Vì sao có hiện tượng nông dân xin trả lại ruộng?
“Tấc đất - tấc vàng, quý lắm. Nhưng gia đình chúng tôi chỉ còn hai vợ chồng đã 80 tuổi, không còn sức lao động trong khi không thể thuê được người cấy, nên chúng tôi đã phải viết đơn xin trả lại xã 828m2 đất trong tổng số 4.680m2 để giao cho người khác”.
“Tấc đất – tấc vàng, quý lắm. Nhưng gia đình chúng tôi chỉ còn hai vợ chồng đã 80 tuổi, không còn sức lao động trong khi không thể thuê được người cấy, nên chúng tôi đã phải viết đơn xin trả lại xã 828m2 đất trong tổng số 4.680m2 để giao cho người khác”.
Ông Hồ Sỹ Vinh đã chia sẻ với chúng tôi như vậy trong chuyến khảo sát về hiện tượng 7 hộ nông dân viết đơn xin trả lại ruộng tại xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Gia đình ông có diện tích được chia là lớn nhất trong 7 hộ với 4.680m2; và gia đình ông cũng có số diện tích đất xin trả lại xã lớn nhất, với 828m2.
Ông Hồ Sỹ Vinh chỉ tay về thửa ruộng xin trả. (Ảnh: VT) |
Thiếu lao động
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trước đây gia đình ông Hồ Sỹ Vinh có 7 nhân khẩu, trong đó có 5 người con, 1 người con trai và 4 người con gái. Người con trai đã mất, 2 người con gái đã đi xây dựng gia đình, 2 người con gái khác đi làm ở Hà Nội, nên chỉ còn hai vợ chồng ông ở nhà. Vì gia đình không còn lao động, nên cách đây 5 năm, vợ chồng ông đã phải thuê người cấy giúp. Ông Hồ Sỹ Vinh chia sẻ: Vụ xuân năm 2013, mặc dù gia đình đã cố gắng đi thuê người cấy với giá 250.000 đồng/sào, nhưng vẫn không thuê được. Tấc đất – tấc vàng. Ở địa phương chúng tôi, vẫn có nhiều nhà muốn xin thêm ruộng. Do vậy, vợ chồng chúng tôi viết đơn xin trả lại một phần diện tích ruộng này để các gia đình khác có thêm điều kiện sản xuất. Nếu gia đình tôi không viết đơn trả, ruộng bỏ không thì phí lắm.
Gia đình ông Bùi Văn Lập ở xã Lam Sơn cũng viết đơn xin trả lại một phần diện tích ruộng. Gia đình ông xin trả 468m2 đất trong tổng số 738m2 được chia. Ông bà Bùi Văn Lập đã mất, nhà chỉ còn duy nhất một người con gái hoàn toàn không có khả năng lao động, vì chị bị tàn tật từ nhỏ (bị khoèo cả chân và tay) và đang sống độc thân. Những vụ trước, tổng số diện tích 738m2 này cũng được thuê lao động để canh tác. Nhưng hiện nay, do giá thuê lao động cao, trong khi lực lượng lao động nông nghiệp ở địa phương ngày càng ít, nên chị không thể thuê được người làm. Do vậy, chị đã có đơn xin trả một phần diện tích ruộng cho xã.
Con gái ông Bùi Văn Lập xin trả một phần ruộng vì không có khả năng lao động. (Ảnh: VT) |
Trước hiện tượng một số hộ dân xin trả lại ruộng cho xã, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND xã Lam Sơn cho biết: Người dân xin trả một phần diện tích ruộng lại cho xã không phải là vì chán làm. Những hộ này xin trả lại ruộng vì không có lao động và không thuê được người làm. Thời gian được giao ruộng từ năm 1993, trong khi lực lượng lao động lại có sự biến động, dẫn tới một số hộ không còn lao động để canh tác. Mặt khác, với công gặt khoảng 200-300.000 đồng/sào, công tuốt lúa từ 60-70.000 đồng/sào…, đây là mức công nhìn chung là thấp, nên nhiều người có sức lao động cũng không mặn mà.
Trước tình hình trên, đảng uỷ xã đã họp và ban hành nghị quyết để có hướng tháo gỡ. Một mặt, xã tiếp tục vận động người dân giữ đất để tiếp tục canh tác; mặt khác, với những diện tích đất người dân không tiếp tục canh tác được, xã giao cho một số đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… Xã cũng đang ra sức kêu gọi các đoàn thể ủng hộ sức lao động đối với những hộ không còn người lao động, nhưng vẫn chưa triển khai được.
