Vì sao các khu công nghiệp ở Cà Mau chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
Tỉnh Cà Mau có lợi thế, tiềm năng về ngư-nông-lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Cà Mau vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, Cà Mau triển khai những giải pháp, việc làm cụ thể thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.Trong những năm gần đây, Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài vào khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã triển khai quy hoạch tổng thể bốn khu công nghiệp (KCN) tập trung trên địa bàn gồm: KCN Khánh An, Hòa Trung, Năm Căn và Sông Đốc tại các huyện U Minh, Cái Nước, Năm Căn và Trần Văn Thời. Theo đó, tỉnh cũng đã ban hành một số chủ trương mời gọi, thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi dành cho các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực từ ngoài. Tuy nhiên, đến nay, Cà Mau vẫn là địa phương chưa thể 'hấp dẫn' được các dự án đầu tư nào từ...
Trong những năm gần đây, Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài vào khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã triển khai quy hoạch tổng thể bốn khu công nghiệp (KCN) tập trung trên địa bàn gồm: KCN Khánh An, Hòa Trung, Năm Căn và Sông Đốc tại các huyện U Minh, Cái Nước, Năm Căn và Trần Văn Thời. Theo đó, tỉnh cũng đã ban hành một số chủ trương mời gọi, thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi dành cho các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực từ ngoài. Tuy nhiên, đến nay, Cà Mau vẫn là địa phương chưa thể 'hấp dẫn' được các dự án đầu tư nào từ bên ngoài vào; ngoại trừ một doanh nghiệp (DN) duy nhất đầu tư 100% vốn nước ngoài sản xuất bột cá với quy mô nhỏ tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời vào năm 1996. Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, chín tháng đầu năm 2010, đơn vị này chưa tiếp nhận dự án và báo cáo đầu tư nào từ các DN trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các dự án đầu tư lâu nay vào các KCN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là của các DN trong tỉnh về sản xuất, chế biến thủy sản với quy mô vừa và nhỏ được vay gói vốn kích cầu của Chính phủ trước đây nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Lý giải điều này, câu trả lời trước hết đó là kết cấu hạ tầng tại các KCN còn quá yếu kém. Tình trạng này có thể thấy khá rõ tại tất cả bốn KCN của tỉnh. Được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận, năm 2004 tỉnh Cà Mau bắt tay vào việc khởi động xây dựng KCN Khánh An, có diện tích 360 ha, nằm trong quy hoạch tổng thể của cụm công trình khí-điện-đạm Cà Mau; là KCN 'ăn theo' về trước mắt cũng như lâu dài là sẽ tận dụng nguồn khí thấp áp để phát triển công nghiệp và các ngành nghề của địa phương. Thế nhưng đến nay, KCN này vẫn còn là vùng đất hoang sơ, ngập tràn lăn sậy, cỏ dại và không ít người dân trong vùng tiếp tục vào chiếm dụng đất nuôi tôm, cá… mà căn nguyên là việc bồi thường giải tỏa vẫn chưa xong; kết cấu hạ tầng 'chưa có gì', ngay cả con đường chính đi vào KCN đã có sẵn từ lâu cũng chỉ mới vừa được nâng cấp… Do khó khăn về nguồn vốn, năm 2007, tỉnh Cà Mau đã chủ trương chuyển chủ đầu tư cho Tổng công ty CP hạ tầng Sài Gòn liên kết với DN chế biến thủy sản Minh Phú, Cà Mau và chủ đầu tư mới đã cam kết đầu tư khoảng một nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng toàn bộ KCN, đồng thời mời gọi đầu tư vào đây. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới này cũng chưa làm được gì. Gần đây, đã có một số nhà đầu tư đến đây tìm hiểu và có ý định thuê đất triển khai các dự án đầu tư, nhưng tất cả đều ngán ngẩm, ra đi bởi kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu.
