Vị "Đại tướng của nông dân"
Năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng xác định mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với miền bắc mà còn tác động tới cách mạng cả nước.
Năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng xác định mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với miền bắc mà còn tác động tới cách mạng cả nước.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh khi đó đang ở trong quân đội được Đảng và Bác Hồ điều sang phụ trách Ban Nông nghiệp T.Ư của Đảng. Với tầm nhìn chiến lược, biện chứng và một tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí đã có công lớn trong công cuộc kiến tạo nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa (XHCN) miền bắc phát triển theo hướng toàn diện, cân đối và hiện đại, góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đồng chí là “Đại tướng của nông dân”, người thổi bùng “Gió Đại Phong” thành phong trào để giờ đây là cơ sở, động lực cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Lãnh trách nhiệm Đảng trao, nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, đồng chí trực tiếp đến các hợp tác xã (HTX), nông trường, đội sản xuất, lội ruộng cùng bà con nông dân, trăn trở với những mảnh ruộng, những cánh đồng, nghiên cứu tình hình và từ thực tiễn, đồng chí xác định: Để nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người nông dân thì phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế mà tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất đi đôi với phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, tức là tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp đi đôi với cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Phải giải quyết tốt vấn đề lương thực làm chính để phát triển nông nghiệp toàn diện. Lấy thâm canh làm chính kết hợp với quảng canh. Chú trọng sử dụng hợp lý lao động nông nghiệp. Tăng cường kinh tế quốc doanh, nhất là nông trường quốc doanh và các hợp tác xã nông nghiệp. Giải quyết vấn đề ăn, mặc, ở.
Nhà nước tăng cường giúp đỡ nông dân, nông dân tích cực hơn nữa trong làm nghĩa vụ với Nhà nước. Cần phân vùng nông nghiệp nhưng không thoát ly thực tế. Vận dụng đường lối giai cấp, đấu tranh giai cấp gắn với cách mạng tư tưởng và kỹ thuật để hoàn thiện quan hệ sản xuất, phát triển sức sản xuất.
Trong tổ chức thực hiện, đồng chí cho rằng, việc phát triển nông nghiệp phải hướng vào tăng sản lượng lúa và coi đây là một khâu có tính chất quyết định trong việc phát triển nông nghiệp. Tăng tỷ trọng diện tích hoa màu và rau, đậu đỗ…
và phải đặt vấn đề chế biến quan trọng ngang hàng với sản xuất. Xây dựng các vùng phát triển tập trung cây có sợi và thâm canh để giành năng suất ổn định.
Mở rộng diện tích cây có dầu nhưng không lấn đất nông nghiệp, nhất là ở miền núi. Tiếp tục khai hoang cả ở miền núi và vùng biển. Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các nông trường và HTX. Chú trọng xây dựng các nông trường quốc doanh và coi đây là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế thuộc sở hữu toàn dân trong nông nghiệp XHCN.
Trong công tác tổ chức, đồng chí nhấn mạnh đến việc bố trí lại một số tỉnh và tăng cường cho tỉnh mạnh hơn về chính trị và khoa học. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng cần trao cho tỉnh những quyền hạn rộng hơn trong chỉ đạo sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, một số quyền về kinh tế và tài chính vừa đủ để bảo đảm chỉ tiêu của T.Ư vừa để linh hoạt sử dụng sức lao động, đất đai… Tăng cường thích đáng cho các huyện, nhất là trong chỉ đạo kỹ thuật, trước hết là ở các huyện quan trọng về kinh tế, có nhiều sản phẩm nông nghiệp. Phân định rõ quyền hạn từng cấp, cấp xã chỉ làm nhiệm vụ hành chính còn việc sản xuất, phân phối, văn hóa xã hội, trật tự trị an… chủ yếu do HTX làm; tăng cường cán bộ cho HTX, nhất là cán bộ kinh tế và cán bộ kỹ thuật. Đối với T.Ư, đồng chí xác định việc chỉ đạo sản xuất và kỹ thuật tập trung vào Bộ Nông nghiệp, lấy tỉnh làm chỗ dựa chính để tổ chức thực hiện các chỉ thị của Đảng và Chính phủ; Chính phủ lấy Bộ Nông nghiệp làm chỗ dựa để chỉ đạo chung nhưng chủ yếu cũng lấy cấp tỉnh, nắm tỉnh là quan trọng hơn cả; bỏ các cơ quan quản lý trung gian…
Là người trực tiếp chỉ đạo trên mặt trận nông nghiệp, đối với cơ sở, đồng chí chỉ ra rằng, vấn đề hàng đầu là đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp và xây dựng tinh thần làm chủ cho người dân.
