Vì đâu xe sang cũng "dính" thu hồi hàng loạt?
Chưa đầy 2 tháng, gần nửa triệu xe sang các loại từ BMW, Mercedes đến Ferrari, Rolls Royce, Aston Martin lẫn Bentley “dính” nạn thu hồi. Số lượng trên không quá nhiều nhưng có lẽ cũng đủ sốc để tạo nên cơn bão mới trong ngành công nghiệp xe thế giới. Tại sao lại có tình trạng này?
Sau khi Toyota rơi vào khủng hoảng thu hồi năm 2009, nhiều hãng xe khác rất nhanh chóng gặp cơn ác mộng tương tự dù quy mô có thể nhỏ hơn. Câu chuyện thu hồi dường như trở thành chuyện cơm bữa đặc biệt với các dòng xe hạng trung và bình dân.
Dù vậy, trong vài tháng trở lại đây, khi xe sang cũng dính thu hồi hàng loạt, nhiều người tự hỏi tại sao lại có quá nhiều xe gặp trục trặc kỹ thuật đặc biệt là những dòng xe đắt tiền vốn nổi tiếng về chất lượng và độ an toàn?
Triệu hồi xe là gì? Khi nào phải thu hồi xe?
Thu hồi đã trở thành khái niệm quá quen thuộc với báo giới Việt trong hơn 1 năm trở lại đây. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề này không phải ai cũng hiểu.
Trên thế giới, việc thu hồi xe không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Ở một số góc độ, đó có thể là một chương trình chăm sóc xe cho khách hàng. Trong thực tế, xe cũng như các loại hàng hóa khác đều không phải là thứ hoàn hảo, những trục trặc kỹ thuật hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình sản xuất. Lỗi có thể đến do người thợ gò, hàn chi tiết xe chưa đủ mức cần thiết cũng có thể do chất liệu làm nên một con ốc không đạt tiêu chuẩn hay khâu kiểm tra chất lượng có phần lơ là. Bên cạnh đó, một điểm sai lầm nhỏ trong thiết kế mà câu chuyện chân ga của Toyota là một ví dụ, cũng có thể gây ra hậu quả lớn khi xe đi vào hoạt động.
Mercedes E-Class, nạn nhân mới nhất bị thu hồi. |
Thông thường, những trục trặc thường chỉ tập trung ở một số mẫu xe sản xuất tại một thời điểm hoặc nhà máy nhất định và không phải xe nào trong lô hoặc dòng xe cũng có lỗi. Đôi khi, xe phải vận hành trong những điều kiện nhất định mới gặp vấn đề.
Song về nguyên tắc, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, một khi trục trặc bị phát hiện, tất cả các khách hàng sử dụng xe có liên quan đều phải được thông báo để mang xe đi kiểm tra. Và khi các cơ quan chức năng nhận được số lượng nhất định các báo cáo về hiện tượng bất thường trên xe, dòng xe đó sẽ bị đưa vào “tầm ngắm” để điều tra. Trong trường hợp lỗi được xác định là nguy hiểm hoặc có thể gây nguy hiểm, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu thu hồi xe.
Đôi khi, các hãng xe tự tìm ra lỗi và thông báo cho cơ quan chức năng về việc thu hồi để đảm bảo danh tiếng và chất lượng cho sản phẩm của mình.
Theo NHTSA, Cơ quan an toàn đường bộ quốc gia Mỹ, các lỗi dễ dẫn tới thu hồi nhất gồm có lỗi rò rỉ hoặc nứt một số chi tiết có thể dẫn tới cháy, lỗi tăng tốc hoặc mất phanh đột ngột, lỗi chi tiết liên quan tới hệ thống lái có thể dẫn tới mất lái hoặc mất kiểm soát xe hoặc các lỗi liên quan tới túi khí như không nổ, nổ chậm hoặc nổ sớm…
“Thà sửa thêm còn hơn bỏ sót”
Chuyển dịch sản xuất, toàn cầu hóa sản phẩm để cắt giảm chi phí, tăng sản lượng… được coi là những yếu tố ít nhiều khiến các trục trặc kỹ thuật trên xe xuất hiện với tần suất cao hơn. Một con ốc nhỏ sản xuất hàng loạt với chi phí thấp có thể sẽ là nguyên nhân gây nên thảm họa thu hồi trên toàn cầu.
Có giá ngất ngưởng, sản xuất nhỏ giọt nhưng các dòng xe sang dường như cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa. Cuộc thu hồi của hãng xe thể thao danh tiếng Aston Martin trong thời gian vừa qua là một ví dụ. Các dòng xe nổi tiếng V8 Vantage, DB9 và DBS phiên bản 2007 và 2008 bị triệu hồi do bu lông trục cam không đủ độ cứng cần thiết.
Bên cạnh đó, rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng thu hồi của Toyota, các hãng xe dường như nhanh nhạy hơn trong chuyện thu hồi. “Thà sửa thêm còn hơn bỏ sót” có lẽ là lựa chọn của nhiều hãng xe ngay sau phát hiện ra vấn đề hoặc có phản hồi từ phía khách hàng. Ở khía cạnh này, đây sẽ là điều tốt cho người tiêu dùng khi xe của họ được kiểm tra và chăm sóc nhiều hơn. Đôi khi, câu chuyện thu hồi cũng có thể trở thành chiêu thức PR giúp hãng xe nâng điểm trong mắt khách hàng.
Chính vì thế, không chỉ nhanh chóng thu hồi, có những hãng xe còn mạnh tay xử lý nội bộ để lấy lòng khách hàng mà Kia, chi nhánh Bắc Mỹ, là một minh chứng. Hãng xe Hàn đã ngay lập tức sa thải phó chủ tịch kiêm CEO tập đoàn sau khi hàng nghìn xe Sorento bị thu hồi.
Ngoài ra, sự tích cực của báo giới cũng là một yếu tố khiến các thông tin thu hồi xuất hiện với tần suất nhiều hơn.
Tuy có những yếu tố tích cực nhất định, việc hàng loạt các hãng xe thu hồi, đặc biệt là các thương hiệu cao cấp chắc chắn khiến NTD ít nhiều cảm thấy lo ngại về chất lượng của người bạn 4 bánh đang song hành cùng mình. Vì vậy, để bảo vệ danh tiếng và giữ chân khách hàng, các hãng xe không thể không nhìn lại để hoàn thiện sản phẩm ngày một tốt hơn.
Ý kiến ()