Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư, về tổng kết mười năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, Kết luận của Ban Bí thư nêu rõ kết quả quan trọng đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ yếu, sau mười năm thực hiện Nghị quyết.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo về môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Hết sức chú ý đến phát triển kinh tế xanh, bền vững trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức, ứng xử thân thiện với môi trường trong toàn xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài. Thực hiện giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường đối với các ngành, địa phương. Kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương theo hướng tổng hợp, thống nhất, tập trung đầu mối; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của ngành môi trường, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, nhất là đối với cấp huyện và xã,… Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bám sát thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, xung đột giữa pháp luật về môi trường với các lĩnh vực khác có liên quan,… Cơ cấu lại, sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích nguồn chi sự nghiệp môi trường. Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường và coi đây là giải pháp mang tính đột phá để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng từ nguồn ngân sách nhà nước. Chú trọng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất và phát triển công nghệ môi trường; hạn chế phát triển mới và có lộ trình giảm dần các hoạt động kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, xuyên biên giới, vấn đề môi trường lưu vực sông liên quốc gia; tiếp cận công nghệ mới và huy động các nguồn lực cho bảo vệ môi trường,… Thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại và có biện pháp kiểm soát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn; tập trung giải quyết các vấn đề môi trường khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lưu vực sông, ven biển,…
Kết luận của Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()