Vì hòa bình, ổn định cùng phát triển
Sau gần bốn ngày trên đất nước Trung Quốc, hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, nhằm duy trì cục diện hữu nghị, ổn định, tạo đà phát triển lành mạnh, bền vững cho quan hệ Việt - Trung. Ðó cũng là dịp hai nước tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại; củng cố lòng tin, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước.
Những ngày hoạt động tại Thủ đô Bắc Kinh cũng như ở tỉnh Vân Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam luôn nhận được sự đón tiếp trọng thị với nghi thức lễ tân đặc biệt. Lễ đón chính thức tổ chức tại Ðại lễ đường Nhân dân, Thủ đô Bắc Kinh. Khi đoàn xe của Tổng Bí thư tiến vào Quảng trường phía bên ngoài cửa Ðông, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra tận cửa xe nồng nhiệt chào đón, mời Tổng Bí thư Ðảng ta lên bục danh dự. Hòa trong tiếng nhạc hùng tráng cử quốc thiều hai nước là 21 loạt đại bác rền vang, chào mừng người lãnh đạo cao nhất của Ðảng ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể lại, ngay tại Lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vui mừng nói: “Tôi cảm ơn đồng chí đã sang thăm Trung Quốc. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới thực hiện nghi thức bắn đại bác chào mừng như hôm nay”.
Một trong các hoạt động của Tổng Bí thư để lại nhiều ấn tượng là cuộc gặp mặt đại diện Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc và các nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc diễn ra ở Ðại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Trước hàng giờ đồng hồ, chúng tôi đã thấy nhiều người có mặt, từ các cựu quan chức ngoại giao, đến cố vấn quân sự, nhà nghiên cứu khoa học, giáo sư, nghệ sĩ, nhà báo.
Mang theo những cuốn sách mình viết, tặng những người bạn Việt Nam, bà Vương Phong, nguyên phóng viên Tân Hoa xã, phấn chấn giới thiệu những bài viết về thời thơ ấu của mình ở Việt Nam và bản dịch sang tiếng Trung bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Năm tuổi, Vương Phong đã theo bố là phóng viên Tân Hoa xã sang công tác tại Việt Nam, cho nên bà hiểu văn hóa, con người, đất nước giàu lòng mến khách này. Bà nói, tôi rất cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi trí tuệ và đức độ của Người. Ðến tận bây giờ, cảm xúc bâng khuâng thật khó tả khi được Người ôm hôn tại sân bay vẫn nguyên vẹn trong tôi, đó là lần theo bố tác nghiệp khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn các vị khách quốc tế. Chính tình cảm ấy thôi thúc tôi sau này dịch bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người mà nhiều người Trung Quốc yêu thích.
Vừa từ Hà Nội về sau khi dự hội thảo Quan hệ thương mại Việt – Trung, Giáo sư Cốc Nguyên Dương xúc động tâm sự: “Thật may, tôi đã kịp về dự buổi gặp mặt này. Tôi từng hai lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và rất khâm phục ông là một nhà lý luận xuất sắc”. Ông Dương nhấn mạnh, quan hệ hai nước 65 năm qua, dòng chính vẫn là hữu nghị, hợp tác và tin rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Ðảng ta lần này là cơ hội để hai bên giải quyết các bất đồng, củng cố lòng tin.
Tại buổi gặp mặt, từ Chủ tịch Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Lý Tiểu Lâm đến cựu Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương Ðức Duy và Tề Kiến Quốc đều xúc động ôn lại những kỷ niệm sâu sắc về Việt Nam; đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư Ðảng ta. Ðã hơn 80 tuổi, chân bị đau, ông Trương Ðức Duy vẫn cố đến để được tiếp kiến Tổng Bí thư. Ông nghẹn ngào nói, trong nhiều kỷ niệm về Việt Nam, tôi không bao giờ quên lần vào thăm Bác Hồ ốm. Bác bảo tôi mài mực, rồi Người viết dòng chữ: “Việt – Trung hữu nghị vạn cổ trường thanh”, có nghĩa là tình hữu nghị Việt – Trung đời đời xanh tươi. Chúng ta phải nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, để vun đắp tình hữu nghị hai nước không ngừng phát triển.
