Vì sao diện tích và năng suất điều ở Tây Nguyên giảm ?
Nông dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nam, 7huyện Đức Cơ (Gia Lai) thu hoạch điều. Ảnh: THANH NGỌC Cây điều vốn được coi là cây "xóa đói, giảm nghèo" của nhiều địa phương ở Tây Nguyên. Nhờ trồng điều mà không ít hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua đói nghèo vươn lên khá giả. Thế nhưng trong vòng năm năm trở lại đây, do nhiều nguyên nhân, năng suất điều liên tục tụt giảm, giá hạt điều lên xuống thất thường khiến cho người trồng điều ở Tây Nguyên rất khó khăn.Năng suất, chất lượng thấpGia đình ông Nguyễn Văn Dung ở xã Đác R’La, huyện Đác Min, tỉnh Đác Nông là một trong những hộ khá lên nhờ trồng điều trong những năm qua. Thế nhưng thời gian gần đây, ông đã chặt bỏ 2,5 ha điều để chuyển sang trồng cao-su, cà-phê. Ông Dung tâm sự: "Trước đây khi mới vào định cư ở địa phương, thấy đất đai màu mỡ nên tôi mua cây điều về trồng. Trong một thời gian dài, cây điều sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao bình quân đạt 2,5 tấn hạt/ha, giá hạt...
Nông dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nam, 7huyện Đức Cơ (Gia Lai) thu hoạch điều. Ảnh: THANH NGỌC |
Năng suất, chất lượng thấp
Gia đình ông Nguyễn Văn Dung ở xã Đác R’La, huyện Đác Min, tỉnh Đác Nông là một trong những hộ khá lên nhờ trồng điều trong những năm qua. Thế nhưng thời gian gần đây, ông đã chặt bỏ 2,5 ha điều để chuyển sang trồng cao-su, cà-phê. Ông Dung tâm sự: “Trước đây khi mới vào định cư ở địa phương, thấy đất đai màu mỡ nên tôi mua cây điều về trồng. Trong một thời gian dài, cây điều sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao bình quân đạt 2,5 tấn hạt/ha, giá hạt điều cũng ở mức cao nên đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn trong những ngày đầu đến lập nghiệp. Tuy nhiên, do chỉ trồng điều theo kinh nghiệm, giống điều được trồng chủ yếu là giống mua trôi nổi nên càng về sau vườn điều phát triển kém, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp và sau này giá cả bấp bênh… Vì vậy, tôi đã quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn điều chuyển sang trồng cao-su, cà-phê”.
Còn gia đình ông Nguyễn Hùng Huy, ở thôn 3, xã Đác Lao, huyện Đác Min trồng được ba ha điều, nhưng hiện nay ông đã chuyển toàn bộ sang trồng cà-phê. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Huy cho biết: “Những năm gần đây năng suất cây điều liên tục giảm, từ ba tấn/ha giảm xuống còn 1,5 tấn và như năm ngoái chỉ thu được vài tạ. Nguyên nhân do cây điều già cỗi, sâu bệnh phát triển mạnh, tỷ lệ đậu quả rất thấp. Bên cạnh đó, giá hạt điều trên thị trường không ổn định và liên tục giảm, vì vậy tôi đã chuyển toàn bộ diện tích trồng điều sang trồng cà-phê giá trị cao hơn”. Không riêng gì gia đình ông Dung, ông Huy mà còn nhiều gia đình khác ở huyện Đác Min, đã chặt bỏ gần hết vườn điều của mình chuyển sang trồng cà-phê, cao-su, ca-cao. Theo thống kê của UBND huyện Đác Min từ chỗ có hơn 5.150 ha điều, nay còn khoảng 2.500 ha.
Về huyện Đác R’Lấp, địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất tỉnh Đác Nông với hơn 7.000 ha. Khi cây điều ở thời kỳ “hoàng kim”, kinh tế nhiều nông dân khá lên nhanh chóng, ở các vùng nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà xây kiên cố khang trang, những chiếc xe máy đời mới có giá trị hàng chục triệu đồng. Vào thời điểm đó, đối với nhiều nông dân cây điều không chỉ là cây “xóa đói, giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu. Gia đình ông Điểu Hên ở bon Bu Tung, xã Quảng Tín trồng được năm ha điều, từ năm 2007 trở về trước nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên bình quân mỗi năm ông thu được 14 tấn hạt điều. Giá hạt điều vào thời điểm đó cũng khá cao nên gia đình ông thu nhập khoảng từ 350 đến 400 triệu đồng/năm, trừ mọi chi phí cũng thu lãi được hơn 300 triệu đồng. Nhờ cây điều, gia đình ông đã thoát đói nghèo trở thành một hộ khá giả ở địa phương. Thế nhưng, liên tục trong những năm gần đây, khi cây điều bước vào thời kỳ ra bông thì gặp sương muối và mưa trái mùa khiến bông bị đen, khô héo và rụng dần, làm cho năng suất rất thấp. Ông Điểu Hên cho biết: “Nếu như trước đây, năng suất điều đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha/vụ thì hiện nay giảm xuống còn một tấn, thậm chí có những năm chỉ thu được vài tạ. Giá điều hạt những năm gần đây cũng giảm mạnh, thu không đủ bù chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cũng như công chăm sóc, buộc tôi phải chặt bỏ hơn nửa vườn điều chuyển sang trồng các loại cây khác để ổn định cuộc sống”.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Đác R’Lấp Phạm Quang Vượng cho biết: Do phần lớn nông dân, nhất là đồng bào DTTS trồng điều theo kinh nghiệm là chính chứ chưa biết áp dụng khoa học – kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như thiếu vốn đầu tư… khiến nhiều vườn điều kém chất lượng. Ngoài ra, giá hạt điều trên thị trường thiếu ổn định, có những năm giảm quá mạnh, trong khi giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc tăng cao làm cho người trồng điều bị thua lỗ nặng, nên nhiều nông dân đã chặt bỏ vườn điều chuyển sang trồng cà-phê, cao-su, hồ tiêu… kéo diện tích cây điều toàn huyện giảm xuống còn khoảng 6.000 ha.
