Vì môi trường sống trong lành
Hơn 100 thành phố ở châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ phát thải ròng vào năm 2030, sớm hơn 20 năm so với lịch trình của Liên minh châu Âu (EU). Ứng phó biến đổi khí hậu, vì môi trường sống trong lành cho nhân loại cũng là mong muốn của 80% người dân trên toàn thế giới.
Một cuộc khảo sát do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại học Oxford và GeoPoll phối hợp thực hiện, trong đó đặt 15 câu hỏi bằng các cuộc gọi điện thoại ngẫu nhiên tới người dân ở 77 quốc gia, đại diện cho 87% dân số thế giới. Kết quả cho thấy, trong số 75.000 người tham gia khảo sát, cứ năm người thì có bốn người (tương đương tỷ lệ 80%) muốn đất nước của họ tăng cường các cam kết ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Điều khá bất ngờ là người dân các quốc gia nghèo ủng hộ chính sách này nhiều nhất (89%), trong khi tỷ lệ ủng hộ ở các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng ở mức cao (76%). Những quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ cũng có phần lớn người được hỏi ủng hộ hành động vì khí hậu, trong đó Trung Quốc là 73% và Mỹ là 66%. Hầu hết người được hỏi ở 62 trong số 77 quốc gia được khảo sát cho biết họ ủng hộ việc chuyển đổi nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Trong số 75.000 người tham gia khảo sát, cứ năm người thì có bốn người (tương đương tỷ lệ 80%) muốn đất nước của họ tăng cường các cam kết ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Quan điểm của phần lớn người dân trong cuộc khảo sát nêu trên được 112 thành phố ở châu Âu đưa vào quyết tâm và hành động cụ thể. Theo đó, một sáng kiến có sự tham gia của 112 thành phố đặt ra mục tiêu loại bỏ phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030, trong khi mục tiêu chung của EU là trung hòa khí thải vào năm 2050. Để biến mục tiêu của tầm nhìn thành hiện thực, các thành phố tham gia sáng kiến “100 thành phố trung hòa khí hậu và thông minh” cần nguồn đầu tư tổng cộng 650 tỷ euro (gần 700 tỷ USD).
Nguồn vốn này sẽ được sử dụng cho các dự án cải tạo tòa nhà tiết kiệm năng lượng, nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu và phát triển hệ thống giao thông xanh. Các thành phố được chọn bao gồm 100 thành phố thuộc EU và 12 thành phố ở các quốc gia đối tác, trong tổng số 377 thành phố đăng ký tham gia. Các thành phố này đang phối hợp chặt chẽ với EU và tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Ngân hàng Không biên giới (BwB) xây dựng và triển khai kế hoạch hành động khí hậu cụ thể.
Ủy ban châu Âu (EC) đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và phê duyệt kế hoạch của các thành phố, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua “Trung tâm vốn cho thành phố khí hậu”. Trung tâm này sẽ huy động vốn tư nhân thông qua bảo lãnh của chính phủ các nước và tạo điều kiện cho các dự án nhỏ vay vốn dễ dàng hơn.
Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), với vai trò là ngân hàng khí hậu của châu Âu, sẽ hợp tác chặt chẽ với “Trung tâm vốn cho thành phố khí hậu” để cung cấp tư vấn tài chính và kỹ thuật cho các thành phố. Đến nay, EIB đã phê duyệt kế hoạch khí hậu của 33 thành phố, đồng thời dành hơn 25% khoản vay cho các dự án tại các thành phố và cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa khí hậu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các thành phố đóng góp tới 70% lượng khí thải CO2 toàn cầu, do vậy đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động nặng nề đến người dân sống ở các thành phố, với gần một nửa số trường học và bệnh viện ở châu Âu nằm trong các “đảo nhiệt” đô thị, nơi các tòa nhà và đường sá tập trung với mật độ cao, hấp thụ nhiệt và nhiệt độ cao hơn đáng kể so với ở các khu vực xanh.
Giới chuyên gia môi trường cho rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, nắng nóng, hạn hán… diễn ra với tần suất ngày càng nhiều và quy mô lớn hơn, gây hậu quả khủng khiếp hơn là hệ quả của biến đổi khí hậu. Để ứng phó biến đổi khí hậu, các chính phủ và người dân trên toàn thế giới cần chung tay giảm phát thải, bảo vệ môi trường sống của nhân loại.
Ý kiến ()