Bà Đào Thị Minh (đứng giữa) cùng người thân của liệt sĩ Dương Thành Hiến. Có một hài cốt liệt sĩ đã "hành trình" 40 năm, được nhân dân chở che, chăm chút, nay trở về vẹn toàn trong vòng tay yêu thương của đồng đội, người thân. Đó là liệt sĩ Dương Thành Hiến, sinh năm 1950, chiến sĩ cơ điện tàu T603, Đoàn tàu Không số, hy sinh đêm 16-4-1972, tại Cảng K20 Hải Phòng.Ngôi mộ "Anh bộ đội quê Củ Chi"Ở nghĩa trang nhân dân Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng có một ngôi mộ nhỏ nằm khuất sau bạt ngàn những, mộ, tháp, trên mộ có ghi: "Anh bộ đội quê Củ Chi - Thuyền viên tàu chở nguyên liệu cho miền nam, trúng bom tại Sở Dầu ngày 16-4-1972". Ngôi mộ khá khang trang, sạch sẽ, được trông nom cẩn thận, ngày tuần, tháng vẫn có người đến thắp hương, cúng lễ. Thế rồi, một ngày tháng 6-2011, có mấy cán bộ Hải quân đến thắp hương ở ngôi mộ, bắt đầu cho hành trình xác định danh tính hài cốt của người dưới mộ. Sau này mọi người...
Bà Đào Thị Minh (đứng giữa) cùng người thân của liệt sĩ Dương Thành Hiến. |
Có một hài cốt liệt sĩ đã “hành trình” 40 năm, được nhân dân chở che, chăm chút, nay trở về vẹn toàn trong vòng tay yêu thương của đồng đội, người thân. Đó là liệt sĩ Dương Thành Hiến, sinh năm 1950, chiến sĩ cơ điện tàu T603, Đoàn tàu Không số, hy sinh đêm 16-4-1972, tại Cảng K20 Hải Phòng.
Ngôi mộ “Anh bộ đội quê Củ Chi”
Ở nghĩa trang nhân dân Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng có một ngôi mộ nhỏ nằm khuất sau bạt ngàn những, mộ, tháp, trên mộ có ghi: “Anh bộ đội quê Củ Chi – Thuyền viên tàu chở nguyên liệu cho miền nam, trúng bom tại Sở Dầu ngày 16-4-1972”. Ngôi mộ khá khang trang, sạch sẽ, được trông nom cẩn thận, ngày tuần, tháng vẫn có người đến thắp hương, cúng lễ. Thế rồi, một ngày tháng 6-2011, có mấy cán bộ Hải quân đến thắp hương ở ngôi mộ, bắt đầu cho hành trình xác định danh tính hài cốt của người dưới mộ. Sau này mọi người mới biết đó là hài cốt của một liệt sĩ thuộc Đoàn tàu Không số.
Tìm về quá khứ, ngày 16-4-1972, trong trận oanh tạc ném bom bằng máy bay của đế quốc Mỹ tại khu vực Sở Dầu (Hải Phòng), năm tàu Hải quân, trong đó có tàu T603, T609 (Đoàn tàu Không số) đang bốc hàng để vận chuyển vào miền nam thì bị trúng bom. 19 đồng chí đã hy sinh, đơn vị và nhân dân đã vớt được chín thi thể để an táng, hai đồng chí bị thương nặng được đưa đi bệnh viện đã hy sinh sau đó, còn lại tám đồng chí thuộc tàu T603 không tìm thấy thi hài.
Bao năm các anh ở đâu, sông biển nơi nao, vẫn là nỗi day dứt khôn nguôi của bao đồng đội và người thân. Thế rồi hy vọng đã lóe lên khi ngày 30-5-2011, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được công văn của phường Hùng Vương cung cấp thông tin về ngôi mộ “Anh bộ đội quê Củ Chi”. Từ kết quả xác minh thông tin, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận định: ngôi mộ đặc biệt ở nghĩa trang Cam Lộ nhiều khả năng là hài cốt của một trong tám liệt sĩ chưa tìm thấy của tàu T603.
Hành trình kỳ diệu
Bà Đào Thị Minh, năm nay đã 70 tuổi kể lại: Một ngày cuối tháng 4-1972, tôi cùng hai người anh đi câu cáy ở ven sông Cấm thì thấy có một vật thể đang trôi dạt gần bờ, rất lạ. Chúng tôi đến gần thì phát hiện đó là thi thể của một người nằm sấp, chết đã chừng ba đến bốn ngày. Khi vớt lên tắm rửa, mọi người mới phát hiện người đó mặc quần áo Hải quân, tất bộ đội, vỏ áo bông đại cán mầu xanh, ngực áo có thêu dòng chữ: Đoàn tàu không số vận tải hàng Bắc Nam. Chúng tôi tìm trên thi thể thì không thấy bất cứ một loại giấy tờ, di vật nào để có thể xác định danh tính. Ba người chúng tôi đã chôn thi thể ở bãi đất trống gần nhà tôi bây giờ.