Với KCN Hòa Trung cũng trong tình trạng như thế. Gọi là KCN, nhưng thật ra đây chỉ là vùng đất còn trên quy hoạch hoang sơ. Vạn sự khởi đầu nan, chuyện giải tỏa, bồi hoàn, làm đường, san lấp mặt bằng, kéo điện hạ thế… để xây dựng nhà máy đều do chính công ty lo liệu. Đến nay, có bảy DN chế biến thủy sản trong tỉnh đã xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây. Trong khi đó, tại hai KCN Sông Đốc và Năm Căn cũng trong tình trạng… còn là quy hoạch treo. Do khó khăn về khâu quản lý, tài chính để xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý, tỉnh Cà Mau đã quyết định chuyển chủ đầu tư KCN Năm Căn cho Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư với quy mô diện tích 512 ha, với nguồn vốn cam kết đầu tư ban đầu lên đến gần một nghìn tỷ đồng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật; xây dựng một số nhà máy đóng tàu, nâng cấp cảng biển Năm Căn… Thế nhưng tất cả chỉ là kế hoạch trên giấy, là cam kết… không có thực!
Theo Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Cà Mau Nguyễn Việt Lập: Mặc dù đã được khởi động xây dựng từ lâu, nhưng khách quan mà nói, thực trạng kết cấu hạ tầng tại các KCN của tỉnh hiện nay là quá yếu kém. Tỉnh đã ban hành chủ trương ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, do tất cả các KCN hiện chưa có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt, không có đất sạch, giá cho thuê đất ở từng KCN…, cho nên điều này khó có thể thuyết phục được các nhà đầu tư có tiềm lực từ bên ngoài đầu tư vào tỉnh. Trong khi Cà Mau không phải là tỉnh nghèo về tiềm năng, lợi thế so với các tỉnh trong khu vực. Điều này cũng lý giải vì sao thời gian qua không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Cà Mau tìm hiểu, có ý định đầu tư nhưng rồi họ lại ra đi… Ngay một số DN lớn, tiềm năng trong tỉnh gần đây cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tại một số tỉnh lân cận: Hậu Giang, Kiên Giang… triển khai các dự án quy mô lớn để sản xuất, kinh doanh cùng lĩnh vực mà Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế như nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản, nhà ở, khu đô thị…
Cùng với các địa phương TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau được xác định là một trong bốn tỉnh trọng điểm của trục phát triển kinh tế về công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn… của khu vực Nam Sông Hậu và đồng bằng sông Cửu Long. Để khắc phục tình trạng, tụt hậu khá xa trong thu hút đầu tư, tạo động lực mới Cà Mau cần dồn sức triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, nhất là lựa chọn làm trước những hạng mục, công trình mà nhà đầu tư có yêu cầu. Đối với các KCN đã chuyển đổi chủ đầu tư như KCN Khánh An, Năm Căn, tỉnh cần đánh giá, xem xét lại thực tế việc quản lý, tiềm lực tài chính và khả năng triển khai dự án đầu tư hạ tầng để khắc phục triệt để tình trạng nhận đất rồi 'án binh bất động' và trở thành các KCN treo, gây khó khăn không nhỏ cho địa phương. Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư, thế nhưng môi trường đầu tư của tỉnh vẫn chưa được cải thiện nhiều so với yêu cầu và xu thế phát triển, hội nhập chung, nhất là chưa xây dựng và cụ thể hóa cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư tại từng KCN. Việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và những kiến nghị, yêu cầu của nhà đầu tư, DN chậm được xử lý đến nơi đến chốn. Đây cũng chính là lực cản, khó khăn chung đã làm nản lòng không ít các nhà đầu tư, DN trong và ngoài tỉnh tâm huyết với Cà Mau. Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã ký kết thỏa thuận xây dựng chương trình hợp tác với Ban Quản lý, các Khu chế xuất, KCN tại TP Hồ Chí Minh về trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, các đơn vị sẽ hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ qua các khâu liên kết xúc tiến, giới thiệu, mời gọi đầu tư. Nhưng quan trọng hơn là Cà Mau cần trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn để triển khai thành công việc xây dựng, thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()