Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
I- VỀ PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC; PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Kế thừa và phát triển quan điểm của Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện nêu phương hướng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam, tăng cường quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
So với Đại hội XI, điểm mới trong Dự thảo Văn kiện nêu: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân”; “Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”.
Để thực hiện được phương châm trên, Dự thảo Văn kiện đã kế thừa những nhiệm vụ, giải pháp của Đại hội XI, có bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới, nổi bật là:
Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.
Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Dự thảo Văn kiện nêu định hướng xây dựng các giai tầng trong xã hội; trong đó có những điểm mới so với Đại hội XI, chẳng hạn như: tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, v.v.
Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân
Kế thừa Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện bổ sung phương hướng: Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân.
So với Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện nêu một số nhiệm vụ, giải pháp mới:
Một là, cụ thể hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội.
Hai là, thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” (điểm mới là bổ sung nội dung “giám sát”).
Ba là, tổ chức thực hiện tốt các quy chế, quy định: Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định, quy chế khác.
II- VỀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Để tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm. So với Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện nêu những nhiệm vụ, giải pháp mới, nổi bật là:
– Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
– Lãnh đạo việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
– Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.
– Thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện (đây là giải pháp nhằm thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân). Mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.
III- VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG
Dự thảo Văn kiện nêu: Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm.
Kế thừa những nhiệm vụ, giải pháp của Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện đã nêu nhiệm vụ, giải pháp trên 10 vấn đề, trong đó có những bổ sung, phát triển sau:
Một là, xây dựng Đảng về chính trị
Dự thảo Văn kiện bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp mới sau: Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Hai là, đổi mới công tác tư tưởng, lý luận
Dự thảo Văn kiện nêu: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nhấn mạnh “ngăn chặn, đẩy lùi” những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những chuyên gia đầu ngành; nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương.
Ba là, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng
Đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị
Dự thảo Văn kiện nêu: Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị. Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.
Năm là, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên
Dự thảo Văn kiện bổ sung nhiệm vụ, giải pháp: Kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Tổng kết việc thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đảng viên làm kinh tế tư nhân và việc thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
Sáu là, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Dự thảo Văn kiện nêu: Đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,… để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài.
Bảy là, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng
Kế thừa và phát triển những nhiệm vụ, giải pháp của Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện nêu: Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Nghiên cứu việc tăng thẩm quyền kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng cho ủy ban kiểm tra các cấp.
Tám là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân
Đại hội XI chưa có mục riêng về công tác dân vận. Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới, Dự thảo Văn kiện có mục riêng về công tác dân vận, trong đó nhấn mạnh: Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Chín là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Trong Văn kiện Đại hội XI, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đề cập trong phần về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Dự thảo Văn kiện trình bày cả trong phần về xây dựng Nhà nước và được trình bày kỹ trong phần về xây dựng Đảng, trong đó nêu: xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.
Mười là, đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng
So với Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện nêu một số nhiệm vụ, giải pháp mới: Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần lưu ý phòng ngừa đối với đảng cầm quyền. Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Quy định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Dự thảo Văn kiện nhấn mạnh: Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong nghị quyết.
Dự thảo Văn kiện xác định rõ hơn nội hàm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế – xã hội: Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của Đảng; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế – xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; lãnh đạo việc bố trí cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác tham mưu kinh tế – xã hội ở các cấp, các ngành,…
Theo nhandan
Ý kiến ()