tle=”Về với Cha Lo và cung đường huyền thoại”> Chiến sĩ Biên phòng Đồn Cha Lo tuần tra biên giới. Vậy là, sau nhiều lần hẹn hò lỡ dở, tháng 9 này, tôi mới có dịp trở lại Đường 12 – con đường thời chống Mỹ thuộc địa phận quản lý của Binh trạm 12, Bộ Tư lệnh Đoàn 559. 41 năm trôi qua nhanh, các cánh rừng, những quả đồi ven đường được choàng thêm nhiều tấm áo mầu xanh mới, đã hầu như xóa hết các vết tích chiến tranh.
Con đường được trải nhựa rộng thênh thang, khiến tôi không nhận ra nơi đã từng sống, từng qua, cùng đồng đội nếm trải đạn bom trong những tháng năm đánh Mỹ, cứu nước hào hùng. May thay, nhờ những tấm biển chỉ đường, những tấm bia ghi chiến tích cắm rải trên đường, tôi lần lượt nhớ lại và nhận ra những trọng điểm đã từng bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt năm xưa: Long Đại, Xuân Sơn, Bãi Dinh, Mụ Giạ, La Trọng, Khe Tang, Cà Roòng…, rồi đỉnh Đồng Tiền, đèo Phu-la-nhích…
Đây rồi Cổng Trời thiêng liêng! Thiên nhiên như có bàn tay kỳ diệu sắp đặt hai núi đá khổng lồ đứng gần nhau, với hai đỉnh chóp gần ngả vào nhau, để lộ một khoảng trời xanh trong giữa nắng Thu dịu mát. Tôi bồi hồi nhớ lại, vào ngày đầu tháng 3-1971, đã cùng anh Nguyễn Quốc Hiệp, cán bộ phòng tuyên huấn – Ban 67 đi nhờ chiếc xe tải chở hàng lên đây. Đoạn đường chỉ có độ dài 37 km, nhưng chiếc xe lặc lè trườn lách qua nhiều đoạn đường lầy, qua những cung đường tránh hố bom, vì vậy phải mất hơn tám tiếng đồng hồ mới tới! Trước đó, ở km 36, nghe tiếng máy bay gầm rú, tôi, anh Hiệp và lái xe vội nhảy xuống, chạy dọc bờ suối tìm nơi ẩn nấp. Chiếc xe nằm lại bị trúng bom!
Đoàn nhà báo chúng tôi kính cẩn thắp nhang tưởng nhớ các chiến sĩ bộ đội và thanh niên xung phong đã ngã xuống nơi đây, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân của Tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ trọng điểm này, đến nay như vẫn vang mãi lời hô bất tử: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Trước khi tới Cổng Trời, chúng tôi lần lượt thắp nhang mặc niệm trước vong linh bảy chiến sĩ thanh niên xung phong và 11 chiến sĩ công binh hy sinh trong trận chiến đấu ngày 3-7-1966 bảo vệ cầu Cha Quang. Lời thề bất diệt của cán bộ, chiến sĩ Đại đội thanh niên xung phong số 759: “Máu C 759 có thể đổ, nhưng đường không thể tắc!” được khắc chữ vàng trên bia đá, làm xao động lòng người qua đây. Tiếp đến là Bãi Dinh, nơi bà con các dân tộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, đêm đêm đổ ra con đường này cùng với thanh niên xung phong rải gỗ chống lầy khi trời mưa trút nước; lúc khiêng đất đá lấp hố bom để những đoàn xe nối nhau ra trận…
Mỗi đoạn đường, mỗi cua ngoặt, mỗi bãi đá, mỗi cánh rừng là những thước phim sống động, góp vào thiên anh hùng ca bất tận của dân tộc ta. Trong tôi, niềm tự hào đan quyện niềm tự vấn lương tâm khi nhớ lại một điều tổng kết chí lý về thời thế, về con người, về lẽ sống mà cố nhà văn, nhà báo Thép Mới trong phóng sự nhiều kỳ với tiêu đề “Đường Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn”, đã viết rằng: “Kỳ lạ thay, giữa đạn bom khốc liệt, cái chết cận kề gang tấc, nhưng con người đâu hề sợ! Ấy vậy mà lúc yên bình, có người lại làm ta nhức óc, đau đầu vì những vướng víu nhỏ nhoi trong mối quan hệ giữa những con người!”. Sau này, nhờ có thêm trải nghiệm cuộc sống của người làm báo và làm tư tưởng, tôi nhận ra điều suy nghĩ gan ruột của anh. Đúng là, người sống trong tháp ngà suy nghĩ khác người sống dưới mái nhà tranh. Trong chiến tranh, giữa đạn bom, nhiều lớp người vẫn cùng chung mục tiêu cao cả: đánh giặc để giải phóng quê hương, đất nước. Nhưng thống nhất non sông rồi, dễ gì thống nhất lợi ích một sớm một chiều? Vì quyền lợi cá nhân, có người chẳng ngần ngại bôi nhọ, vùi dập đồng đội, bạn bè mà mình từng bên nhau chiến đấu, công tác nhiều năm. Tôi càng thấm thía lời dạy mộc mạc, nhưng vô cùng sâu sắc của Bác Hồ: “Học chủ nghĩa Mác – Lê-nin là để mọi người sống với nhau có nghĩa, có tình”. Vâng, thưa Bác kính yêu, vì nghĩa nước, vì tình dân mà trong lửa đạn chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã nêu lên những phương châm sống có sức lay động, tỏa sáng đối với mỗi chúng ta trong thời đổi mới, hội nhập hôm nay: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; “Tiếng hát át tiếng bom”; “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong!”…
