Về Quảng Yên, gặp lại hào khí Bạch Đằng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã nói: “Sáng kiến của một người dân bình thường cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn. Hưng Đạo Đại Vương đã chắt chiu sáng kiến của nhân dân để làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc”. Chiến thắng Bạch Đằng đã làm rạng rỡ cho mảnh đất thiêng Quảng Yên gửi thông điệp ngàn năm rằng, thế trận toàn dân mới làm nên sức mạnh quốc gia dân tộc.
Dòng sông vang khúc tráng ca
Tiết xuân đã mãn, nắng mới bừng lên. Dòng Bạch Đằng Giang uốn mình qua đất Quảng Yên bàng bạc sóng nước. Nơi bến đò cổ nước triều dâng lên xâm xấp thềm đá. Ghềnh đá cheo leo, núi rừng thăm thẳm. Bấy nhiều hình sông thế núi ấy cũng đủ làm nên thế hiểm của đất địa linh. Ông Đinh Khắc Phục, thủ nhang đền Trần Hưng Đạo dẫn chúng tôi ra bến đò cổ rồi khoát tay chỉ dẫn. Những câu chuyện xưa được kể lại sáng ngời rực rỡ chiến công.
Bạch Đằng còn là dòng sông thiêng gắn liền với bao chiến công hiển hách, trở thành biểu tượng đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nơi đây dân tộc ta đã 3 lần viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đó là 3 trận thủy chiến trên dòng Bạch Đằng Giang của 3 bậc kỳ nhân ở 3 giai đoạn lịch sử khác nhau. Năm 938 Ngô Quyền chỉ huy quân dân ta đánh tan quân Nam Hán, kết thúc một nghìn năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Lần thứ hai, năm 981, dưới sự chỉ huy của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước nhà. Lần thứ ba, vào mùa xuân năm Mậu Tý 1288, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tiêu diệt, bắt sống hơn 600 chiến thuyền và 4 vạn quân Nguyên Mông cùng tướng giặc Ô Mã Nhi.
Lễ rước Đức thánh Trần triều Hưng Đạo Đại Vương trong lễ hội truyền thống Bạch Đằng.
Những ngọn sóng thiêng Bạch Đằng, những chiến binh cọc gỗ trùng trùng điệp điệp âm thầm giăng thế trận dạy cho kẻ thù bài học của tiền nhân. “Đây là chiến địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã/ Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”. Hồn thiêng sông núi một thuở hùng anh, ghi khắc sử xanh khi Đại Việt gặp cơn binh lửa. Từ bến đò ngược lên chỉ mươi bước chân là đền Vua Bà. Phía trước cây quếch cổ thân mục, từ gốc mọc lên những nhánh cây con cành lá tươi xanh. Tương truyền nơi đây lão bà dựng quán nước ngày ngày mời khách viễn du. Nhân cơn binh lửa lão bà đã dâng lịch triều con nước, hiến kế sách để Quốc công tiết chế bày binh bố trận diệt giặc. Cách bến đò chừng 3km là rừng lim. Nơi đây vẫn còn 2 cây lim cổ thụ xanh tốt, thân phủ đầy rêu tỏa bóng xanh mát một vùng. Đây là dấu tích một trong những khu rừng cổ mà quân dân nhà Trần lấy gỗ làm cọc. Cách khu rừng cổ không xa là bãi cọc Bạch Đằng nằm trong đầm Nhử thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Bãi cọc hướng Bắc-Nam, dài khoảng 120m, rộng 30m. Cọc được cắm theo hình chữ chi, cách nhau 0,9-1,1m nghiêng theo hướng ngược dòng sông. Trải qua một thời gian dài, số cọc hiện còn khoảng 300 là gỗ lim, táu, sến, đường kính cọc 15-33cm. Hùng anh gương sáng Hưng Đạo Đại Vương. Hàng cọc lim nhấn chìm giặc Nguyên Mông. Bến đò rừng có lão bà mẫn tiệp. Phía trong là sông, phía xa là biển, phía cao là trời, phía dưới đất địa linh. Mãi muôn đời trận chiến oai hùng.
Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng cho biết: “Những thắng lợi vĩ đại trên sông Bạch Đằng đã truyền tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam luôn tự hào về một dân tộc nhỏ lại có sức mạnh có thể đánh bại cuộc xâm lược của các nước lớn mạnh. Dòng sông lịch sử nuôi dưỡng khát vọng cho nhân dân cùng chung tay trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Phát huy giá trị mảnh đất thiêng lịch sử
Sông Bạch Đằng trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng là biểu tượng về đánh giặc ngoại xâm. Nơi đây dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhận thức được những giá trị và tầm quan trọng của Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, những năm qua, quần thể khu di tích luôn được tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị. Năm 2012, Di tích lịch sử Bạch Đằng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2021, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết: “Với những giá trị đặc biệt của khu di tích, trong giai đoạn II của dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí vốn và bảo đảm nguồn kinh phí gần 1.000 tỷ đồng nhằm hoàn thiện các hạng mục còn lại. Thời gian tới, Quảng Yên sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai giai đoạn II của dự án và tiếp tục mời gọi đầu tư xã hội hóa để hoàn thiện các hạng mục, sớm đưa quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh.
Đến hẹn lại lên, từ mồng 6 đến 9 tháng 3 (âm lịch) bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, thị xã Quảng Yên tổ chức Lễ hội truyền thống Bạch Đằng. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng của thị xã Quảng Yên chào mừng Năm du lịch quốc gia 2023. Anh Hoàng Văn Trường, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên cho biết: “Về thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thắp nén hương tưởng niệm Đức thánh Trần và Vua Bà, khách thập phương bày tỏ lòng thành ghi nhớ công ơn của biết bao thế hệ đi trước, các bậc anh hùng dân tộc và những người dân bình dị đã góp sức, góp tâm và cả xương máu để hậu thế có được hòa bình, ấm no, hạnh phúc như hôm nay”.
Hòa mình trong không khí tưng bừng của Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, chúng tôi như được bước vào không gian linh thiêng xưa, để gặp lại hào khí Bạch Đằng oai hùng và linh khí của non sông Đại Việt, qua đó thêm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử, tiếp tục góp sức vào sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ve-quang-yen-gap-lai-hao-khi-bach-dang-726766
Ý kiến ()