Vì sao cần lưu ý sức ép lạm phát?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn, với tinh thần kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/3. |
Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến nhiệm vụ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra, Thủ tướng nhìn nhận, kinh tế – xã hội chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, năm 2018, có nhiều thách thức lớn. Trong nước, chúng ta đang thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, các dịch vụ công như giáo dục, y tế. Còn ở bên ngoài, xu hướng giá dầu thô và các loại hàng hóa có xu hướng tăng. Mỹ và các nước đối tác lớn tăng lãi suất. Trong khi đó chúng ta phải trung hòa một lượng ngoại tệ lớn đang rót vào nền kinh tế. Vì thế, tâm lý kỳ vọng lạm phát rất lớn.
Do đó, phải chú trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các bộ, ngành chức năng, các địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn, trong khu vực và tình hình thị trường thế giới.
Trong bối cảnh sức ép lạm phát lớn, NHNN phải chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất phù hợp; kết hợp đồng bộ chính sách tài khóa với các chính sách vĩ mô khác để thực hiện bằng được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thống đốc NHNN trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về việc này, Thủ tướng nêu rõ.
Các bộ, ngành chức năng cần lưu ý việc điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ công như giáo dục, y tế chỉ được thực hiện khi điều kiện cho phép và thời điểm thích hợp và phải xin ý kiến lãnh đạo một cách chặt chẽ.
Trong bài viết về tình hình kinh tế vĩ mô được công bố ngày 1/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ quan điểm chủ đạo về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới là: Điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa và đồng bộ giữa các công cụ chính sách để bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017 và tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
Từ thực tiễn thời gian qua, bài viết của Thủ tướng đã nêu rõ những kinh nghiệm sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng thời, nêu rõ một số định hướng chính sách, giải pháp trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới.
“Hoàn thiện thể chế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là một dung quan trọng nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng. Kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá, là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”- chúng ta cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình quốc tế, trong nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nêu rõ.
Cần theo dõi chặt chẽ
Theo nhận định của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI năm 2018 cần được theo dõi chặt chẽ để có những biện pháp xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý I và cả năm 2018.
Xu hướng lạm phát gia tăng đã được NCIF dự báo với 3 kịch bản. Cụ thể, ở kịch bản cao với mức tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, lạm phát trung bình được tính toán có thể đạt 4,8% hoặc cao hơn.
Thậm chí, ở kịch bản thấp, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,31%, lạm phát vẫn có thể tăng trở lại ở mức 4,2% và có thể cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách. Kịch bản này tuy ít khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế gặp nhiều bất lợi.
Với kịch bản trung bình – là phương án khả thi nhất, theo NCIF, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,8%.
Trong khi đó, trong báo cáo đưa ra cuối năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt khoảng 6,5-6,8%. Theo đó, 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát; tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây ra áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018. Bên cạnh đó, nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy hiệu quả tốt thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn.
Còn về lạm phát, Ủy ban nhận định nền tảng kinh tế vĩ mô đang dần được thiết lập vững chắc khi lạm phát có năm thứ 4 liên tục duy trì ở mức thấp.
“Nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương với mức tăng của năm 2017 (dưới 4%). Tuy nhiên, lạm phát năm 2018 có thể tăng cao hơn nếu giá điện tăng mạnh. Ước tính nếu giá điện tăng 8-10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1-0,15 điểm %”, Ủy ban dự báo.
Cụ thể hơn, lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) và giá thực phẩm. Còn yếu tố giá hàng hóa thế giới sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát do dự báo giá hàng hóa thế giới năm 2018 sẽ ít biến động so với năm 2017 và giá dầu bình quân dự báo chỉ tăng nhẹ khoảng 6% so với năm 2017.
Đồng thời, Ủy ban nhận định tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát, từ năm 2017 sang năm 2018, không lớn.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()