Qua Cổng Trời là cây số 37, nơi đóng quân của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo – cái tên đã đi vào tâm thức công chúng yêu âm nhạc khi nghe bài hát Đêm Cha Lo do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác cách đây hơn bốn thập kỷ. Cái tên ấy đã song hành với những năm tháng chiến tranh và cùng các chiến sĩ thanh niên xung phong, công binh, phòng không làm nên những chiến công vang dội của con đường mang số 12, con đường nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, hình thành hệ thống đường Hồ Chí Minh dọc ngang huyền thoại. Cha Lo là một trong những đơn vị biên phòng đã sáng tạo phương châm tác chiến trong thời chiến tranh ác liệt: “Lấy chiến trường làm thao trường, lấy địa bàn chiến đấu làm nơi tập luyện và thực nghiệm”; “Kết hợp trực chiến đánh máy bay với ôn luyện xạ kích; kết hợp tuần tra biên giới với truy lùng thổ phỉ, gián điệp, biệt kích”; “Bám dân, bám địa bàn, bám tình hình, gắn bó máu thịt với bạn Lào để chiến đấu và công tác”… Những cái tên được bà con dân tộc hai nước Việt – Lào luôn nhắc đến với niềm thương yêu, kính trọng, như Cao Xuân Thịnh, Phạm Long Sắc, Hồ Nôn, Hồ Phòom, Cao Tiến Doan, Hồ Phinh, Trần Khương… đã nêu tấm gương dũng cảm, quên mình, thủy chung, hữu nghị. Ba máy bay Mỹ đã bị trúng đạn của quân dân hai nước; nhiều toán phỉ vũ trang xâm nhập nước ta đã bị tiêu diệt. Đúng ngày đầu năm mới 1967, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đoàn nhà báo chúng tôi vào thăm đồn đúng lúc Thượng tá Phạm Thanh Tâm, Đồn trưởng, vừa cùng một số chiến sĩ đi tuần tra đường biên, mốc giới về. Được giao quản lý, bảo vệ gần 28 km đường biên giới, gồm tám mốc quốc gia, bình quân một năm, cán bộ, chiến sĩ tối thiểu dành một tháng nối nhau đi thực địa, chưa kể thời gian xuống cơ sở làm công tác dân vận, giúp dân cấy trồng, học chữ. Buổi chiều, ánh mặt trời chưa tắt, nhưng đỉnh Giăng Màn đã đầy mây bao phủ. Những cột mốc chủ yếu do đồn quản lý đều nằm trên dãy núi này; có cột mốc ở độ cao trên 1.600 m. Dưới nắng chiều, chúng tôi nhìn rõ vệt đất đỏ au kéo thẳng từ chân lên đỉnh núi. Anh Tâm cho biết, đây là đoạn đường leo bộ đầu tiên (có độ dốc trên dưới 80 độ) để đi tiếp những đoạn đường khúc khuỷu, cheo leo ở phía sau đỉnh núi. Trên khuôn mặt sạm nắng của người đồn trưởng với 35 tuổi quân, vẫn nở nụ cười cởi mở: Tôi vừa thay chiếc áo rách vai vì đeo nặng đồ dùng và thực phẩm, bị trượt ngã khi qua những đoạn lầy trơn ở một đoạn dốc. “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn”, cùng ngủ trong đêm tối giữa gió mưa, sương giá, đã rèn luyện mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị bản lĩnh kiên cường chịu đựng, sẵn sàng vượt khó, đắp bồi ý thức: đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. 35 tuổi quân, luân chuyển qua nhiều đơn vị công tác, đã hơn bốn năm về trụ tại Cha Lo, một trong những kỷ niệm khó quên đối với anh là cách đây 31 năm được cùng các bạn Lào phát quang đường biên, xác định vị trí đặt mốc; và hôm nay, anh lại cùng Bạn hoàn thành năm đoạn mốc này, làm cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ… Trong không khí thân tình, cởi mở tôi hỏi anh:
– Thời chiến, đơn vị đã lập công xuất sắc; chắc thời bình…?
