Về thăm đồng bào Tây Nguyên
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Chuyến công tác cơ sở đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn công tác trong ba ngày qua về thăm bà con thôn, buôn Ê Đê, Gia Rai và Ba Na, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên, địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước.Thôn làng ngày mớiTrung tuần tháng 10, cuối mùa mưa, vùng đất đỏ Tây Nguyên dọc tuyến đường giao thông huyết mạch từ TP Buôn Ma Thuột chạy qua Gia Lai, Kon Tum nối liền vùng duyên hải miền trung và các con đường liên huyện, liên xã xanh mướt rừng cao-su, cà-phê. Về thăm cán bộ và nhân dân nhiều thôn, buôn, xã vùng đặc biệt khó khăn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn công tác quan tâm tìm hiểu sâu sắc tình hình thực hiện chính sách dân tộc, chính sách xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chủ tịch QH đã có cuộc tiếp xúc cử tri...
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Chuyến công tác cơ sở đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn công tác trong ba ngày qua về thăm bà con thôn, buôn Ê Đê, Gia Rai và Ba Na, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên, địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước.
Thôn làng ngày mới
Trung tuần tháng 10, cuối mùa mưa, vùng đất đỏ Tây Nguyên dọc tuyến đường giao thông huyết mạch từ TP Buôn Ma Thuột chạy qua Gia Lai, Kon Tum nối liền vùng duyên hải miền trung và các con đường liên huyện, liên xã xanh mướt rừng cao-su, cà-phê. Về thăm cán bộ và nhân dân nhiều thôn, buôn, xã vùng đặc biệt khó khăn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn công tác quan tâm tìm hiểu sâu sắc tình hình thực hiện chính sách dân tộc, chính sách xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chủ tịch QH đã có cuộc tiếp xúc cử tri đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Đung, xã Ea Khal, huyện Ea H’Leo (tỉnh Đác Lắc); bà con người Ba Na ở làng JRông, xã Adơk, huyện Đác Đoa và bà con Gia Rai xã Ia Phí, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai); tìm hiểu đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động ở Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) và Công ty TNHH một thành viên Cao-su Chư Păh.
Tại các cuộc tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, ý Đảng, lòng dân gặp nhau trong sự đánh giá, nhìn lại những thành tựu xóa đói, giảm nghèo ở nước ta nói chung và vùng dân tộc Tây Nguyên nói riêng trong nhiều năm qua. Ngày đầu tiên đến “thủ phủ” cà-phê ở Đác Lắc, Đoàn công tác đã đến huyện Ea H’Leo, là địa bàn gồm 11 xã, một thị trấn, 190 thôn, buôn của 126 nghìn bà con đồng bào 26 dân tộc anh em. Tại buổi làm việc với Chủ tịch QH, lãnh đạo huyện cho biết: Trong năm năm qua, toàn huyện đã giảm được hơn 4.700 hộ nghèo, trong đó có gần 3.000 hộ đồng bào DTTS. Việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo đã mang lại cuộc sống tốt hơn giúp đồng bào nơi đây, số hộ nghèo giảm nhanh từng năm.
Tại nhà văn hóa buôn Đung, xã Ea Khal, đông đảo bà con, già làng, vui mừng chào đón Chủ tịch QH. Dàn chiêng của đồng bào Ê Đê ngân vang hòa nhịp điệu múa, tiếng hát mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc chào đón khách quý. Già làng Y Tơm Êban, phấn khởi cho biết, từ trồng cây cà-phê và cao-su tiểu điền, bà con trong buôn đã có tích lũy, nhiều hộ vươn lên khấm khá. Cả buôn hiện có 146 xe công nông, hơn 300 xe máy, tất cả các gia đình đều có vô tuyến truyền hình, điện thoại di động, xây nhà kiên cố. Buôn không còn hộ nào nhà rách nát, tạm bợ… – Mừng hơn là năm nay, toàn buôn có 17 con em đi học tại các trường đại học, cao đẳng – Bí thư Chi bộ buôn Abrơm nói.
