LTS: Nhân dịp ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2010) và Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Lạng Sơn xin đăng hồi ức về kỷ niệm chiến trường của Cụ Bế Chu Lang- cán bộ lão thành Cách mạng, nguyên đại tá quân đội, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ vào tháng 4- 1994 - Ảnh: Tư liệuLSO-Đã có nhiều lãnh đạo, nhiều học giả trong nước và trên khắp thế giới ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với chúng tôi- những người con của quê hương Việt Bắc được phục vụ quân đội trong những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thì mỗi lần được gặp Đại tướng là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời…Vị tướng của đồng bào các dân tộcKháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 3/1947, giặc Pháp cử Bôlaec sang làm Cao ủy Đông Dương, thực hiện kế hoạch tấn công lên Việt Bắc...
LTS: Nhân dịp ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2010) và Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Lạng Sơn xin đăng hồi ức về kỷ niệm chiến trường của Cụ Bế Chu Lang- cán bộ lão thành Cách mạng, nguyên đại tá quân đội, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ vào tháng 4- 1994 – Ảnh: Tư liệu |
LSO-Đã có nhiều lãnh đạo, nhiều học giả trong nước và trên khắp thế giới ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với chúng tôi- những người con của quê hương Việt Bắc được phục vụ quân đội trong những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thì mỗi lần được gặp Đại tướng là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời…
Vị tướng của đồng bào các dân tộc
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 3/1947, giặc Pháp cử Bôlaec sang làm Cao ủy Đông Dương, thực hiện kế hoạch tấn công lên Việt Bắc tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, nhằm kết thúc chiến tranh. Thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, cùng với 2 hướng khác, ngày 7/10/1947, một binh đoàn bộ binh của Pháp từ Lạng Sơn theo đường số 4 kéo lên Cao Bằng; một bộ phận khác theo đường số 3 vòng xuống Bắc Kạn, tạo thành gọng kìm thứ nhất kẹp chặt Việt Bắc ở phía đông và phía bắc.
Thực hiện chủ trương của Đảng “Phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”, tháng 10/1947 Tiểu đoàn 9 của chúng tôi gồm 2 đại đội từ Tầm Danh (Cao Lộc) lên Thất Khê ngăn địch tại đèo Bông Lau. Với nơi phục kích hiểm yếu và cách đánh mưu trí dũng cảm, chúng ta đánh trúng đoàn xe quân sự địch, thu rất nhiều vũ khí đạn dược. Do phối hợp đều đặn giữa các chiến trường, đến 19/12/1947, đúng 1 năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến, địch buộc phải rút khỏi Việt Bắc, âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” đã bị phá sản. Tại khu vực Kéo Coong (Bình Gia), tỉnh ta tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao…đến dự rất đông. Tôi đại diện cho đơn vị bộ đội đánh trận Bông Lau về dự. Sau lời giới thiệu của đồng chí Trần Minh Tước, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, Thiếu tướng Chu Văn Tấn – Tư lệnh Khu Việt Bắc đọc diễn văn, mở đầu bằng câu “Kính thưa đồng chí Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội NDVN…” Đại tướng thấy vậy liền nói “Không, anh nhiều tuổi hơn tôi chứ…”
Sau lễ mít tinh ở hội trường, Đại tướng ra ngoài tiếp xúc với nhân dân, gặp người dân tộc nào, ông nói bằng tiếng dân tộc ấy; nói tiếng Tày giọng Cao Bằng so với giọng Lạng Sơn hơi lơ lớ, song rất dễ nghe.
Được vị Đại tướng nói bằng tiếng dân tộc mình, bà con rất phấn khởi, nhanh hòa nhập và cảm thấy gần gũi biết bao. Quay lại phía tôi, Đại tướng vỗ vai ân cần “Cậu học đến lớp mấy…” Tôi thưa “Báo cáo, tôi mới học hết tiểu học…” Ông mỉm cười “Cố gắng học thêm nhé, quân đội ta sẽ dần tiến lên hiện đại; không có kiến thức, không thể chỉ huy chiến đấu được đâu.”