Thu nhập thấp
Về sự việc này, chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở cho biết, vụ chiêm xuân 2013 cả tỉnh Hải Dương có 8 huyện, 37 xã có diện tích bỏ hoang hoá với 148,3ha. Trong đó, đất công điền có 70,4ha, đất 03 có 77,9ha. Riêng huyện Thanh Miện có diện tích đất công điền là 4,61ha, đất 03 là 3,18ha ở 3 đơn vị là xã Lam Sơn 1,67ha, Đoàn Tùng 0,9ha và thị trấn Thanh Miện 0,61ha. Qua tổng hợp bước đầu, cả tỉnh Hải Dương chỉ có 7 hộ ở xã Lam Sơn viết đơn gửi UBND xã xin trả lại một phần diện tích đất được chia theo Nghị quyết 03-NQ/TU. Cụ thể, 7 hộ này có tổng diện tích đất được chia là 22.158m2, tổng diện tích đất làm đơn xin trả lại xã là 3.213m2 (chiếm 14,5% diện tích được chia); về diện tích đất bỏ hoang, cả xã có 1,67ha ở 28 hộ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hữu Dương: Trồng lúa lãi ít, nhưng nông dân lại phải đóng góp nhiều khoản theo đầu sào. (Ảnh: VT) |
Nguyên nhân của việc 7 hộ làm đơn xin trả lại một phần đất ruộng 03 là đa phần các hộ không có hoặc có ít lao động sản xuất nông nghiệp. Trong tổng số 16 nhân khẩu của 7 hộ này, thì chỉ có 5 lao động nông nghiệp, còn lại 11 người thì không còn sức lao động; đi làm ở xa hoặc lao động phi nông nghiệp. Xu hướng lao động nông nghiệp hiện nay là dịch chuyển vào lĩnh vực phi nông nghiệp vì khu vực này có thu nhập cao hơn. Bình quân lương tối thiểu của lao động phổ thông phi nông nghiệp khoảng 300.000 đồng/ngày. Trong khi đó, thu nhập từ canh tác lúa chỉ từ 300-400.000 đồng/sào/vụ (trong khoảng 6 tháng). Trồng lúa lãi ít, hơn nữa nông dân lại phải đóng góp nhiều khoản theo đầu sào như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, dịch vụ thuỷ nông, diệt chuột, mương máng, bảo vệ thực vật, vệ sinh môi trường, tang lễ,…
Chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng tăng. Hiện nay, chi phí đầu vào cho một sào lên tới 840.000 đồng; bắt đầu đến ngưỡng giá thành sản xuất và giá bán tương đương nhau, thậm chí có thời điểm giá thành còn cao hơn giá bán, dẫn tới người nông dân bị lỗ. Một nguyên nhân sâu xa khác dẫn tới một số ít nông dân xin trả một phần ruộng là do yếu tố lịch sử để lại. Nhìn chung, lao động của các hộ dân được chia ruộng từ năm 1993 đã có sự biến động. Chẳng hạn, có tới 11/16 nhân khẩu của 7 hộ trên đã đi thoát ly làm ăn ở nơi xa, chỉ có 5 nhân khẩu ở lại sản xuất nông nghiệp…
Cần có giải pháp đồng bộ
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Hữu Dương cho biết, với những hộ không còn sức lao động, trước mắt, địa phương đẩy mạnh vận động các hộ có thửa ruộng liền kề nhận sản xuất. Tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân khắc phục khó khăn để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tăng cường hỗ trợ công tác thuỷ lợi, giống lúa cho nông dân. Vận động các đoàn thể tham gia canh tác những diện tích này, không để ruộng hoang hoá.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dương, vì lực lượng lao động nông thôn liên tục biến động, nên cần sớm sửa đổi Luật Đất đai trong vấn đề chia ruộng. Số hộ được chia ruộng từ năm 1993 đã có sự biến động khoảng 20%, nên cần tính toán để cho những người sinh từ năm 1994 đến nay cũng được chia. Việc chia ruộng không nên chia theo đầu khẩu, mà cần chú ý hơn đến người có điều kiện tích tụ ruộng đất, giúp họ mở rộng được sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa; nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng để việc cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp được dễ dàng hơn. Có chính sách hợp lý trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất…
Từ vụ việc trên ở Hải Dương cho thấy, để nông dân nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp bộ ngành. Các địa phương cần bám sát vào tình hình cụ thể để có hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với thực tiễn. Nhìn chung, việc các nông hộ, các doanh nghiệp chế biến nông sản, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chưa thực sự liên kết chặt chẽ. Mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp không đạt hiệu quả như mong đợi. Nông dân vẫn sản xuất manh mún. Thực tế đó làm cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bị phá vỡ, sản xuất không ổn định,… Do vậy, sản xuất nông nghiệp cần phải gắn chặt với cơ sở chế biến; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ để hình thành sự liên kết nông – công nghiệp – dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong tình hình mới.
Làm thế nào để nông dân nâng cao được thu nhập cũng là một vấn đề quan trọng được nêu ra tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá 13. Trong phần trả lời chất vấn, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng bày tỏ sự trăn trở trước tình hình nông dân vất vả làm ra nông sản song bán giá thấp. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực cùng các bộ, ngành tìm mọi giải pháp khắc phục những tồn tại và đề ra những giải pháp lâu dài để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao được giá trị gia tăng.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()