. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng hỗ trợ tài chính cho Kiev sẽ hiệu quả hơn là gửi vũ khí.
Ngoại trưởng Đức cho rằng: “Thật không thực tế khi tin rằng viện trợ vũ khí có thể xoay chuyển trạng thái mất cân bằng quân sự. Biện pháp bảo vệ tốt nhất là ngăn chặn căng thẳng leo thang. Vũ khí mạnh nhất sẽ là chúng tôi nêu quan điểm rõ ràng rằng mọi hành động gây hấn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thống nhất với lập trường của các thành viên NATO, của Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G7”.
Ngoài ra, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Đức và Nga cũng là điều khiến Đức phải cân nhắc mọi hành động của mình liên quan tới vấn đề Ukraine. Hiện nay, hàng nghìn doanh nghiệp của Đức đang hoạt động tại Nga. Nhưng điều đáng nói nhất đó là dự án đường ống dẫn Nord Stream 2, được trông đợi giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga và châu Âu thông qua Đức nếu được phê chuẩn.
Thủ tướng Scholz đang chịu áp lực hủy bỏ dự án Nord Stream 2 như một biện pháp trừng phạt với Nga. Đây cũng đang là vấn đề gây khó xử đối với Thủ tướng Scholz vì những lợi ích không thể phủ nhận của Đức nếu dự án này thành hiện thực, chưa kể tới khả năng gây tổn hại tới mối quan hệ với Moscow.
Cái khó của Chính phủ Đức hiện giờ chính là vừa phải bảo vệ được lập trường của mình về vấn đề Ukraine, trong khi phải chứng tỏ không phải đang đứng về phía Nga gây tức giận cho các đồng minh phương Tây.
Cần phải biết thêm rằng, Đức là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Berlin luôn có những quy định cực kỳ nghiêm ngặt về chuyển giao vũ khí.
Vì vậy, bất luận lý do là gì, việc gửi vũ khí tới Ukraine không bao giờ là điều có thể khiến Đức dễ dàng nhượng bộ. Vả lại, lịch sử cũng đã chứng minh việc tiếp vũ khí cho các cuộc chiến tranh, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, luôn chỉ đưa lại những hậu quả vô cùng thảm khốc.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()