Diện tích trồng điều giảm
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng gần 20 nghìn ha cây điều, tập trung ở các huyện Krông Pa, Kông Chro, Ia Grai… Riêng với huyện Krông Pa, từ năm 2001, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định đầu tư 29 tỷ đồng vào dự án quy hoạch vùng nguyên liệu điều với diện tích 10.000 ha, cung cấp mỗi năm 10.000 tấn điều thô cho nhà máy chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là nhà máy chế biến điều xuất khẩu của Công ty cổ phần Long Sơn (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, phần lớn được trồng từ hạt nên năng suất không cao phần nhiều diện tích điều đã già cỗi, giống cũ chiếm tỷ lệ đến 63%; phần khác do giá cả thấp, đầu ra thiếu ổn định khiến cây điều không thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở NN và PTNT Gia Lai cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là do cây điều chủ yếu trồng trên chân đất xám bạc màu nên ít được đầu tư về giống, quy trình thâm canh, nên năng suất chỉ đạt từ 3 đến 4 tạ/ha. Giá hạt điều thấp nên người dân phải phá bỏ cây điều để thay thế các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn”.
Theo báo cáo của Phòng NN và PTNT huyện Krông Pa, diện tích điều toàn huyện hiện chỉ còn khoảng 4.597 ha, tập trung ở các xã Uar, Ia Rsai, Chư Rcăm. Chỉ đạt hơn 45% so với mục tiêu dự án đề ra. Bà Lê Thị Tuyết, một nông dân trồng điều ở xã Chư Drăng phản ánh: “Do năng suất của cây điều thấp, nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh nợ nần buộc phải chặt bỏ cây để bán dùng làm củi sấy thuốc lá với giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/cây. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Hiện nay, chỉ còn xã Uar là giữ được diện tích điều tương đối lớn (930 ha) nhưng nhiều hộ dân nơi đây cũng tỏ ra không còn “mặn mà” lắm với cây điều”.
Quy hoạch lại vườn điều
Qua khảo sát các địa phương cho thấy cây điều đang trước nguy cơ thu hẹp diện tích ở hầu hết các vùng trồng trọng điểm. Hiện Tây Nguyên chỉ còn khoảng 83.900 ha điều (giảm hơn 20.700 ha so với năm 2010, trong đó có khoảng 50.000 ha già cỗi). Trước tình hình đó, để nâng cao năng suất và giữ ổn định diện tích cây điều trên địa bàn, thời gian qua Sở NN và PTNT Đác Nông đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, như tiến hành quy hoạch diện tích cây điều trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2015. Trên cơ sở đó, chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện, thị xã tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng phương án hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích cây điều già cỗi hoặc các vùng trồng điều không phù hợp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, đồng thời hướng dẫn nông dân cải tạo các vườn điều đã có để giữ ổn định diện tích. Lựa chọn, cung cấp các loại cây giống có chất lượng, nhất là một số giống đã trồng có hiệu quả tại các địa phương như: các giống đầu dòng, giống DH66, DH67, Bo1…, từng bước thay thế các giống cũ. Tăng cường đầu tư, nâng cao trình độ kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo vườn điều, phòng trừ sâu bệnh cho phù hợp điều kiện sinh thái ở địa phương, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều biến đổi như hiện nay.
Theo kế hoạch đến năm 2015 toàn tỉnh Gia Lai sẽ có 25 nghìn ha điều với sản lượng ước đạt 14 nghìn tấn. Để cây điều phát triển bền vững, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các địa phương tổ chức đánh giá lại thực trạng cây điều, để có giải pháp cải tạo giống, khuyến khích tạo điều kiện để các nhà máy, cơ sở ký hợp đồng mua sản phẩm điều cho nông dân. Ngoài ra, để giúp nông dân trồng điều thu lợi nhuận cao và hạn chế việc chặt bỏ cây điều chuyển sang trồng cây trồng khác, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm thủy lợi nông, lâm nghiệp Gia Lai cũng đang tiến hành nghiên cứu “ứng dụng các chế phẩm tăng năng suất điều” ở ba huyện trọng điểm trồng điều (Kông Chro, Krông Pa, Ia Grai) của tỉnh Gia Lai nhằm góp phần xây dựng các giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững cây điều ở địa phương.
Theo số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tổng sản lượng điều khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ trong sáu tháng đầu năm chỉ đạt 330 nghìn tấn. Hiện nay, sản lượng điều thô chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu chế biến, 50% còn lại phải nhập từ nước ngoài. Trước tình hình này, Vinacas khuyến cáo, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải làm tốt quy hoạch vùng nguyên liệu, giúp nông dân kỹ thuật chọn giống tốt, trồng điều theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nâng cao hơn nữa chất lượng chế biến và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm điều nhân, chú trọng quảng bá để phát triển thị trường trong nước… thì mới mong cây điều phát triển trở lại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()