Vì một mùa đông không lạnh
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng về vấn đề Ukraine, châu Âu đang đứng ngồi không yên trước nỗi lo thiếu nguồn cung, giá tăng cao cùng sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Moskva. Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút tìm nguồn cung bên ngoài để người dân châu Âu tránh lâm vào cảnh lạnh giá trong mùa đông.
Hãng tin Bloomberg dự báo, châu Âu nhiều khả năng sẽ thiếu hụt khí đốt trong mùa đông năm nay do thời tiết giá lạnh và kho dự trữ sắp cạn kiệt. Trong đó, hai nguyên nhân chính là nguồn cung hạn chế từ Nga, quốc gia cung cấp tới 35% lượng khí đốt cho EU, và thời tiết mùa đông năm nay rét bất thường khiến nhu cầu sử dụng khí đốt cho hệ thống sưởi tăng cao. Giá khí đốt ở châu Âu trong những ngày đầu năm 2022 tăng “phi mã” hơn 30%, lần đầu trong lịch sử vượt ngưỡng 2.150 USD/1.000 m3. Từ tháng 1/2021 đến nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 5 lần, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu để có tiền mua khí đốt.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy, sự chênh lệch giữa cung và cầu cùng tâm lý bất an của người tiêu dùng trước những căng thẳng trong quan hệ Nga-phương Tây đã khiến thị trường khí đốt khan hiếm và tăng giá mạnh. Theo IEA, nhu cầu khí đốt tăng 4,6% năm 2021, trong khi năm 2022 nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu ước tính lên tới 4.100 tỷ m3, đặt ra thách thức không nhỏ đối với các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Trước tình cảnh đó, EU nhiều lần đổ lỗi cho Nga sử dụng khí đốt như một con bài để gây sức ép với châu Âu trong các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, Nga thẳng thừng bác bỏ nguyên nhân sự thiếu hụt và tăng giá khí đốt bắt nguồn từ Moskva, mà lý do là EU giảm sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên và thiếu các thỏa thuận bền vững trong cung ứng với Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh, các nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu là do Ủy ban châu Âu (EC) từ chối ký kết các hợp đồng dài hạn, giảm sản lượng khai thác khí đốt và thời tiết giá lạnh của mùa đông năm nay.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang nóng về vấn đề Ukraine, châu Âu đang phải gấp rút tìm nguồn cung khác trong trường hợp Moskva khóa van các đường ống cung cấp khí đốt. Quan chức cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thông báo, Brussels đang cân nhắc các biện pháp dự phòng trong trường hợp thương lượng ngoại giao với Nga thất bại, trong đó các đối tác tiềm năng về cung cấp khí đốt cho châu Âu là Mỹ, Qatar và Azerbaijan. Bày tỏ sự sát cánh với châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Washington đang tích cực thảo luận việc bảo đảm cung cấp khí đốt một cách liên tục, kịp thời và không gián đoạn cho EU từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu.
Trái với lập trường cứng rắn của Mỹ, Đức – đầu tàu kinh tế EU – tỏ ra lo lắng nếu Nga “khóa van” đường ống dẫn khí đốt cho châu Âu. Trong khi Washington và một số nước EU không muốn đưa vào sử dụng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức, Berlin vẫn rất mong muốn sớm cắt băng khánh thành dự án này. Bởi, đường ống trị giá 11 tỷ USD cơ bản đã hoàn tất nhưng đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ cho nên chưa thể đưa vào vận hành. Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức Klaus-Dieter Maubach tự tin cho rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có thể sẽ được thông qua vào giữa năm nay, qua đó bảo đảm nguồn cung khí đốt cho Đức và châu Âu.
Căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây chung quanh vấn đề Ukraine là điều thế giới không mong đợi. Quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” này sẽ chỉ đẩy hai bên vào thế khó, trong đó người dân EU sẽ phải đối mặt một mùa đông lạnh giá nếu vì một lý do nào đó, Moskva quyết định cắt đứt nguồn cung khí đốt.
Ý kiến ()