VEC chưa tăng phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Chiều 5/6, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phát đi thông báo chính thức về việc chưa điều chỉnh mức phí trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC cho biết, để đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Tổng công ty đã phải huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước như: trái phiếu công trình và một số khoản vay thương mại khác, sau đó tiến hành thu phí hoàn vốn. Do đó, VEC luôn phải chịu sức ép rất lớn về thời gian trả nợ, lãi vay, chênh lệch tỷ giá… đã được xác định trong phương án tài chính, cũng như phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cuối tháng 3/2016, để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án, bù đắp một phần chi phí trượt giá và tổ chức khai thác vận hành ngày một tốt hơn theo xu thế văn minh, hiện đại, VEC đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương điều chỉnh mức thu phí đối với các xe loại theo hướng tăng thêm 500đồng/phương tiện/km, từ 1.500đồng/km/xe cơ sở lên 2.000đồng/km/xe cơ sở. Mặt khác, theo phương án tài chính được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án được phép điều chỉnh mức phí từ ngày 1/7/2016.
“Tuy nhiên, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 về việc không tăng phí BOT, với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, VEC quyết định chưa điều chỉnh mức phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình” – ông Đỗ Chí Chung nhấn mạnh.
Để bù đắp các khoản thiếu hụt có thể xảy ra do việc lùi thời hạn tăng phí, VEC sẽ tăng cường áp dụng biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp và tìm kiếm các nguồn thu khác để bổ sung.
Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 1), có chiều dài 50km, là dự án đầu tiên do VEC làm chủ đầu tư. Kể từ khi đưa vào khai thác, tính đến đầu tháng 6/2016, tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đã phục vụ an toàn khoảng 28 triệu lượt phương tiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển. Tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đưa vào khai thác đã rút ngắn khoảng 1/2 thời gian lưu thông và tiết kiệm 15% chi phí vận tải so với lưu thông theo tuyến Quốc lộ 1 cũ./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()