Về nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn
LSO-Bắc Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là cái nôi của cách mạng với nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, trong đó Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (nay là Bó Tát, xã Tân Hương) là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân nơi đây không ngừng thi đua lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trụ sở xã Tân Hương |
Ngày 25/9/1936, tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng đã đi vào lịch sử của Đảng bộ huyện Bắc Sơn. Được Đảng phân công, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ đầu tiên của châu Bắc Sơn, đây là một trong hai chi bộ thành lập sớm nhất tỉnh. Chi bộ Đảng châu Bắc Sơn gồm 4 đồng chí: Đường Văn Thông (tức Đường Kỳ Tân) làm Bí thư, Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Đường Văn Tư (tức Đường Quảng Long), Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Mai Huyền). Những hạt giống đỏ đầu tiên được gieo mầm trên quê hương cách mạng Bắc Sơn đã tích cực hoạt động, xây dựng phong trào, tiếp tục phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trên địa bàn. Sau gần 2 năm, châu Bắc Sơn đã thành lập thêm được 9 chi bộ đảng, với sự phát triển nhanh và lớn mạnh của các chi bộ, ngày 25/5/1938, các đồng chí bí thư của 9 chi bộ đã tổ chức hội nghị và bầu ra Ban cán sự Châu ủy Bắc Sơn và đây được ghi nhận là Đại hội Đảng bộ Bắc Sơn lần thứ nhất.
Ngày 27/9/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Ban cán sự Châu ủy Bắc Sơn đã lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, tước vũ khí, tịch thu ấn tín và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến tại châu lỵ Bắc Sơn. Khởi nghĩa Bắc Sơn là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống của quê hương, xã Tân Hương hôm nay đang từng ngày đổi mới. Những năm qua, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên bình quân lương thực đầu người năm 2015 đạt 600 kg. Tính theo tiêu chí đa chiều, xã còn 40% hộ nghèo, 28% hộ cận nghèo.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, do xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc huy động nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới chỉ dừng lại ở việc hiến đất và ngày công lao động nên đến nay xã mới đạt 6/19 tiêu chí, phấn đấu hết năm 2016 xã đạt thêm 3 tiêu chí về nhà ở dân cư, giáo dục và an ninh trật tự. Ông Hoàng Doãn Chí, Bí thư Chi bộ thôn Bó Tát – người tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất vườn để xây dựng nhà văn hóa thôn cho biết: Mặc dù gia đình còn khó khăn nhưng khi thôn cần, tôi tự nguyện hiến đất để xây nhà văn hóa, để thôn có địa điểm sinh hoạt cộng đồng.
Ông Lương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Xã có 519 hộ với 2.257 nhân khẩu gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, H’Mông. Thời gian qua, cùng với giữ gìn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tích cực lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tích cực đóng góp tiền, vật tư, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đến nay 7/7 thôn của xã đã có nhà văn hóa, nhưng công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã vẫn còn nhiều khó khăn. Song với truyền thống quê hương cách mạng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây sẽ tiếp tục ra sức lao động, học tập để xây dựng quê hương ngày càng ấm no, xứng đáng với niềm tự hào của vùng quê cách mạng.
MINH LÝ
Ý kiến ()