Sau đó mấy tháng, chính ông Chu Văn Tấn ký quyết định cho tôi đi học bổ túc văn hóa ở Phú Bình (Thái Nguyên), nhưng cũng chỉ vài tháng sau đành gác việc học lại để bước vào những chiến dịch mới.
Vị chỉ huy nhân từ, độ lượng
Năm 1953, đơn vị chúng tôi tham gia chiến dịch giải phóng Sầm Nưa. Trong chiến dịch này, quân đội ta dùng một bộ phận của Đại đoàn 316 tiến lên Lai Châu để nghi binh; số còn lại cùng với chủ lực của Bộ bí mật tiến sang Thượng Lào bao vây nhằm tiêu diệt quân địch ở Sầm Nưa. Cùng với các đơn vị bạn, tiểu đoàn tôi lệnh cho anh em tuyệt đối giữ bí mật. Công việc tiến hành ổn thỏa, song chính khi ấy lại xảy ra một việc ít ai ngờ tới: Một trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn tôi đã mắc một sai phạm chiến trường; sau hội ý chúng tôi quyết định rút anh ta về tuyến sau. Nhưng chưa kịp thực hiện, thì có lẽ do quẫn trí, chiều 11/4, anh ta đã chạy sang đầu hàng giặc. Như bắt được vàng, lập tức địch đưa anh này về Hà Nội để khai thác bí mật chiến dịch. Tuy vậy, do chỉ ở cấp trung đội, nên hiểu biết của anh ta về quy mô, quân số, hướng tiến…cũng có hạn; vả lại thế trận đã “cài” xong, không có cách nào xoay chuyển được. Vậy là đêm 13/4/1953, để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn đại quân địch vội vã rút khỏi Sầm Nưa. Chúng tôi được lệnh truy kích; mở “hết tốc độ” đuổi giặc, đến đêm 14/4 chúng tôi đã đuổi đến Mường Hàm, nhưng chỉ bắt được “cái đuôi” của đại quân địch gồm ngụy quyền Sầm Nưa cùng vợ con chúng và lực lượng bảo vệ của địch. Do sự “trục trặc”của đơn vị, nỗi lo bị phê bình luôn canh cánh trong lòng khi ngày 15/4 tôi nhận được bức điện do đồng chí Hoàng Văn Thái ký nói về gặp “Anh Văn” tại Mường Liệt (cách Sầm Nưa 10km). Vượt đường rừng, chúng tôi đến nơi, anh Hoàng Văn Thái ra và nói “Anh Văn đang chờ…”Với tâm trạng hồi hộp xen lẫn lo âu, chúng tôi bước vào. Đại tướng ra bắt tay, mời uống nước; chúng tôi kể tỷ mỉ về trường hợp “xảy ra sự cố”, kể về đợt truy kích bắt được bộ máy hành chính của địch song không tiêu diệt được chủ lực địch… Nghe xong, Đại tướng ôn tồn “Cậu thấy đấy, mình chuẩn bị công phu như vậy mà để địch chạy mất, có phải là uổng không? Thôi, cậu về động viên anh em, quan tâm giúp bạn củng cố khu giải phóng để chuẩn bị cho lễ mừng chiến thắng Sầm Nưa. Chúc cậu và anh em khỏe, chú ý công tác dân vận…”
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi còn được gặp Đại tướng vài lần nữa, và lần nào Đại tướng cũng để lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt về sự gần gũi với nhân dân các dân tộc, với cán bộ chiến sĩ và lòng bao dung độ lượng của vị chỉ huy tối cao của quân đội. Tôi nghĩ, có lẽ chính sự bình dị, chân chất trong tiếp xúc với quần chúng; sự vị tha, lòng khoan dung đối với cấp dưới… đã tạo nên sự gắn bó giữa quân và dân, tạo sự đồng lòng tướng sĩ… Đó chính là cội nguồn của mọi chiến thắng. Và phải chăng, cũng chính vì sự tài ba, lỗi lạc về quân sự được tính nhân văn, rất con người của Đại tướng nâng lên thành một vị tướng huyền thoại và rất đời thường: Đại tướng của nhân dân- Người “anh cả” của quân đội ta.
(Ghi theo lời kể của đồng chí Bế Chu Lang)
Minh Hồng
Ý kiến ()