Tục ngữ của ta có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nên nếu vẫn làm ăn theo lối riêng lẻ, rời rạc thì không thể làm nổi điều gì. Cần phải chụm nhau lại trong một mái nhà là HTX mà ở đó chứa đựng nguyện vọng, quyền lợi, hạnh phúc, sinh mệnh và tiền đồ của mỗi con người, cả dân tộc. Ở đó, mỗi người dân là một xã viên, một người chủ nhà; có lòng tự hào là người làm chủ; cùng đồng sức, đồng lòng chăm lo xây đắp, tu bổ cái nhà chung theo bốn tiêu chuẩn: Đoàn kết tốt đẩy mạnh sản xuất; tăng thu nhập cho xã viên; tích lũy xây dựng hợp tác và làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước. Phải củng cố, xây dựng mối đoàn kết, đối đãi với nhau như anh em theo tinh thần “bần trung nông đoàn kết một nhà”. Kiên quyết khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng “đèn nhà ai rạng nhà nấy”; lười biếng, tắc trách, “khôn nhà dại chợ”…
Đặc biệt, đồng chí có lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh vô địch của nông dân khi họ đã được tổ chức lại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí khẳng định: Một dân tộc lúc đầu với gậy tầm vông ra đi kháng chiến cứu nước và cuối cùng đã đánh đổ bọn đế quốc lăn kềnh ra ở Điện Biên Phủ, họ đã làm nên sự nghiệp anh hùng! Giờ đây được Đảng vĩ đại tiếp tục lãnh đạo, họ bắt đầu ra đi xây dựng CNXH bằng những cách dành dụm từng cái bu-loong, mở mang thêm từng tấc đất, dân tộc ấy nhất định sẽ tiến những bước khổng lồ và sẽ giành được nhiều thắng lợi huy hoàng hơn nữa! Đồng chí chỉ ra rằng, nông nghiệp cũng như các ngành khác, cần phải tăng cường khâu lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, đặc biệt là các chi bộ. Đồng chí thường nhắc nhở lãnh đạo các cấp: “Lãnh đạo mà không nắm được tình hình thì coi như không lãnh đạo. Người nông dân trong công việc làm ăn của họ, họ phải tính toán từng đồng xu hạt gạo, mà chúng mình đại khái thế thì chết dở với nhau tuốt”. Do đó, phải chú trọng công tác lãnh đạo ở các HTX, đặc biệt là chi bộ.
Trong lãnh đạo lấy lãnh đạo sản xuất là chủ yếu. Lãnh đạo sản xuất phải thiết thực, đi sâu vào từng HTX, lấy hợp tác nông nghiệp làm cơ sở để phát triển nông nghiệp. Người lãnh đạo phải đi sâu, đi sát, ra tận cánh đồng, vạt nương xem lúa, xem ngô, xem khoai, xem tình hình thủy lợi, xem cái vườn, xem chuồng lợn của xã viên,… Nếu những điều thiết thực đó mà kém, thì lãnh đạo ở đó kém vì những việc thiết thực ấy chính là cái thước đo của lãnh đạo. Lãnh đạo sản xuất phải gắn với thi đua, nhưng đồng chí nhấn mạnh thi đua phải nhằm chủ yếu phục vụ sản xuất chứ không được hình thức bề ngoài dù điều đó cũng có giúp ích cho việc tuyên truyền, cổ vũ quần chúng nhưng quần chúng lao động của chúng ta ăn gạo, ăn thịt, chứ không ăn được cờ với khẩu hiệu suông; thi đua mà làm ra cơm, ra cá, ra vải… thì điều đó mới phù hợp với ý nguyện của quần chúng, quần chúng mới hưởng ứng thi đua từ đợt này tiếp sang đợt khác.