Bàn chuyện vượt đói nghèo
Về tiếp xúc cử tri ở trụ sở xã Adơk, huyện Đác Đoa (Gia Lai) có đông bà con Gia Rai xã nhà và các xã lân cận về dự, Chủ tịch QH lắng nghe chăm chú ý kiến phát biểu của đồng chí Y Mưn, Bí thư Đảng ủy xã Adơk; cử tri đại diện xã Glar; ông Hoàng Ul, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Blo; cô giáo Bùi Thị Thu Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Glar 2. Xã Adơk có 10 thôn, buôn có đông bà con Ba Na, Gia Rai, trong đó có năm thôn, buôn diện đặc biệt khó khăn. Xã trước đây từng là điểm nóng về tình hình an ninh và chính trị, trong nhiều năm huyện phải tăng cường cán bộ chủ chốt về cơ sở. Sau khi các cấp, ngành, hệ thống chính trị các cấp phối hợp thực hiện tốt công tác dân tộc và hàng loạt các chương trình, dự án trong nhiều lĩnh vực, xã từng bước khởi sắc. Tham gia bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 100%.
Tại đây, sau khi lắng nghe cô giáo Hiệu trưởng Bùi Thị Thu Lý trình bày chuyện trường lớp, Chủ tịch QH đã hỏi han cặn kẽ thực trạng đến lớp, theo trường của các cháu nhỏ mầm non, tiểu học, rồi bậc cao hơn. Chủ tịch QH nhấn mạnh: Ở vùng đồng bào DTTS, có đông bà con theo các tôn giáo, vấn đề giáo dục cho con em lại càng phải được ưu tiên hàng đầu. Thực tế cho thấy, càng học lên cao, số lượng các em theo học lại rơi rụng dần. Xã vừa qua có hai em vào trường đại học, cả xã chỉ có 30 em theo học cấp THPT. Các cháu không vào được đại học, cao đẳng, thì xã lấy đâu ra người làm giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu về năng lực và thông hiểu bà con? Chủ tịch QH đặt câu hỏi. Vì vậy, lãnh đạo xã, huyện cần tính toán như thế nào cho thật căn cơ, giải quyết ngay từ gốc rễ vấn đề về giáo dục và đào tạo đội ngũ cán bộ về lâu dài – Chủ tịch QH nói – Chúng ta cần làm tốt hơn nữa sự nghiệp dạy chữ, dạy người. Lâu nay rõ ràng ở nhiều nơi vùng đồng bào, công tác giáo dục cho thấy “đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”!
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cùng chia sẻ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, từ thực tiễn phát triển, bên cạnh những thành tựu cơ bản vừa qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc vẫn còn một số tồn tại. Đó là: Tỷ lệ hộ DTTS trong tổng số hộ nghèo cả nước có xu hướng gia tăng, tốc độ giảm nghèo vùng dân tộc chậm hơn so với tốc độ chung. Đến nay, theo số liệu báo cáo, Đác Lắc vẫn còn ba huyện tỷ lệ hộ nghèo hơn 40%; năm xã và 96 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 80%; có 22 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo 100%. Có tới 89% lao động chưa qua đào tạo, đội ngũ cán bộ qua trường lớp thấp. Tỉnh Gia Lai cũng còn bốn huyện Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa; và 66 xã bà con DTTS, vùng trước đây là căn cứ cách mạng có tỷ lệ hơn 50%…
Kiến nghị với Chủ tịch QH về định hướng phát triển trong thời gian tới, lãnh đạo các địa phương cho rằng, nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo vùng Tây Nguyên vừa qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc xác định các cơ chế quản lý, biện pháp cụ thể, mang tính đặc thù cho từng vùng, từng địa phương ở Tây Nguyên có những bất cập. Vấn đề được Chủ tịch QH và cán bộ xã, huyện nơi Đoàn đến đều rất quan tâm, là đội ngũ và mạng lưới cán bộ làm công tác dân tộc, tham gia công tác lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo còn thiếu, cần nâng cao số lượng và chất lượng, nhất là ở cấp thôn, bản, tăng cường số lượng cán bộ là người dân tộc.
Từ các buổi tiếp xúc cử tri tại hai tỉnh, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần nhấn mạnh, phát huy lợi thế của vùng, sự chủ động của người dân và sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, trên hết là sự đồng sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, Tây Nguyên sẽ sớm trở thành vùng đất giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa – xã hội, mạnh về an ninh – quốc phòng, thật sự là vùng kinh tế động lực của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()