Vậy là thi thể của anh bộ đội đã được bà Minh và những người dân khu Cam Lộ, phường Hùng Vương chôn cất và trông nom trong nhiều năm. Tháng đôi tuần, ngày lễ, Tết bà Minh lại ra mộ để thắp hương, bởi bà vẫn có linh cảm rằng, đây là hài cốt của anh bộ đội chưa tìm được danh tính. Bà coi anh như em mình, bởi bà có bố là liệt sĩ, có em hy sinh chưa tìm thấy hài cốt. Bà luôn mong mỏi một ngày nào đó, anh sẽ được xác định danh tính và trở về với người thân. Sau này, khi khu đất có chôn cất hài cốt được giải phóng mặt bằng, Công ty TNHH Vĩnh Hoàng đã tổ chức cất bốc mộ liệt sĩ về nghĩa trang Cam Lộ.
Sau khi nhận định ngôi mộ nhiều khả năng là hài cốt liệt sĩ tàu T603, Quân chủng Hải quân đã báo cáo Bộ Quốc phòng. Viện Pháp y Quân đội đã phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân lấy mẫu phẩm từ hài cốt đang chôn cất tại nghĩa trang nhân dân Cam Lộ và của tám gia đình liệt sĩ, thuộc tàu T603 để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Hai đoàn công tác đã đến tám gia đình liệt sĩ ở sáu tỉnh để triển khai lấy mẫu phẩm, bảo đảm chính xác, chu đáo. Đoàn đi đến gia đình liệt sĩ nào cũng thắp lên những hy vọng cho người thân, dù biết khả năng chỉ có 1/8 liệt sĩ được xác nhận. Sau thời gian giám định ADN, Viện Pháp y Quân đội đã xác định hài cốt đang chôn tại nghĩa trang phường Hùng Vương chính là của liệt sĩ Dương Thành Hiến, binh nhất, chiến sĩ cơ điện tàu T603.
Niềm xúc động vỡ òa, khi những anh em ruột của liệt sĩ Dương Thành Hiến nghe thông tin về hài cốt liệt sĩ người thân của mình được tìm thấy. Họ từ Quảng Ninh tất tả tới Hải Phòng để đến viếng ngôi mộ, họ cũng tới thăm bà Đào Thị Minh. Cuộc gặp gỡ sau 40 năm thật xúc động, nghẹn ngào, nhưng ai cũng thấy trong mình nhẹ lòng hơn. Liệt sĩ dù đã hy sinh 40 năm, nhưng anh vẫn sống trong vòng vay yêu thương và sự tri ân của nhân dân, đồng đội, người thân. Đó cũng là biểu tượng sáng ngời của tình quân dân son sắt, không chỉ với những người sống, mà cả với những người đã hy sinh. Ông Dương Văn Thắng, anh trai liệt sĩ Dương Thành Hiến, cho biết: Trước đây, khi em tôi hy sinh, đơn vị có gửi giấy báo về gia đình, địa phương nói là em tôi đã hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ, thân thể mất tích, duy nhất chỉ còn tấm ảnh trong hồ sơ đơn vị chuyển về. Bao năm qua, gia đình mòn mỏi, nghĩ rằng không còn gì hy vọng, vậy mà em tôi lại được bà con cưu mang, nay đã được về nhà, thật bất ngờ, thật ấm lòng biết bao. Và niềm vui ấy được nhân lên khi sáng 16-7, Lễ công bố kết quả giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ Dương Thành Hiến được tổ chức trang trọng tại UBND phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Ngay sau đó, hài cốt liệt sĩ đã được bàn giao cho phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tạm biệt mảnh đất và những người dân 40 năm qua đã chở che, bao bọc, anh trở về với gia đình và quê nhà dấu yêu. Ngày đón anh thật trang nghiêm, xúc động, mừng mừng tủi tủi. Nơi nghĩa trang Hà Tu của TP Hạ Long, anh nằm đây yên bình bên những đồng đội. Anh mãi mãi sống cùng huyền thoại về những con tàu Không số trong bản hùng ca bất diệt của đất nước và nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()