Công tác quản lý phải tăng cường hơn nữa để sử dụng lao động tốt hơn, dùng vốn có hiệu quả nhiều hơn, tăng năng suất trong nông nghiệp, sản xuất ra nhiều của cải và hạ giá thành, tăng vốn tích lũy cho hợp tác xã và tăng thu nhập cho xã viên, làm cho đời sống của xã viên càng ngày càng được nâng cao, có lợi cho Nhà nước và cho HTX. Quản lý cần chặt chẽ vì nếu lỏng lẻo thì HTX không vươn lên được, thậm chí sẽ đi đến tan rã hoặc có còn lại cũng chỉ là hình thức; nhưng nếu quản lý mà “chặt chẽ một cách máy móc” và bằng mệnh lệnh thì sinh ra căng thẳng, gò bó đưa đến hậu quả là xã viên không phát huy được tính tích cực lao động của mình và không hăng hái sản xuất. Do đó, cách quản lý tốt nhất là phải dân chủ, đi đúng đường lối quần chúng, cụ thể, đi vào tổ chức, biện pháp, chính sách; bằng cách ba khoán; bằng nguyên tắc và chế độ rõ ràng sòng phẳng, không thể đại khái, tùy tiện; phương hướng tích cực trong quản lý nông nghiệp là tìm mọi cách kích thích tính tích cực lao động XHCN của xã viên với một tinh thần tiến công chứ không phải phòng ngự bị động. Xã viên có quyền hạn và trách nhiệm tham gia quản lý HTX với tư cách người làm chủ chứ không phải đóng vai trò bị động. Đại hội xã viên là người có quyền cao nhất và ban quản lý là người thay mặt đại hội xã viên đảm đương công việc quản lý hằng ngày theo quyết định của đại hội.
Quá trình lãnh đạo, quản lý cần quán triệt phương châm lấy nông nghiệp là chính, đồng thời chú trọng các ngành, nghề khác. Coi trọng công tác kế hoạch và đổi mới quản lý, kế hoạch của HTX phải gắn với hoàn cảnh gia đình của xã viên, theo tinh thần tích cực. Nắm chắc chất lượng, số lượng lao động và sử dụng cao sức lao động theo hướng kết hợp tập trung với phân tán một cách linh hoạt.
Vận dụng nguyên tắc phân phối XHCN vào quản lý lao động, không chủ nghĩa bình quân đồng thời chú trọng đoàn kết tương trợ. Đồng chí nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh là chỉ tiêu một, biện pháp phải ba và nhấn mạnh: Nếu có chỉ tiêu mà không có biện pháp thì chẳng khác gì “vẽ voi trên giấy”. Tùy từng thời gian cụ thể, chính quyền các cấp từ T.Ư đến HTX phải chú ý điều chỉnh các chủ trương, biện pháp để tăng hiệu lực điều hành…
Kế thừa kinh nghiệm của ông cha “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” và trên cơ sở thực tiễn miền bắc lúc đó việc cơ giới hóa nông nghiệp còn rất hạn chế, theo đồng chí, muốn mở rộng diện tích, tăng năng suất, tăng diện tích ruộng đất thì phong trào hợp tác hóa nông nghiệp phải kết hợp với công tác thủy lợi và đặt công tác thủy lợi lên hàng đầu, coi trọng cải tiến nông cụ, kỹ thuật.