Vi phạm kinh doanh BĐS: Mức phạt 2 tỷ đồng liệu đã đủ sức răn đe?
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, việc sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân thuê, mua bất động sản hình thành trong tương lai mà không đúng mục đích cam kết sẽ bị xử phạt lên đến 800 triệu đồng.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng,” trong đó đưa ra đề xuất tăng mức phạt tiền lên gấp 1,5 đến 2 lần và có thể lên tới 2 tỷ đồng (đối với tổ chức)…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức phạt này cũng chưa đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là kẽ hở để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà.
Tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần
Theo Bộ Xây dựng, sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, việc quản lý đầu tư xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được xử lý kịp thời, góp phần giảm thiểu các hành vi xây dựng sai phạm.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận trong quá trình triển khai, Nghị định số 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi như: Xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt như hiện nay là chưa phù hợp; không có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện xin cấp và điều chỉnh giấy phép theo Nghị định số 139 cũng chưa phù hợp với từng loại công trình; chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…
Vì thế, dự thảo Nghị định đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định lần này đề xuất tăng mức phạt tiền từ 300 triệu đồng (mức phạt cao nhất theo Nghị định số 139) lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản có điều kiện như: Bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết…
Cần phải quy trách nhiệm cụ thể
Chia sẻ quan điểm về đề xuất mức phạt nêu trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng mức phạt 800 triệu đồng như dự thảo nghị định mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên là chưa đủ sức răn đe.
Thậm chí, theo ông Đính, nếu phạt kịch khung theo Luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) thì cũng chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là kẽ hở để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng đối với dự án có tổng mức đầu tư cả trăm tỷ đồng, hay cả nghìn tỷ đồng thì sai phạm, xử phạt hành chính cao nhất chỉ 2 tỷ đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính là chưa đủ mạnh để ngăn chặn các sai phạm.
Vì thế, theo ông Tùng, để thay đổi có hiệu quả, mang tính đột phá thì Luật Xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức phạt, tăng chế tài đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm lực kinh tế lớn, trong đó có bất động sản.
“Mức phạt phải đủ sức răn đe để các chủ đầu tư, người vi phạm thấy rõ nếu có vi phạm thì bản thân chịu thiệt nặng trước, không có lợi lộc gì,” ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần xem xét các yếu tố để hình sự hóa các vụ việc, xử lý nghiêm, dứt điểm. Theo ông Tùng, quy định như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng như nhiều vụ việc từ trước đến nay.
“Thậm chí, cần phải quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu địa phương, các cấp cán bộ khi để xảy ra vi phạm,” ông Tùng kiến nghị.
Đối với những công trình đã đi vào hoạt động, theo ông Tùng, Nhà nước cần trưng thu toàn bộ số tiền doanh nghiệp bán được vào ngân sách để đầu tư cho các công trình công ích khác; cũng như tìm ra những cá nhân liên quan đến sai phạm đưa ra xử lý…
Ngoài ra, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng khuyến cáo người mua nhà cần đủ tỉnh táo trước khi đặt cọc, ký hợp đồng, xuống tiền mua sản phẩm bất động sản; tìm hiểu các thủ tục pháp lý của dự án, tránh tiền mất tật mang./.
Ý kiến ()