Vì con người và phát triển đất nước phồn vinh
LSO-Đó chính là chủ đề ngày dân số thế giới 11/7 năm nay. Qua đó khẳng định, công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi địa phương.
![]() |
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường PTTH huyện Cao Lộc |
Bác sỹ Nguyễn Quang Bằng, Phó chi cục trưởng, Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh cho biết: Mục tiêu hướng tới của chủ đề ngày dân số thế giới năm 2017 không nằm ngoài mục tiêu cơ bản của chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số – KHHGĐ đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Đối với công tác KHHGĐ, cần quan tâm chú trọng đến việc đưa dịch vụ KHHGĐ tới các đối tượng là vị thành niên và thanh niên, vì hiện nay có đến 30% dân số trong độ tuổi thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ. Đặc biệt là tình trạng trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn ngày một tăng cao. Số trẻ vị thành niên có thai được thống kê trên địa bàn toàn tỉnh năm 2015 là gần 500 trường hợp, năm 2016 là gần 1.000 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã tương đương với cả năm 2015.
Trẻ vị thành niên, thanh niên chính là những người đại diện cho thế hệ hiện tại và tương lai của đất nước, các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt. Tuy nhiên, trẻ em gái vị thành niên hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa như: kết hôn sớm, không được đi học, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Đó là những trở ngại dẫn đến tiềm năng của các em không được phát huy, tương lai của các em bớt đi sự tươi sáng.
Khi mang thai ở tuổi vị thành niên, người mẹ dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm, dễ xuất hiện các biến chứng do thai nghén làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Đứa trẻ sinh ra dễ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng và tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong của trẻ sơ sinh cao hơn nhiều so với con của các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Chính vì vậy, việc giáo dục sức khỏe sinh sản là việc làm hết sức cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ vị thành niên, cũng như sự phát triển chung của gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc của nhà trường, các tổ chức xã hội trong việc cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, song kết quả chưa cao, một phần do thiếu sự vào cuộc của gia đình, đặc biệt là các gia đình ở những vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Để thực hiện tốt công tác KHHGĐ, mỗi gia đình cần quan tâm hơn nữa tới con em của mình. Đồng thời, cùng với các cấp, ngành đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số – KHHGĐ, góp phần duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
MINH MẠNH

Ý kiến ()