Vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi: Tích cực, hiệu quả
(LSO) – Để chủ động phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả, các cấp chính quyền, ngành chức năng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn.
Những ngày này, trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tổ phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi của xã tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại các thôn. Ông Đường Khánh Thịnh, trưởng thú y viên xã cho biết: Để thực hiện hiệu quả tháng phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi (từ ngày 15/2 đến ngày 15/3), xã ban hành kế hoạch phun trên địa bàn các thôn. Đồng thời, thành lập 2 tổ, mỗi tổ gồm 3 người tổ chức phun tại 14/23 thôn, các thôn không tổ chức phun sẽ phát thuốc sát trùng để người dân tự phun. Trước khi phun, các hộ chăn nuôi phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, hằng ngày quét dọn, thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Trong tháng phun tiêu độc khử trùng, xã triển khai tổng vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận đối với các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Hiện nay, xã đã triển khai phun tại 5 thôn và đang tiếp tục phun các thôn còn lại.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn phun tiêu độc, khử trùng tại chợ Giếng Vuông
Để triển khai hiệu quả tháng phun tiêu độc khử trùng, ngày 11/2/2020, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện tháng phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai hiệu quả công tác trên. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 500 lít thuốc sát trùng, hiện đã cấp gần 300 lít cho 11 xã, thị trấn tiến hành phun tập trung. Các xã còn lại (11 xã), trung tâm sẽ cấp cho xã phát cho người dân tự phun tại hộ gia đình. Đối với các xã người dân tự phun, trung tâm cử cán bộ và chỉ đạo thú y viên, khuyến nông viên hướng dẫn, giám sát kỹ thuật để người dân phun đảm bảo theo quy trình quy định. Ngoài ra, trên địa bàn có 2 cửa khẩu, trung tâm phối hợp với lực lượng chức năng ở cửa khẩu bố trí hố sát trùng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.
Tại thành phố Lạng Sơn, công tác vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi được tích cực triển khai. Ông Lý Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết: Trung tâm tiếp nhận 400 lít thuốc sát trùng từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện đã cấp phát gần 200 lít cho các xã, phường. Các xã, phường đang tích cực triển khai, trong đó, phường Vĩnh Trại, Hoàng Văn Thụ đã cơ bản thực hiện xong. Đối với các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật, các điểm kinh doanh, giết mổ động vật, trung tâm bố trí cán bộ phun tiêu độc khử trùng sau mỗi buổi chợ. Đối với các hộ kinh doanh gia súc, gia cầm mua về chờ giết mổ, trung tâm phát thuốc sát trùng để các hộ tự phun. “Các đối tượng thuộc diện phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phải đảm bảo được tiêu độc, khử trùng 100%” – ông Hải nhấn mạnh.
Để triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đạt hiệu quả, UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố đều xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp thực hiện.
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 8.000 lít hóa chất sát trùng cho các huyện, thành phố, các phương tiện bảo hộ, bình phun được đảm bảo. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, thời tiết đang diễn biến phức tạp, độ ẩm cao, chuyển mùa, thuận lợi cho các loại virus phát triển, phát sinh các dịch bệnh. Đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát; nguy cơ bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan trên địa bàn. Vì vậy, thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân cần chủ động, tích cực trong vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.
Ý kiến ()