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng rất chú tâm chỉ đạo giải quyết những vấn đề cụ thể. Thí dụ như việc chăn nuôi. Theo đồng chí, cùng với chỉ đạo sản xuất và giải quyết vấn đề lương thực, phải phát triển chăn nuôi với những chính sách và biện pháp hết sức cụ thể như: dành đất nông nghiệp trồng thức ăn cho gia súc, tăng cường cán bộ chăn nuôi, ngăn chặn lạm sát trâu bò, phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm. Ngoài đất dành cho xã viên làm kinh tế phụ, thì phải dành thêm đất trồng thức ăn cho gia súc. Do trâu bò là sức kéo chủ yếu nên phải tích cực chuyển trâu bò cày, kéo và trâu bò chăn nuôi từ miền núi về miền xuôi. Đối với HTX khó khăn về phát triển trâu bò, trên phải cử cán bộ về tận nơi để giúp đỡ; xây dựng các cơ sở tập huấn công tác tiêm phòng trâu bò cho cán bộ thú y tại các địa phương; đẩy mạnh phòng và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm. Chính phủ phải ban hành nghị định về thể lệ sát sinh trâu bò nhằm bảo vệ đàn trâu bò, đặc biệt là trâu bò cày kéo; khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu bò. Đồng thời, tích cực chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm, cá để giải quyết nguồn thực phẩm trong nhân dân; bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phục vụ sức kéo cho sản xuất nông nghiệp, vận tải nhỏ trong nông thôn và nguồn thực phẩm cho các tầng lớp nhân dân và các ngành kinh tế, văn hóa, quốc phòng.
Hay như việc đồng chí chỉ đạo phải phát triển nghề làm muối thông qua việc quy hoạch, củng cố và phát triển các hợp tác xã làm muối, tăng cường việc lãnh đạo và bổ sung một số chính sách cụ thể về ngành muối…
Một trong những vấn đề lớn đồng chí rất quan tâm thời kỳ này là”Ra sức học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thúc đẩy cái mới phát triển”vì đồng chí cho rằng đây là một vấn đề quan trọng, nóng hổi nhất không chỉ trong nông nghiệp mà còn cả trong sinh hoạt Đảng và Nhà nước, có quan hệ đến sự hiểu biết thực chất đường lối, chủ trương của Đảng, đến cách xem xét và giải quyết vấn đề hằng ngày, đến việc thấu suốt quan điểm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH của mỗi người cán bộ, đảng viên.
Đồng chí nhấn mạnh, để nông thôn miền bắc phát triển, phải có tư tưởng chỉ đạo mới, tư tưởng đó phải phản ánh quy luật chung của xã hội ta đã thay đổi; dùng tư tưởng chỉ đạo mới ấy để nhận thức, giải quyết mọi vấn đề cho phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế khách quan.
Đặc biệt, phải rất chú trọng đến những chuyển biến mới của tình hình, đến những nhân tố mới đang nảy nở, đến những yêu cầu mới đang đặt ra do quan hệ sản xuất đã thay đổi và do kết quả của những năm khôi phục và xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa đem lại.
Với phong cách mẫu mực của một người cộng sản tràn đầy nhiệt huyết, Đại tướng chú trọng công tác tổng kết thực tiễn sản xuất, phát triển nông nghiệp.
Đồng chí không ngồi một chỗ làm việc mà thường xuyên đi sát ruộng đồng, xóm làng, đến với những người nông dân để cùng họ “chân lấm, tay bùn”. Nhiều đêm đồng chí không ngủ được, trở dậy ra thăm đồng; rồi đồng chí cùng lội ruộng, cấy lúa cùng bà con nông dân…
Hình ảnh vị Đại tướng thật giản dị, thân thiết, gần gũi ngồi bên một thửa ruộng, đến với từng nhà, gặp từng người nông dân, lo cái lo của người nông dân, đi từng nhà, kiểm tra từng bồ thóc, từng thùng gạo, xem ai đói, ai nghèo, kiểm tra từng chuồng trâu xem trâu đã đủ ấm, để bảo đảm sức kéo cho vụ mùa.
