Vì sao 1.000 tỷ USD của thị trường tiền điện tử bị 'thổi bay'
Sự kết hợp của một loạt yếu tố, bao gồm cảnh báo thắt chặt kiểm soát của một số chính phủ, tuyên bố của tỷ phú Elon Musk, khiến thị trường tiền điện tử vốn đã rất bất ổn thêm xáo trộn.
Sự tăng trưởng bùng nổ của các tài sản kỹ thuật số trong năm qua đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nghiệp dư và chuyên nghiệp đang tìm kiếm các kênh tạo lợi nhuận nhanh chóng. Nhưng sự trồi sụt thất thường trong tuần này trên thị trường tiền điện tử đã làm một số người trung thành với kênh đầu tư này tự hỏi liệu họ có đang bị lừa gạt hay không.
Tuần này, sự kết hợp của một loạt yếu tố, bao gồm cảnh báo thắt chặt kiểm soát của một số chính phủ những bài đăng Twitter từ người có ảnh hưởng lớn đến thị trường này là tỷ phú Elon Musk, càng khiến một thị trường vốn đã rất bất ổn thêm xáo trộn.
Điều gì đã xảy ra?
Thị trường tiền điện tử đã biến động khá nhiều trong khoảng một tuần trước khi xảy ra phiên lao dốc 19/5.
Vào phiên 12/5, đồng bitcoin đã giảm 12% sau khi tỷ phú Elon Musk rút lại cam kết của nhà sản xuất ôtô điện Tesla về việc chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền điện tử này. Lý do đưa ra là ông lo ngại về lượng khí thải carbon khổng lồ từ việc “đào” các đồng tiền điện tử. Sang cuối tuần trước, vị tỷ phú càng khiến giới nhà đầu tư thêm lo lắng với những đăng Twitter có vẻ trái ngược nhau về bitcoin, khiến thị trường lao đao.
Những yếu tố này kết hợp với thông tin giới chức Trung Quốc có thể thắt chặt kiểm soát sử dụng tiền điện tử trong nước đã đẩy thị trường lao dốc mạnh trong phiên 19/5.
Hôm 19/5 một đợt lao dốc diện rộng đã “xóa sổ” khoảng 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của tiền điện tử ước đạt 2.500 tỷ USD cách đó một tuần. Bitcoin, vốn chiếm hơn 40% thị trường tiền điện tử toàn cầu, đã để mất tới 30% xuống còn 30.000 USD đổi 1 BTC vào cùng phiên, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Các loại tiền điện tử khác cũng trượt dốc cùng bitcoin: đồng ethereum giảm hơn 40%, trong khi dogecoin và binance mất khoảng 30%.
Sang phiên 20/5, bitcoin đã phục hồi một phần và trở lại mức trên 41.000 USD đổi 1 BTC. Nhưng một tuyên bố từ các quan chức Trung Quốc vào ngày 21/5 nhắc lại yêu kiểm soát loại tiền tệ này tiếp tục “đánh gục” bitcoin. Trong chiều 21/5, bitcoin được giao dịch quanh khoảng 37.000 USD/BTC. Các loại tiền điện tử khác cũng chìm trong sắc đó.
Hiện bitcoin đã trượt rất sâu khỏi mức cao nhất mọi thời đại là trên 64.000 USD đổi 1 BTC đạt được một tháng trước đó.
Những lo ngại về thắt chặt kiểm soát
Trung Quốc từ lâu đã đặt ra những giới hạn về giao dịch tiền điện tử trong nước. Hồi năm 2013, các quan chức nước này đã tuyên bố bitcoin không phải một loại tiền tệ thực, cấm các tổ chức tài chính và thanh toán sử dụng nó. Các cá nhân có thể nắm giữ hoặc giao dịch tiền điện tử, nhưng các sàn giao dịch lớn ở Trung Quốc đại lục đều đã bị đóng cửa.