Nói chuyện với những người dự buổi gặp thân tình này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước là nhân tố quan trọng cho quan hệ của hai Ðảng và hai nước. Ðồng thời lưu ý, trong giải quyết các vấn đề tồn tại, cần tăng cường tin cậy lẫn nhau, thực hiện tốt những điều mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận.
Từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, quan hệ hai nước tuy có những khó khăn, nhưng nhìn tổng thể, vẫn phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; hai bên đã phân định được biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ; xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Trong hợp tác giữa hai Ðảng, điểm sáng là mười cuộc hội thảo, trao đổi lý luận và kinh nghiệm về phát triển kinh tế – xã hội; về xây dựng Ðảng và quản lý đất nước. Từ khi thiết lập đường dây nóng (năm 2012), hai Tổng Bí thư đã ba lần điện đàm trực tiếp, nhất là cuộc điện đàm đầu năm 2015, Tổng Bí thư hai Ðảng cùng đề ra phương hướng thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. Vượt lên những khó khăn chung, quan hệ về kinh tế cũng đạt những thành tựu đáng kể. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, nước ta trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong khối ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt hơn 58 tỷ USD, tăng hơn 1.800 lần so với mức 32 triệu USD năm 1991…
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này thành công tốt đẹp; hai bên đã ra thông cáo chung, khẳng định tình hữu nghị truyền thống Việt – Trung là tài sản quý báu phải được quý trọng, gìn giữ và phát huy. Bảy văn bản hợp tác, ghi nhớ được ký kết; một số cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp trao đổi nhiều thông tin bổ ích, tạo thuận lợi mở rộng hướng đầu tư vào Việt Nam. Ðặc biệt, khi tham quan, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư Ðại Doanh Thôn, phường Ðại Doanh Thôn, khu Hồng Tháp, TP Ngọc Khê (Vân Nam), Tổng Bí thư tìm hiểu khá kỹ, bởi đây là “Ðiển hình xây dựng chủ nghĩa xã hội thực hiện mục tiêu cùng làm giàu”; là “Vân Nam đệ nhất thôn”.
Thôn nhỏ với lịch sử 600 năm này đẹp như một công viên, hội trường thôn ba tầng có quy mô tầm cỡ như một trung tâm hội nghị quốc gia; khu dân cư là những biệt thự liền kề với hệ thống cây xanh, đường nội bộ khang trang không khác gì khu nghỉ dưỡng. Tổng Bí thư quan tâm tình hình sản xuất, kinh doanh, quản lý đất đai, thu nhập và phúc lợi xã hội của người dân trong thôn,… Bí thư Liên chi bộ thôn Nhiệm Tân Minh cho biết, Ðại Doanh Thôn có hơn 5.400 dân, sản xuất chủ yếu là công nghiệp nhẹ, trồng hoa, cây ăn quả và dịch vụ, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp hơn 90%. Thôn có tám doanh nghiệp tập thể quy mô lớn. Năm 2014, tổng thu nhập kinh tế của thôn đạt 8,7 tỷ nhân dân tệ, thu nhập bình quân đầu người vượt 24.710 nhân dân tệ. Thôn đầu tư xây dựng chợ thương mại, nhà máy lọc nước, hai xa lộ, trung tâm sinh hoạt người cao tuổi, trung tâm y tế, nhà trẻ, trường tiểu học, bốn công viên miễn phí; có trung đội cảnh sát giao thông, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường và đài truyền hình khu dân cư. Ðể có đất phục vụ mục đích khác, thôn đổi nhà cũ của dân bằng căn biệt thự ba tầng, rộng 300 m2 với mức trả cho thôn 1.700 nhân dân tệ; toàn thôn có 1.040 căn biệt thự hình thành như thế.
Thăm Ðại Doanh Thôn là hoạt động cuối cùng của Tổng Bí thư trước khi rời Trung Quốc về nước. Những hình ảnh mô hình nông thôn mới “Vân Nam đệ nhất thôn” còn lưu mãi đối với mỗi thành viên trong đoàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()