Đến giờ, mọi người vẫn còn nhắc nhiều tới việc đồng chí phát hiện trên Báo Nhân Dânvề HTX Đại Phong thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, một xã đất trồng màu rất ít, phần nhiều là ruộng sâu, khá tốt nhưng gần biển nên dễ bị mặn và bị úng. Ở đây có tập quán cày hai trâu nhưng kỹ thuật canh tác vẫn rất lạc hậu, năng suất năm được mùa nhất cũng chỉ đạt từ 18 đến 20 tạ một mẫu. Hoàn cảnh kinh tế, chính trị, tổ chức của HTX Đại Phong không có gì đặc biệt so với phần đông các HTX ở miền bắc nước ta. Đại Phong không phải là trọng điểm của tỉnh và huyện, Nhà nước có giúp đỡ Đại Phong về các mặt nhưng cũng không có gì là ưu tiên hơn các HTX khác… Vậy mà qua hơn hai năm phấn đấu, Đại Phong đã trở thành một HTX gương mẫu.
Ngay lập tức, đồng chí dẫn đầu đoàn cán bộ, chuyên viên nông nghiệp cùng Tỉnh ủy Quảng Bình về Đại Phong tổng kết tình hình và công tác của HTX. Tại Hội nghị tổng kết có cán bộ toàn tỉnh Quảng Bình tham dự, đồng chí đã phân tích rất kỹ những điều mắt thấy tai nghe, rút ra những vấn đề quan trọng về lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là trong vận dụng đường lối chính sách và vai trò của chi bộ trong lãnh đạo sản xuất, chính trị tư tưởng. Đồng chí khẳng định: Thôn Đại Phong đã có nhiều biến đổi, HTX Đại Phong đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn.
Tiếp đó, đồng chí đến với một loạt các hợp tác xã trên khắp các tỉnh miền bắc.
Những thông tin thu được trực tiếp trong các chuyến đi thường xuyên về nông thôn, là những chất liệu quý giá để đề ra đường hướng phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Cũng từ những chuyến về với bà con, về với ruộng đồng, đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rầm rộ, rộng khắp nông thôn miền bắc. Phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp đã cùng với phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp và “Cờ Ba Nhất” trong quân đội… tạo thành cao trào thi đua của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, quyết tâm xây dựng thành công CNXH ở miền bắc, làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh của quân dân tiền tuyến lớn miền nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, trong đó có phần đóng góp rất lớn của vị “Đại tướng của nông dân” nên trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn nhưng nền nông nghiệp đã phát triển một bước nhất định.
Đến năm 1964, các chỉ tiêu về nông nghiệp đều tăng. Nông nghiệp đã đảm đương được một phần quan trọng về lương thực, thực phẩm cho phát triển các ngành kinh tế quốc dân trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) và bảo đảm đời sống nhân dân, thực hiện bước đầu chi viện cho cách mạng miền nam, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Giờ đây, bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã ngày càng khởi sắc.
Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Để có cơ sở thực tiễn cho chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã chỉ đạo 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế – văn hóa trên cả nước xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Đồng thời, Chính phủ ra Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 phê duyệt chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010 – 2020. Đặc trưng của nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay bao gồm: Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Nông thôn phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ. Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. An ninh tốt, quản lý dân chủ. Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao.
Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai trên địa bàn cấp xã trong phạm vi cả nước nhằm phát triển nông thôn toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị cơ sở, theo những yêu cầu riêng đối với từng vùng sinh thái, vùng kinh tế – xã hội khác nhau. Do đây là một chương trình có phương pháp tiếp cận mới, nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực và nhất là yêu cầu tích hợp, kết nối các nguồn lực, dự án khác nhau trên cùng một địa bàn nên đòi hỏi phải giải quyết rất nhiều vấn đề, cần có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ T.Ư đến địa phương.
Cùng với những kinh nghiệm thực tiễn triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW ở các địa phương và tại các xã điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các địa phương ra sức phấn đấu vượt qua khó khăn, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đồng tâm, hiệp lực, nắm bắt thời cơ, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, góp phần vào thắng lợi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là kế thừa và tiếp nối sự nghiệp cao cả của các thế hệ đi trước, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Bác Hồ và “Đại tướng của nông dân” kính yêu – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()