Vì mầm xanh tương lai của nhân loại
Hơn hai năm hoành hành trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em, đe dọa tương lai của cả một thế hệ. Bởi vậy, triển khai chương trình phục hồi giáo dục và chú trọng chăm sóc trẻ em một cách toàn diện là chìa khóa để bảo vệ “mầm non” của nhân loại, khi ngoài kia, “cơn bão” Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
Em cảm thấy như đang bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình và tất cả mọi người đang ở rất xa em. Khoảng thời gian đầu phải giãn cách xã hội, em thấy rất cô độc”. Cô bé Aya Raji (A.Ra-gi), 14 tuổi, sống tại thành phố New York của Mỹ chia sẻ với tờ The New York Times về cảm giác cô đơn, buồn bã mà mình từng trải qua khi trường học của em chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến do dịch bệnh. Aya cho biết, em luôn cảm thấy lo lắng và bị mất ngủ đến 4 giờ sáng.
Giống như Aya, nhiều người trẻ trên khắp thế giới cũng gặp vấn đề về tâm lý, tinh thần khi trường học đóng cửa, các cơ hội giao tiếp xã hội bị hạn chế. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) gần đây tiến hành một cuộc khảo sát ở 22.000 người trẻ đến từ 21 quốc gia. Kết quả cho thấy, khoảng 36% số người trẻ tuổi được hỏi cho biết họ thường xuyên cảm thấy lo lắng. Những người trẻ cũng dễ bị trầm cảm và không thấy hứng thú với mọi việc chung quanh. Giới chuyên gia Mỹ kêu gọi các nước hành động nhanh chóng trước cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang ở mức đáng báo động trong giới trẻ.
Không chỉ gây ra những “tổn thương vô hình” về mặt tinh thần, đại dịch Covid-19 còn tước đi của trẻ em cơ hội học tập và phát triển các kỹ năng. Truyền thông Australia đăng tải một báo cáo cho thấy, lần đầu sau 13 năm, tỷ lệ trẻ em đạt tiến bộ trên năm khía cạnh phát triển chính của nước này đã sụt giảm do hệ quả của dịch bệnh. Các mô hình dạy và học trực tuyến được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia, song không thể phủ nhận rằng, việc học trực tuyến có nhiều hạn chế và không thể thay thế hoàn toàn cho hình thức học trực tiếp.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết, khi trẻ em không có tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè, việc học tập sẽ bị ảnh hưởng. Gián đoạn học tập cũng gây ra những hệ lụy như gia tăng lao động trẻ em hay tình trạng tảo hôn.
Đáng nói là, ngày càng nhiều trẻ em không thể tiếp tục đi học sau khi trường mở cửa trở lại. Ở Liberia, có 43% số học sinh học tại các trường công lập không trở lại lớp học khi trường mở cửa vào tháng 12/2020. Còn tại Nam Phi, vào tháng 7/2021, số lượng học sinh không đến trường là 750.000 em, cao gấp ba lần mức được ghi nhận hồi tháng 3/2020.
Mỗi khi có làn sóng Covid-19 mới bùng phát ở các nước, trường học luôn là một trong những nơi đầu tiên phải đóng cửa. Thực tế này khiến trẻ em mất đi một môi trường lành mạnh để thu nạp kiến thức, cũng như phát triển thể chất, tinh thần. Mở cửa trường học trong đại dịch từng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Song, đến nay, sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận rằng, không thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh mà chỉ có thể thích ứng an toàn, linh hoạt. Mở cửa trở lại trường học chính là nhiệm vụ ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó, tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là chìa khóa cho một môi trường học đường an toàn.
Nhiều sáng kiến khác cũng được đưa ra để giúp trẻ em phát triển các kỹ năng trong thời kỳ đại dịch, xóa bỏ cảm giác cô đơn. Theo Giáo sư Iram Siraj thuộc Đại học Oxford, bố mẹ cần đọc sách cho trẻ và dành thời gian chơi các trò chơi mang tính phối hợp với con, bởi những hoạt động này giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và bổ sung kiến thức. Các bậc phụ huynh cũng nên chia sẻ mọi mối lo lắng với giáo viên của con mình, bởi giáo viên là những người có chuyên môn, có thể hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em khi ở trường.
Chuyên gia giáo dục của UNICEF Robert Jenkins từng cảnh báo, đại dịch đang đẩy thế giới trước nguy cơ về một thế hệ mất mát. Nếu không hành động khẩn cấp, nhiều quốc gia sẽ mất đi nguồn nhân công lành nghề để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Đã đến lúc các nước cần xem xét kỹ lưỡng và triển khai mở cửa trở lại trường học an toàn dựa trên những đánh giá cụ thể về diễn biến dịch bệnh, vì một môi trường phát triển toàn diện cho các “mầm xanh tương lai”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()