Chủ nhật, 24/11/2024 02:34 [(GMT +7)]
Vi phạm về nồng độ cồn: Khó khăn trong xử lý
Thứ 2, 26/09/2011 | 08:56:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Thói quen điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia luôn tiềm ẩn những hiểm họa cho người đi đường và bản thân người điều khiển phương tiện. Vì vậy, tháng ATGT năm nay được Ủy ban ATGT quốc gia lấy chủ đề là “Phòng, chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”, trong đó nhấn mạnh việc tập trung phát hiện, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn…
Lực lượng chức năng xử lý hiện trường một vụ TNGT ở thành phố Lạng Sơn |
Trong 20 ngày đầu của Tháng ATGT (từ 1-20/9), Phòng CSGT Công an tỉnh đã tăng cường lực lượng, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông do đơn vị quản lý. Qua đó đã phát hiện, xử lý 172 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn. Con số này gần gấp đôi so với số trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý 8 tháng đầu năm (97 trường hợp).
Tuy nhiên, theo nhận định của cán bộ, chiến sĩ trong ngành, số vi phạm về nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý còn “khiêm tốn” so với tình hình thực tế. Riêng tại thành phố Lạng Sơn, trong 20 ngày đầu tháng ATGT, lực lượng CSGT xử phạt 23 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, còn 8 tháng đầu năm 2011 chỉ có 18 trường hợp bị xử lý.
Theo thượng tá Bế Thế Huyên – Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu (hoặc trong hơi thở) cao hơn mức cho phép đã được quy định cụ thể, chi tiết. Hiện tại, Phòng CSGT được trang bị 4 máy đo nồng độ cồn thuộc hàng hiện đại nhất, có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn lại gặp không ít khó khăn do người vi phạm bất hợp tác.
Nhiều trường hợp, đối tượng say rượu, bia thường tìm cách chống đối như không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc thổi không đủ khí khiến máy đo cho ra kết quả sai và buộc phải làm đi làm lại nhiều lần. Lại có trường hợp say tới mức không thể thổi vào máy đo; nghiêm trọng hơn còn có cả những trường hợp vi phạm lăng mạ, đe doạ lực lượng kiểm tra… Mỗi lần kiểm tra như vậy thường mất rất nhiều thời gian trong khi lực lượng CSGT còn mỏng sẽ bỏ sót nhiều trường hợp vi phạm khác.
Thêm vào đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT phát hiện, xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn thường là gián tiếp – từ kiểm tra, xử lý lỗi vi phạm khác như chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, không đội mũ bảo hiểm…, vì vậy cũng có những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông trong trạng thái say xỉn vẫn “thoát” khỏi “tầm ngắm” của lực lượng chức năng.
Với lực lượng CSGT các huyện, thành phố, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn còn gặp trở ngại nữa đó là máy móc, thiết bị phục vụ nhiệm vụ này còn thiếu thốn. Thiếu tá Nguyễn Cao Huy – Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Lạng Sơn cho biết: hiện đơn vị chỉ có 1 máy đo nồng độ cồn, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, qua giao tiếp, không khó để CSGT nhận biết người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vừa uống rượu, bia. Nhưng để xác định được vi phạm thì phải kiểm tra nồng độ cồn, điều này là khó khi máy móc, thiết bị còn thiếu.
Địa bàn thành phố Lạng Sơn có dân cư đông đúc, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông cao. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người dân còn kém, nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia bị lực lượng chức năng kiểm tra thì tỏ thái độ bất hợp tác, chống đối… khiến cho kết quả kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm này còn “khiêm tốn”.
Ngay trong những ngày đầu tháng ATGT năm nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Vụ việc xảy ra hồi 13 giờ 40 phút ngày 11/9 trên đường Bà Triệu giữa xe ô tô con và xe đạp, hậu quả là người đi xe đạp bị thương nặng phải đi cấp cứu. Theo kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng, tại thời điểm gây tai nạn, người điều khiển xe ô tô (là một cán bộ công chức) có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,685miligam/1 lít khí thở – cao hơn nhiều so với mức cho phép.
Rõ ràng cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; bản thân mỗi người dân cần nhận thức rõ những hiểm họa mà việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để từ đó nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đảm bảo an toàn cho mình và cho những người xung quanh.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 – 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên đường và từ 4 đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, tuỳ từng mức vi phạm cụ thể, người điều khiển mô tô, ô tô còn bị tước giấy phép lái xe, bị tạm giữ phương tiện theo quy định.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()