Nhìn bề ngoài, các tuyên bố trong tuần này chỉ đơn giản nhấn mạnh sự nghi ngờ của Trung Quốc đối với tiền điện tử nói chung. Nhưng chúng đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không sớm nới lỏng sự kiểm soát trên thị trường tiền điện tử. Các nhà chức trách cũng đang phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do nhà nước hậu thuẫn để duy trì giám sát chặt chẽ đối với dòng tiền.
Không chỉ Trung Quốc có động thái thắt chặt kiểm soát với tiền điện tử. Ngày 20/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà tiền điện tử gây ra cho hệ thống tài chính. Ông Powell cũng cho biết ngân hàng trung ương này sẽ xuất bản một bài báo vào mùa Hè tới về những tác động tiềm năng từ việc Chính phủ Mỹ phát triển một loại tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đang chú ý tới không gian tiền điện tử. Cũng trong hôm 20/5, các quan chức Mỹ cho biết bất kỳ giao dịch chuyển tiền điện tử nào có giá trị từ 10.000 USD trở lên đều phải được báo cáo cho Sở Thuế vụ.
Thông báo của Bộ trên nêu rõ các đồng tiền điện tử có thể tạo điều kiện cho nhiều hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, bao gồm cả trốn thuế. Mặc dù hiện chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong doanh thu kinh doanh, các giao dịch tiền điện tử nhiều khả năng sẽ trở nên quan trọng hơn trong thập kỷ tới, đặc biệt khi có chế độ báo cáo tài khoản tài chính diện rộng.
Triển vọng nào cho tiền điện tử?
Những biến động mạnh trong tuần qua là một đợt “sát hạch” cho những người ủng hộ tiền điện tử. Trong số đó, nhiều người có xu hướng nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn: Vào đầu năm 2020, bitcoin chỉ được giao dịch quanh mức 7.000 USD, đồng nghĩa là nó vẫn tăng hơn 400% trong khoảng thời gian từ đó tới nay ngay cả khi sụp đổ trong tuần qua.
Ông William Quigley, Giám đốc điều hành tại một quỹ đầu tư tập trung vào tiền điện tử, cho biết hầu như mọi người đều có xu hướng tập trung vào từng ngày, từng tuần giao dịch. Nhưng đó không phải là cách nhà đầu tư hoạt động trên thị trường tiền điện tử, thậm chí là thị trường chứng khoán.
Còn theo ông Vitalik Buterin, người đồng sáng tạo đồng tiền điện tử ethereum, đây có thể coi là một “bong bóng” tài chính khác. Trả lời phỏng vấn kênh CNN Business tuần này, ông Buterin bày tỏ không ngạc nhiên về đợt lao dốc vì ông đã trải qua những diễn biến tương tự trước đó.
Ông Buterin nói rằng thị trường đã chứng kiến ít nhất ba bong bóng tiền điện tử lớn cho đến nay. Trong hầu hết trường hợp, lý do các bong bóng vỡ là vì một số sự kiện làm rõ ràng một điều rằng công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng tiền điện tử vẫn chưa xuất hiện.
Trong khi đó, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho biết tiền điện tử có thể vẫn là một phần của thị trường toàn cầu như một loại “vàng kỹ thuật số,” ngay cả khi tầm quan trọng của chúng trong các nền kinh tế sẽ vẫn còn hạn chế.
Theo ông Summer, nếu tổng giá trị của tiền điện tử có thể tăng lên tương đương 1/3 tổng giá trị của thị trường vàng, đó sẽ là một “sự tăng giá đáng kể so với mức hiện tại” và nâng cao triển vọng đưa các loại tài sản kỹ thuật số này trở thành một phần của hệ thống tài chính trong một thời gian dài.
Nhưng ông Summers cho biết tiền điện tử không quan trọng đối với nền kinh tế tổng thể và không có khả năng đóng vai trò như một phần lớn các khoản thanh toán. Đồng tình với nhận xét của ông Summers, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman cũng nghi ngờ giá trị của tiền điện tử như một phương tiện trao đổi hoặc sức mua ổn định, dù đồng ý rằng một số hình thức của tiền điện tử có thể tiếp tục tồn tại như một sự thay thế cho vàng./.
Ý kiến ()