Hình như hiểu ý tôi, anh trầm tĩnh kể:
– Đương nhiên từ ngày đất nước đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ khấm khá hơn nhiều. Nhưng đi liền thuận lợi là không ít khó khăn: khi quốc lộ 12A được nâng cấp, lưu lượng người, phương tiện qua lại cửa khẩu ngày càng tăng; đồng thời xuất hiện nhiều loại tội phạm, như buôn bán, vận chuyển chất nổ, ma túy với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Khi chiến sĩ làm nhiệm vụ đối mặt, bọn chúng rất táo tợn, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả.
– Có vụ nào, đơn vị phải lùi bước?
– Chưa có vụ nào! Sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của chiến sĩ là nhân tố quyết định thắng lợi: cho đến nay, đơn vị đã xử lý 1.200 vụ với gần 2.800 đối tượng các loại, khởi tố 10 vụ với 15 đối tượng vận chuyển ma túy, thu giữ gần 100 kg hê-rô-in. Ngoài ra phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ chuyển tiền giả, tàng trữ vũ khí trái phép, gây rối trật tự, an ninh…
– Anh băn khoăn điều gì nhất hiện nay?
– Nếu nói không băn khoăn thì không đúng. Một mặt, chúng tôi rất tin vào phẩm chất cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị Anh hùng; nhưng mặt khác, trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, Đảng bộ đơn vị luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ tự bồi đắp ý thức cảnh giác trước sự cám dỗ của tiền tài, vật chất…
– Anh cho biết vài nét nổi bật về mối quan hệ quân – dân?
– Đơn vị đã tổ chức tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thôn, bản”. Vừa qua, lại phát động phong trào “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình tham gia giáo dục, vận động nhân dân bỏ dần các hủ tục về ma chay, cưới xin; xây tặng hàng chục nhà tình nghĩa; đầu tư dựng nhà văn hóa cộng đồng; triển khai dự án phát triển 5 ha lúa nước… Bà con dân tộc Khùa, Mày, Sách,… của xã Dân Hóa này mừng lắm. Có một chuyện đáng nhớ: ngày 4-12-2011, đơn vị đã vận động, thuyết phục thành công bà con bản Ka Ai không thực hiện phong tục chôn sống cháu Hồ Dưỡng cùng với mẹ cháu vừa sinh bị chết. Đến nay, hằng tháng, đơn vị thường xuyên trợ cấp 500 nghìn đồng, giúp nuôi cháu Hồ Dưỡng… Đơn vị ghi sâu công ơn, tình nghĩa của bà con xã Dân Hóa; cảm ơn các đơn vị của tỉnh Quảng Bình, như Hội Phụ nữ tỉnh, Ngân hàng Phát triển tỉnh… đã quan tâm động viên cả về vật chất và tinh thần.
Chính trị viên Đặng Xuân Thịnh dẫn Đoàn đi thăm dãy nhà chăn nuôi. Mọi người ngỡ ngàng khi anh Thịnh gõ kẻng, hơn trăm con lợn lớn, bé chạy từ xa về chuồng đúng giờ ăn. Cạnh đó, là những vạt rau muống, mồng tơi xanh mơn mởn trên khu đất lổn nhổn sỏi đá. Bữa ăn được cải thiện, sức khỏe cán bộ, chiến sĩ được tăng cường. Chiều xuống, sân bóng chuyền, cầu lông vang tiếng hò reo cổ vũ các trận thi đấu…
Đêm Cha Lo trời đầy sao. Thời tiết ở độ cao hơn một ngàn mét này lộng gió. Một điều chẳng may đối với chúng tôi là đến đây đúng dịp cắt điện năm ngày để sửa đường dây. Quanh ngọn nến lúc tỏ, lúc mờ vì gió, buổi giao lưu ấm nóng tình quân dân, tình bè bạn vui tới tận khuya. Bài hát Đêm Cha Lo được đông đảo cán bộ, chiến sĩ đơn vị hát “mở màn” với niềm tự hào, xúc động rưng rưng, gợi lại kỷ niệm năm nào bên ánh lửa bập bùng giữa rừng núi nơi đây, đã gieo hồn nhạc cho nhạc sĩ Phạm Tuyên sản sinh đứa con tinh thần này đi cùng năm tháng. Nhà báo Đinh Như Hoan, giọng trầm bổng, thiết tha trong bài Miền xa thẳm với điệp khúc làm nhiều người khó ngăn dòng lệ: “Đi tìm nhau suốt chặng đường đất nước/Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau để mãi mãi không về/Hồn thiêng sông núi đắp lên tượng đài…”.
Với tôi, lời bài hát Miền xa thẳm đã nói thay nỗi lòng mình: 41 năm sau, tôi đi tìm các chị, các anh đã từng sống, chiến đấu trên mỗi cung đường anh hùng này, nhưng nhiều người mãi mãi không về! Bao nhiêu tượng đài đã và sẽ được dựng lên trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nhưng có lẽ tượng đài lung linh nhất, ngời sáng nhất trong mỗi trái tim chúng ta là dáng đứng Việt Nam từ các chị, các anh!
Trường Sơn, tháng 9-2012
Theo Nhandan
Ý kiến ()