Nguồn năng lượng giàu sức đột khởi
Năm nay, giới báo chí nước nhà kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trong niềm lạc quan, phấn chấn trước những kết quả, thành công mới của đất nước. Tiếp nối năm 2015 với những dấu ấn nổi bật, năm 2016 trên đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện trọng đại.
Là lực lượng xung kích tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, hơn 23 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam làm việc trong gần 850 cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo nghiên cứu báo chí đang nỗ lực truyền tỏa tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội vào các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng tạo đồng thuận xã hội, cùng chung sức giải quyết khó khăn, thách thức của đất nước trên con đường phát triển. Bám sát thực tiễn, với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, các nhà báo đã phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, vừa chú trọng phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, vừa tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống; tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển đất nước. Hình ảnh đất nước ngày càng sống động trên gương mặt báo chí.
Nhịp bước đồng hành cùng đất nước, từ đầu năm đến nay, đời sống báo chí trong khuôn khổ hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc và đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hội báo toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công tại Thủ đô Hà Nội với nhiều nội dung hoạt động phong phú, mới mẻ và thiết thực đã thật sự trở thành một cuộc hội tụ văn hóa, tinh thần và nghiệp vụ rất sống động của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước.
Nền tảng luật pháp và đạo đức
Trải qua chặng đường lịch sử 91 năm, chúng ta tự hào có một nền báo chí cách mạng, chính trực, giàu sức chiến đấu và tính nhân văn được xây đắp nên bởi những người làm nghề chính trực, đầy tinh thần cống hiến. Họ hằng ngày, hằng giờ âm thầm dấn thân với nghề, vì đất nước, vì nhân dân, vì lẽ phải trên đời. Để có một xã hội minh bạch, dân chủ hơn và vì quyền được thông tin của người dân, trên thực tế, không hiếm những phóng viên bị cản trở, đe dọa và hành hung, bị tước phương tiện tác nghiệp khi đang hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Ở những nơi môi trường pháp lý còn lỏng lẻo, bất cập, tinh thần thượng tôn pháp luật còn yếu kém, nhà báo rất dễ trở thành mục tiêu tiến công của một số kẻ xấu với nhiều chiêu thức từ mua chuộc đến ép buộc, đe dọa, hành hung…
Mặt khác, không thể chối bỏ một thực tế là những năm gần đây, có một bộ phận người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với nhiều biểu hiện, mức độ khác nhau. Có những hiện tượng hoặc là vô tình, non kém năng lực tác nghiệp, hoặc là hữu ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đưa đến nhiều hậu quả đáng tiếc, làm mai một hình ảnh của người làm báo, dẫn đến công chúng mất niềm tin vào báo chí. Trong những hành vi không chuẩn mực trong hoạt động báo chí, có hành vi vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm cả pháp luật. Đặc biệt, khi báo chí điện tử và mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, công nghệ truyền thông đang tạo ra những cơ hội lớn cùng với những thách thức gay gắt với nghề báo, thực trạng vi phạm đạo đức báo chí, xa rời chuẩn mực truyền thống ngày càng đáng lo ngại… Những người làm báo thiếu đạo đức thì không thể góp phần xây đắp nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Và dù cho, dưới định chế của pháp luật hay quy định về đạo đức thì báo chí phải có tính nhân văn, hướng về con người và tôn trọng con người.
Giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí là tính trung thực. Thông tin chính xác, đúng đắn là sứ mệnh của báo chí. Chân thực không có nghĩa là miêu tả tỉ mỉ, đưa hết mọi việc lên mặt báo mà là phải chỉ ra đúng bản chất sự việc bằng sự khách quan, công tâm… Trong cơn lốc xoáy của nền kinh tế thị trường, một số nhà báo đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng thương mại hóa báo chí, thiếu thận trọng, chạy theo những thị hiếu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách trên báo chí… làm ô nhiễm môi trường xã hội. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Bản thân báo chí đã và đang chịu những thách thức lớn trước sự lấn lướt của mạng xã hội, sẽ gây mất niềm tin bởi những trang báo đưa tin thiếu trung thực khiến độc giả tự đi tìm kiếm thông tin trong biển thông tin xô bồ, hỗn tạp. Đó là điều rất nguy hại.
Tính chiến đấu và tính nhân văn
Báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Công chúng báo chí đã và đang mệt mỏi vì thông tin hỗn loạn, xô bồ, thiếu kiểm soát. Và nhu cầu thông tin trí tuệ, thấu hiểu, vượt lên thông tin xô bồ, thị hiếu rẻ tiền vẫn là nhu cầu cơ bản của một xã hội lành mạnh… Nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí vẫn kiên định với hướng đi này và tin rằng độc giả sẽ không quay lưng. Để vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời đại truyền thông trong kỷ nguyên số, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đều tìm cách làm riêng, lối đi riêng của mình để phụng sự, tồn tại và phát triển. Nhưng những nguyên tắc cơ bản, những giá trị phổ quát, trong đó có quy định về đạo đức nghề nghiệp và luật pháp phải là ánh sáng soi rọi trên mỗi bước đường lao động báo chí. Kiến thức, thông tin ở trong đầu và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho báo chí trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy, mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người. Một nền báo chí nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Nghề nào cũng cần đạo đức, nghề báo là nghề đặc biệt, có tính đặc thù, và nhà báo được trao một trách nhiệm là cung cấp, định hướng thông tin cho xã hội nên sản phẩm của báo chí tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội.
Tính chiến đấu và tính nhân văn luôn gắn bó với nhau. Chúng ta chiến đấu để bảo vệ những giá trị cao cả của cuộc sống, để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ những lợi ích tối cao, sống còn của đất nước, dân tộc, cũng như lợi ích thiết thân, sinh mệnh của từng người dân, đó là nhân văn. Chúng ta chiến đấu tham nhũng, tiêu cực, chống bất công xã hội, bảo vệ những người bị áp bức, bị chà đạp trong xã hội…, đó là nhân văn. Thời cuộc càng biến động, xã hội hiện đại càng chịu nhiều áp lực, va đập của nhiều xu hướng, hiện tượng trong thời đại thông tin kỹ thuật số thì bên cạnh không ngừng nâng cao tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí càng phải được chú trọng, đề cao, góp phần xây dựng một nền báo chí vì con người và tôn trọng con người.
Ý kiến ()