Vì sao Chính phủ cần phục vụ doanh nghiệp?
Ở bình diện quốc gia, doanh nghiệp phát triển sẽ là giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất cho cân đối thu chi ngân sách, là động lực của sự phát triển nói chung.
Nguồn lực cho cải cách kinh tế Việt Nam
Hình dung quốc gia như là một công ty mẹ, chúng ta sẽ thấy vấn đề quan trọng nhất là nguồn nhân lực, cụ thể là nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đề ra.
Vốn của một quốc gia bao gồm những nguồn chính sau:
Vốn là tài nguyên:Hiện nay, tài nguyên khoáng sản thiên nhiên qua khai thác nhiều năm (dầu, than, các loại quặng mỏ…)
Vốn là con người:Chúng ta còn đang phải đầu tư cả thời gian và tiền bạc; bằng cách đào tạo tại chỗ và tổ chức đi đào tạo nước ngoài với nhiều nguồn kinh phí khác nhau.
Vốn là đất đai:Đất đai được xem là nguồn vốn cực kỳ quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực này chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất.
Nguồn vốn huy động thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Hiện chất lượng huy động vốn của hệ thống ngân hàng còn chưa tốt. Đặc biệt giải quyết nợ xấu ngân hàng tồn đọng thời gian trước đây còn chậm.
Huy động vốn qua thị trường chứng khoán: Đâyđã và đang là kênh huy động hiệu quả vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Thông qua kênh thị trường chứng khoán, nhà nước còn phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn xây dựng các công trình.
Bên cạnh đó, còn có các nguồn vốn khác như vốn ODA, vốn FII; nguồn kiều hối của đồng bào Việt Nam tại nước ngoài; nguồn vốn đầu tư FDI (trực tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam). Trong đó, nguồn vốn ODA có xu hướng giảm đi, thay vào đó là các điều kiện vay gần với các khoản vay thương mại.
Nguồn vốn thu từ hoạt động của các doanh nghiệp phát triển vào ngân sách. Đây chính là nguồn lực có tiềm năng vô hạn. Doanh nghiệp càng phát triển số lượng và chất lượng; nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên, trong khi chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển không lớn.
Với quy mô dân số hiện nay, so với các quốc gia tiên tiến của thế giới, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
Quan trọng nhất, khi sử dụng nguồn thu thuế từ doanh nghiệp, nhà nước không phải hoàn trả và không phải đóng phí; trong khi sử dụng các nguồn vốn khác đều phải hoàn trả và tốn phí rất cao.
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rất rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp phát triển nhưng nhiều trường hợp cán bộ vẫn chưa thông và do đó nhiều nơi vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Như vậy, cần thiết phải phân tích rõ ràng việc “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Bài học từ TPHCM
TPHCM tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số của cả nước nhưng lại đóng góp tới 22% GPP và 30% tổng thu ngân sách cả nước.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trong nhiều năm qua TPHCM giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhưng nguyên nhân quan trọng là đã xây dựng và phát triển được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp mạnh. Hiện TPHCM có khoảng 200.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1/3 số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước.
Đại hội Đảng bộ TPHCM đã thông qua 7 chương trình đột phá liên quan đến các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp xây dựng và phát triển TP ; trong đó có ít nhất 3 chương trình liên quan trực tiếp đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình cải cách hành chính và chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố.
Bài học rất rõ ràng từ TPHCM là địa phương nào xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đông đảo, chất lượng thì nơi đó phát triển mạnh về mọi mặt, đóng góp nhiều cho đất nước không chỉ về ngân sách.
Giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất cho cân đối thu chi ngân sách quốc gia, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội tốt nhất đó là hướng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp; cả nước cần tập trung phục vụ cho doanh nghiệp phát triển.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()