Vì a dua theo đám đông
– Thời gian qua, một số nơi trên địa bàn tỉnh, có người dân tỏ ra không đồng tình với Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định 861). Trong đó, có người dân ở một số địa bàn kinh tế tương đối phát triển nhưng nhất quyết đòi trở về vùng khó, thậm chí hùa theo đám đông để phản đối, gây rối trật tự công cộng, dẫn tới vi phạm pháp luật và vướng vào vòng lao lý. Câu chuyện của người dân thôn Bản Phải, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình là một ví dụ.
Theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì xã Tú Mịch nói chung và thôn Bản Phải nói riêng chuyển từ vùng III sang vùng I. Do không được hưởng chính sách vùng III nữa nên người dân thôn Bản Phải đã nhiều lần tập trung đông người tại trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh và UBND huyện Lộc Bình để kiến nghị, thắc mắc đòi giữ lại vùng III với mục đích để được hưởng chế độ chính sách có lợi. Mặc dù đã được các cấp có thẩm quyền giải thích, tuyên truyền nhưng bà con vẫn không đồng ý.
Phiên toà xét xử lưu động các bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng tại huyện Lộc Bình
Sáng 25/8/2021, các đối tượng: Chu Thị Huyền, sinh năm 1994; Hoàng Thị Hồng Thắm, sinh năm 1997; Hoàng Thị Hương, sinh năm 1973; Trần Thị Biên, sinh năm 1985; Lành Thị Sìn, sinh năm 1981 và Lộc Thị Hoa, sinh năm 1965, cùng trú tại thôn Bản Phải, xã Tú Mịch và những người dân trong thôn tiếp tục đi đến trụ sở UBND huyện Lộc Bình để kiến nghị đòi quyền lợi vùng III cho thôn; . Mặc dù đã được lãnh đạo UBND huyện tiếp, trả lời nhưng chiều cùng ngày, nhóm đối tượng cùng 121 người dân thôn Bản Phải tiếp tục lôi kéo nhau đến trụ sở Công an huyện Lộc Bình để hỏi về vấn đề này.
Tại đó, cán bộ Công an huyện cũng đã tuyên truyền, giải thích và vận động chấp hành các quy định liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 nhưng nhóm đối tượng và người dân vẫn không đồng tình, tiếp tục gây rối, chửi bới, xúc phạm lực lượng công an. Một số người còn quay phát trực tiếp trên mạng xã hội và kêu gọi mọi người trong thôn đến tập trung gây rối. Trong đó, các đối tượng: Chu Thị Huyền, Hoàng Thị Hồng Thắm, Hoàng Thị Hương, Trần Thị Biên, Lành Thị Sìn, Lộc Thị Hoa là có hành vi quyết liệt, tích cực nhất.
Hành động của nhóm đối tượng trên đã gây cản trở hoạt động của cơ quan Công an huyện Lộc Bình, ảnh hướng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Sau khi điều tra làm rõ, tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chu Thị Huyền, Hoàng Thị Hồng Thắm, Hoàng Thị Hương, Trần Thị Biên, Lành Thị Sìn, Lộc Thị Hoa về tội gây rối trật tự công cộng. Ngày 28/6/2022, Tòa án Nhân dân huyện Lộc Bình đã đưa vụ án ra xét xử lưu động, các bị cáo đã phải nhận án phạt thích đáng. Các bị cáo đều khai nhận do thiếu hiểu biết pháp luật, a dua theo đám đông mà dẫn tới phạm tội và hối hận về hành vi do mình đã gây ra. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng đã tuyên truyền, giải thích để các bị cáo và Nhân dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không hùa theo đám đông để tái phạm, vi phạm pháp luật.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân của vụ việc trên xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về Quyết định 861 và các văn bản liên quan của một bộ phận người dân thôn Bản Phải. Đây là thôn có điều kiện kinh tế phát triển nhất của xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, thế nhưng chỉ vì sợ bị cắt đi những chính sách ưu tiên cho vùng III như bảo hiểm y tế, giảm học phí cho con em đi học mà bà con lôi kéo nhau đến cơ quan Nhà nước đòi về thôn khó khăn để được hưởng quyền lợi.
Đáng chú ý, trước đó, người dân thôn Bản Phải đã cam kết với nhau nếu không đi đòi về vùng III thì sẽ bị phạt tiền, bị cho ra khỏi hội hiếu. Lo sợ điều này mà nhiều người dân đã hùa theo đám đông đến UBND huyện, rồi đến Công an huyện tập trung gây rối. Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo khai nhận nếu không đi thì sẽ bị khai trừ ra khỏi hội hiếu, thấy mọi người trong thôn đi đòi quyền lợi nên bị cáo cũng đi, vì nghĩ đó thể hiện sự đoàn kết. Do thiếu hiểu biết pháp luật mà tinh thần “đoàn kết” ấy của bà con trở nên mù quáng và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, bà con cần tỉnh táo, cảnh giác trong tham gia các hoạt động tại địa phương, tìm hiểu thấu đáo, tường tận các văn bản Nhà nước, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là không trông chờ ỷ lại vào các chính sách, tích cực phát triển kinh tế, không a dua theo đám đông mà vi phạm pháp luật, tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Có như thế mới thể hiện tinh thần đoàn kết thực sự, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển toàn diện.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()