Vì cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Kể từ khi gia nhập Diễn đàn, Việt Nam cùng các thành viên nỗ lực củng cố vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu, góp phần duy trì đà hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng của khu vực.
Việt Nam phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Thái Lan trong năm APEC 2022. (Ảnh: apec2022.go.th) |
Kể từ khi thành lập năm 1989 đến nay, APEC đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả ba trụ cột là tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế-kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor (1994-2019), các nền kinh tế thành viên APEC đã thu được nhiều kết quả ấn tượng về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, các nền kinh tế thành viên đã thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 nhằm xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Nhằm đề ra các mục tiêu và hoạt động cụ thể để triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040, APEC đã thông qua Kế hoạch hành động vào năm 2021.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch hành động, có ý nghĩa quan trọng đối với APEC. Trong vai trò chủ nhà APEC năm 2022, Thái Lan đưa ra chủ đề của năm nay là “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.”.
Theo đó, nội dung hợp tác APEC tập trung ba ưu tiên, gồm: thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội; khôi phục kết nối trên mọi phương diện; thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh. Bên cạnh đó, chủ nhà Thái Lan thúc đẩy các nội dung hợp tác, như củng cố hệ thống thương mại đa phương, hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Trong năm nay, các nền kinh tế thành viên cũng thảo luận về chuỗi cung ứng tự cường và các vấn đề liên quan thương mại đang nổi lên như y tế, kinh tế số, biến đổi khí hậu; các sáng kiến tạo thuận lợi và khôi phục đi lại qua biên giới an toàn và thông suốt; mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh.
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của APEC vào năm 1998 đến nay, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hợp tác và củng cố liên kết kinh tế khu vực. Những đóng góp của Việt Nam, nổi bật là hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006 và 2017 được các nền kinh tế thành viên đánh giá cao.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực, được các thành viên đánh giá là thiết thực và đáp ứng quan tâm chung.
Với nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường phát triển tốt đẹp, Việt Nam và Thái Lan ngày càng phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, trong đó có APEC. Việt Nam tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Thái Lan, cũng như các thành viên bảo đảm thành công của Năm APEC 2022, nhất là Tuần lễ cấp cao APEC.
Trong năm qua, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải cứng đại dương, thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó biến đổi khí hậu, qua đó đóng góp tích cực triển khai Kế hoạch hành động. Việt Nam cũng nỗ lực đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC năm 2022, góp phần thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN tại khu vực.
Trong Năm APEC 2022, Việt Nam cùng Thái Lan và các thành viên nỗ lực duy trì nguyên tắc thương mại, đầu tư tự do và mở của Diễn đàn; tăng cường đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn.
Trên cơ sở hợp tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, Việt Nam cùng các nền kinh tế thành viên tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040, thúc đẩy các nỗ lực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ý kiến ()