VFF tiêu hoang: Lập đội bóng, hết tiền rồi… xóa sổ
Thật ngạc nhiên là rất nhiều lần VFF đã đào tạo bóng đá trẻ theo kiểu: Vứt tiền qua cửa sổ.
Lập đội bóng, hết tiền rồi… xóa sổ
Năm 1998, khi ông S.Blatter trở thành Chủ tịch FIFA, ông đã có sáng kiến lập dự án Goal nhằm hỗ trợ các nước kém phát triển trong công tác đào tạo trẻ. Theo nhiều chuyên gia, đây là động tác “tri ân” với các quốc gia đã ủng hộ ông trong quá trình tranh cử.
Bóng đá VN lúc ấy “bỗng nhiên” có hàng triệu USD. Một dự án nhanh chóng được lập để… tiêu tiền. Đến lúc này, chưa ai lý giải tại sao VFF chọn… Quảng Ngãi để phát triển một đội bóng nữ. Mức chi là 350.000 đồng/tháng gọi là tiêu vặt, mức ăn 35.000 đồng/ngày/người, tổng cộng chi 1,2 triệu đồng/tháng cho mỗi cầu thủ nữ.
VFF hoang phí rất nhiều tiền của đầu tư cho bóng đá nữ Việt Nam |
Có kế hoạch rồi, cán bộ Quảng Ngãi mới đôn đáo tìm cầu thủ. Quảng Ngãi tới bóng đá nam còn chẳng có, lấy đâu cầu thủ nữ? Thế mà cuối cùng cũng gom được, nghe đâu đều là… con nhà nông dân trồng mía, đi đá bóng kiếm tiền triệu còn hơn chặt mía cả tháng 400-500 ngàn đồng.
Một năm sau khi “ăn tập”, các cô gái Quảng Ngãi ra Hà Nội đá giải QG. Lần đầu được chơi dưới ánh đèn rực rỡ sân Hàng Đẫy, các cầu thủ cứ níu áo HLV “Thầy ơi, đèn thế này em sợ quá, chân run bần bật thế này đá đấm sao hả thầy”? Kết quả là “niềm tự hào về đầu tư của VFF” thua Hà Nội 1-7 (bàn duy nhất của Quảng Ngãi là được… thả), rồi thua Hà Tây 0-9…
Quan chức VFF ngồi trên khán đài méo mặt, nhưng đầu tư thì cứ phải đều đều.
Đến năm 2002, VFF gửi công văn thông báo cho Quảng Ngãi là… hết tiền đầu tư và yêu cầu đội Quảng Ngãi tự tìm tài trợ. Đúng 15 ngày sau khi có thông báo của VFF, đội Quảng Ngãi tự… giải thể. Cuối năm 2002, Quảng Ngãi chính thức bị xóa sổ và không ai ở VFF giải trình là đã đầu tư bao nhiêu vào Quảng Ngãi.
Vết xe đổ U.17
Cũng năm 1999, Nhà nước dành một khoản kinh phí rất lớn cho các chương trình thể thao phục vụ SEA Games 22 – năm 2003. VFF cũng đã rất nhanh chân lập dự án về lứa U.17 tập trung ở phía bắc và TPHCM.
Các cầu thủ trẻ Việt Nam cần được đào tạo trước hết về ý thức và trách nhiệm |
Mặc dù mức kinh phí thời điểm ấy rất hấp dẫn là 22 triệu đồng/năm/cầu thủ, nhưng lớp U.17 này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các địa phương có phong trào mạnh như Nghệ An, Nam Định, Đồng Tháp, Long An… Kết quả là, lớp U.17 trở thành nơi tập trung của các cầu thủ hạng hai, thậm chí là “hàng thải” ở các CLB.
Ông Phạm Quang – người được giao phụ trách các lớp này trong vai trò là Trưởng ban đào tạo trẻ – buộc phải nói: “Cầu thủ tốt cũng lấy mà… không tốt cũng lấy”.
Thầy giỏi không có, giáo án tốt cũng không, đầu năm 2005, lớp ở phía nam giải tán. Cuối năm, các lớp phía bắc cũng tan rã. VFF buộc phải thông báo ngừng đầu tư cho lứa cầu thủ này.
Khoảng tiền hàng chục tỉ đồng, kéo dài trong nhiều năm bị lãng phí bởi một dự án không khoa học, thiếu kế hoạch và được vẽ ra chỉ để tiêu tiền nhà nước. Ủy ban TDTT quyết định xóa sổ các lớp này, nhưng cuối cùng cũng không ai phải chịu trách nhiệm.
Tương lai nào cho U.16 nam và U.19 nữ của VFF?
Giật mình vì cung cách tuyển chọn đầu tư của lứa U.16 tại Trung tâm bóng đá trẻ VFF cũng giống với dự án U.17 hình thành 10 năm trước.
Bài học đội nữ Quảng Ngãi, đội U.17 cách đây mấy năm, dù là tiêu tiền FIFA hay tiền nhà nước thì VFF cũng chỉ dùng đúng một cách: “Ném tiền qua cửa sổ”.
Nếu lại thất bại như đã từng thấy, thì ai chịu trách nhiệm về khoản đầu tư 56 tỉ đồng của Nhà nước có nguy cơ bị ném qua cửa sổ?
Ý kiến ()