LSO-Trước đây do tập quán sinh hoạt, điều kiện canh tác, chăn nuôi, người dân trong xã Thiện Thuật (huyện Bình Gia) chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của công tác vệ sinh môi trường nông thôn đối với sức khỏe cộng đồng. Là xã vùng ba với 71% gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc nuôi nhốt gia súc trong gầm sàn trở thành tập tục không dễ thay đổi. Nhiều nơi người dân vẫn làm chuồng gia súc ngay trước cửa nhà, không sử dụng công trình vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, điều đó làm ảnh hưởng lớn đến sự trong lành của môi trường sống. Rác thu gom sau mỗi phiên chợ được tập kết để xử lýNhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác vệ sinh môi trường, xã Thiện Thuật đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác vệ sinh môi trường ở nông thôn. Xã đã chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác vệ sinh môi trường (VSMT) ở nông thôn....
LSO-Trước đây do tập quán sinh hoạt, điều kiện canh tác, chăn nuôi, người dân trong xã Thiện Thuật (huyện Bình Gia) chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của công tác vệ sinh môi trường nông thôn đối với sức khỏe cộng đồng. Là xã vùng ba với 71% gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc nuôi nhốt gia súc trong gầm sàn trở thành tập tục không dễ thay đổi. Nhiều nơi người dân vẫn làm chuồng gia súc ngay trước cửa nhà, không sử dụng công trình vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, điều đó làm ảnh hưởng lớn đến sự trong lành của môi trường sống.
Rác thu gom sau mỗi phiên chợ được tập kết để xử lý
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác vệ sinh môi trường, xã Thiện Thuật đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác vệ sinh môi trường ở nông thôn. Xã đã chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác vệ sinh môi trường (VSMT) ở nông thôn. Theo đó, thông qua các buổi họp thôn, các ngành, đoàn thể đã lồng ghép quán triệt, phổ biến về ý thức ăn, ở hợp vệ sinh, gìn giữ môi trường xung quanh. Tại mỗi buổi sinh hoạt, tập huấn, các hộ dân được trang bị kiến thức về kỹ thuật xây dựng công trình nhà vệ sinh, hố xử lý chất thải chuồng trại gia súc và một số kiến thức về nước sạch, VSMT nông thôn liên quan đến sức khỏe cộng đồng, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, Trạm y tế xã cũng thường xuyên tổ chức truyền thông lồng ghép tại các thôn để phổ biến kiến thức về VSMT làng, xã, vệ sinh cá nhân, công tác quản lý, vận hành và xử lý các công trình cấp nước. Có thể nói, từ chỗ đẩy mạnh công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và hình thành những hành động tốt đẹp, thân thiện với môi trường sống.
Là địa phương có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, do tập quán truyền thống, đồng bào chưa chú trọng cải thiện chuồng trại, công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, chuồng trại và gia súc để dưới gầm sàn nhà ở làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hạn chế sự phát triển của đàn gia súc. Để khắc phục tình trạng trên, thực hiện Quyết định 112/QĐ/TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, xã Thiện Thuật đã được hưởng hỗ trợ một lần cho các hộ nghèo về vật liệu để nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, làm mới hoặc di chuyển chuồng trại chăn nuôi và nhà vệ sinh. Mức hỗ trợ bằng 1 triệu đồng/hộ nghèo. Ông Lương Văn Kiểu, Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật cho biết: từ năm 2009- 2011, xã đã triển khai việc di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà đạt 50% trên tổng số hộ gia đình; trên 60% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; hàng trăm con trâu, bò đã được chuyển ra khỏi gầm sàn nhà; cán bộ, đảng viên đi đầu làm trước, bà con tích cực hưởng ứng làm theo. Đồng thời, cũng từ nguồn vốn của Nhà nước, xã đã triển khai đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt ở 2 thôn Pác Khuông và Bản Chúc. Đối với những thôn khác thì xã vận động bà con đi dẫn nước hợp vệ sinh ở các nguồn, giếng khơi về để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đối với thôn Pác Khuông, nơi có trung tâm chợ là nơi giao lưu buôn bán của nhân dân 8 xã phía Tây của huyện Bình Gia, vì thế, bên cạnh việc phát triển về kinh tế thì kéo theo đó là vấn đề môi trường. Sau mỗi phiên chợ, hàng chục m3 rác sinh hoạt được thải ra, nếu không có biện pháp xử lý thì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Xác định được điều đó, xã đã hợp đồng thuê một nhân công thu gom rác ở chợ và các hộ gia đình gần chợ rồi tiêu hủy. Tuy nhiên, đây là chỉ là giải pháp tạm thời, bởi việc thu gom rác thực hiện khá tốt nhưng việc tiêu hủy rác lại chưa được đảm bảo, rác vẫn đổ ngay đầu chợ, cạnh bờ suối, tiêu hủy bằng cách đợi ngày nắng, đổ dầu rồi đốt. Được biết, hiện nay xã đã quy hoạch được bãi tập kết rác ở thôn Khuổi Cưởm (cách chợ 1km), nhưng lại chưa có phương tiện để vận chuyển rác ra đó…
Ông Lương Văn Kiểu chia sẻ, trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân, gắn công tác vệ sinh môi trường với việc bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa. Chúng tôi mong tiếp tục được đầu tư xây dựng các công trình mới, nâng thêm số hộ dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, các điều kiện vệ sinh môi trường. Và mong muốn trước hết là các cơ quan chức năng hỗ trợ phương tiện để vận chuyển rác của khu vực chợ Pác Khuông về bãi rác tập kết, để tránh ô nhiễm môi trường khi tự tiêu hủy, đảm bảo mỹ quan khu chợ và khu dân cư trên địa bàn xã.
Hồ Xuân Hương
Ý kiến ()