Vi phạm về việc in hoá đơn giả?
Xin cho hỏi việc xử phạt vi phạm về việc in hoá đơn giả? Thẩm quyền xử phạt như thế nào? Mức phạt ra sao? (Hoà An, Hải Dương)
Câu hỏi của bạn đã được chúng tôi gửi đến luật sư Phạm Hùng Thắng – Đoàn LS Thanh Hoá và được ông trả lời như sau:
Công văn số 1506/TCT-CS ngày 4 tháng 5 năm 2011 của Tổng cục Thuế hướng dẫn xử phạt vi phạm về hóa đơn tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP:
Các hình thức khắc phục hậu quả:
– Hủy các hóa đơn được in hoặc khởi tạo không đúng quy định; (Điều 28)
– Hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định; (Điều 29)
– Hủy các hóa đơn cho, bán hoặc hóa đơn giả; (Điều 30)
– Hủy các loại hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng; hóa đơn đã mua và chưa lập nhưng cho, bán lại các đối tượng khác sử dụng; (Điều 31)
– Hủy hóa đơn đã phát hành không còn giá trị sử dụng; (Điều 33)
– Buộc phải thực hiện các thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn. (Điều 32).
Các hình thức phạt bổ sung:
– Đình chỉ in hóa đơn đối với doanh nghiệp in khi có hành vi in hóa đơn giả của doanh nghiệp in; (khoản 6, Điều 30)
– Bị chỉ định nhà in đối với tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi có hành vi đặt in hóa đơn giả; (khoản 6, Điều 29)
– Đình chỉ quyền tự in hóa đơn và quyền khởi tạo hóa đơn đối với tổ chức, doanh nghiệp có hành vi tự in hóa đơn giả, hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả. (khoản 3, Điều 28)
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Theo Điều 37, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được thực hiện theo quy định tại các Điều 29, 30, 36 và 38 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Việc cho phép cơ sở kinh doanh khởi tạo, đặt in và tự in hóa đơn được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP. Do vậy, trường hợp trong quá trình kiểm tra, thanh tra phát hiện những vi phạm về hóa đơn, Cục trưởng Cục Thuế có thẩm quyền ra quyết định phạt tiền vi phạm về hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 36, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12, cơ quan Thuế chỉ được phạt hành chính trong lĩnh vực thuế bằng tiền mà không được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, chiếu theo Điều 38, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12, Thanh tra Thuế là một bộ phận trong Thanh tra chuyên ngành Tài chính. Vì vậy, Thanh tra Thuế có thẩm quyền được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo Điều 38, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nêu trên.
Một số xử phạt vi phạm hành chính về việc in hoá đơn giả:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về tự in hoá đơn và khởi tạo hoá đơn điện tử
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự in hoá đơn, khởi tạo hoá đơn điện tử không đủ các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tự in hoá đơn hoặc khởi tạo hoá đơn điện tử khi không đủ các điều kiện quy định trong Nghị định này.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tự in hoá đơn giả, hoặc khởi tạo hoá đơn điện tử giả, đồng thời bị phạt đình chỉ quyền tự in hoá đơn và quyền khởi tạo hoá đơn điện tử trong thời hạn 36 (ba mươi sáu) tháng, kể từ khi hành vi bị phát hiện.
Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều này phải hủy các hoá đơn được in hoặc khởi tạo không đúng quy định.
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về in hoá đơn đặt in
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chế độ báo cáo việc in hoá đơn theo quy định của Bộ Tài chính.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:
a) Không thanh lý hợp đồng in khi bên đặt in đã hoàn thành thủ tục thông báo phát hành;
b) Không hủy các sản phẩm in hỏng, in thừa khi tiến hành thanh lý hợp đồng in.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi:
a) In hoá đơn khi không đủ điều kiện quy định tại Điều 22 Nghị định này;
b) Không khai báo việc làm mất hoá đơn trong khi in, trước khi giao cho khách hàng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một khâu bất kỳ trong hợp đồng in hoá đơn cho cơ sở in khác.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hoá đơn đặt in của khách hàng này cho khách hàng khác.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi in hoá đơn giả, đồng thời bị đình chỉ in hoá đơn trong thời hạn 36 (ba mươi sáu) tháng, kể từ khi hành vi bị phát hiện.
Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm các khoản 5, 6 Điều này phải hủy các hoá đơn cho, bán hoặc hoá đơn giả.
Ý kiến ()