Vì đâu nên nỗi?
LSO-Do mâu thuẫn giữa người dân 2 thôn: Phai Mạt và Cốc Sâu, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình mà con đường vào thôn Cốc Sâu, xã Nam Quan đã bị đào những hố sâu, rộng để ngăn cách. Tình trạng này tồn tại đã gần 2 năm nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm…
Hố sâu ngăn đường khiến người và phương tiện không thể vào thôn
Cốc Sâu, xã Nam Quan
Cốc Sâu là thông cách xa trung tâm xã Nam Quan. Thôn có 40 hộ, phần đa là hộ nghèo, 100% là bà con dân tộc Dao. Con đường 135 dẫn vào thôn sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp khiến việc đi lại rất khó khăn. Nhưng cái khó nhất hiện nay là con đường này đã bị đào 3 hố giữa đường, mỗi hố cách nhau khoảng 400 m. Trong đó, miệng hố ở giữa đường đầu thôn rộng chừng 12m², sâu chừng 2m, chiếm hết bề mặt đường, khiến người và phương tiện không thể đi lại được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xuất hiện các hố giữa đường vào thôn Cốc Sâu là do người dân thôn Phai Mạt, xã Nam Quan đào từ hồi tháng 8/2017. Có mặt tại đoạn đường này, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người dân thôn Cốc Sâu phải đi bộ, leo đồi, vòng qua hố để về nhà.
Có đường to, nhưng bởi hố ngăn cách, nên buổi sáng bà Triệu Múi Phẩy, 62 tuổi, ở thôn Cốc Sâu phải gò lưng men theo đường đồi để ra chợ xã mua chút đậu phụ; hành trình trở về cũng gian truân với cung đường ngược dốc. Bà Phẩy chia sẻ: Đã gần 2 năm nay, hằng ngày đi chợ hoặc có việc ra ngoài thôn, do có hố giữa đường, chúng tôi không thể đi xe mà phải đi bộ qua đường đồi, leo dốc rất khổ sở.
Bị ngăn đường như vậy nên cuộc sống của người dân thôn Cốc Sâu gần như bị cô lập với bên ngoài. Đó là còn chưa kể Cốc Sâu có 2 điểm trường mầm non và tiểu học, nhiều năm nay, do vướng hố giữa đường nên các cô giáo vào trường cũng không thể đi xe máy mà phải đi bộ vượt rừng đến lớp.
Ông Hứa Văn Khau, Chủ tịch UBND xã Nam Quan cho biết: Năm 2013, theo quyết định của UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Phát triển tài nguyên thiên nhiên Đại Dương (địa chỉ tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) thuê đất của 2 xã: Lợi Bác và Nam Quan để thực hiện dự án trồng rừng sản xuất. Trong đó, thuê đất tại xã Nam Quan với tổng diện tích hơn 1.571.400 m², tập trung chủ yếu ở 2 thôn: Cốc Sâu và Phai Mạt. Từ năm 2015, dự án tại đây bị trì hoãn. Đến cuối tháng 8/2017, nhân dân thôn Phai Mạt và Cốc Sâu tự ý chặt phá, đốt rừng bạch đàn của công ty và trồng cây xâm lấn tại khu đất đã cho thuê. Chính quá trình trồng cây xâm lấn này giữa 2 thôn xảy ra mâu thuẫn, dẫn tới việc người dân thôn Phai Mạt đào hố chặn đường đi của người dân thôn Cốc Sâu.
Để giải quyết vụ việc trên, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng của xã Nam Quan và huyện Lộc Bình đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân các thôn hiểu việc trồng cây trên đất của doanh nghiệp là hành vi lấn chiếm đất đai, việc đào đường gây cản trở giao thông là hành vi hủy hoại tài sản, vi phạm pháp luật. Đồng thời thành lập các tổ công tác kiểm tra thực địa, vận động nhân dân chấm dứt việc trồng cây xâm lấn đất doanh nghiệp và tiến hành san lấp hố ngăn đường.
Dù vậy, tình trạng trên ở xã Nam Quan đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, tuy không còn tái diễn tình trạng trồng cây trên đất doanh nghiệp nhưng việc người dân thôn Phai Mạt đào hố ngăn đường vẫn xảy ra, thôn trong lấp hố thì thôn ngoài lại đào lên. Tình trạng này đang gây ra nhiều mâu thuẫn căng thẳng giữa người dân 2 thôn, tiềm ẩn nhiều hệ lụy phức tạp.
Thiết nghĩ, các cấp, ngành, lực lượng chức năng cần có biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong giải quyết tình trạng trên để những hố sâu giữa đường sớm được san lấp, hàn gắn mối giao hòa vốn có giữa nhân dân 2 thôn.
HOÀNG HUẤN – HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()