Về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh
Đông Triều không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê gốc của nhà Trần mà còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh mà còn là nơi ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo, Chiến khu Đông Triều năm xưa (8/6/1945 – 8/6/2021).
Trước sự phát triển nhanh, mạnh của lực lượng vũ trang tập trung và các đại đội tự vệ ở các làng, xã khu vực Đông Triều, từ đầu tháng 5/1945, tướng phỉ Lương Đại Bân không dám ngang nhiên cho quân phỉ xuống cướp phá nhân dân trong huyện. Song chúng lại chuyển phạm vi cướp bóc sang huyện Chí Linh (Hải Dương ngày nay).
Khu di tích chùa Hổ Lao (TX Đông Triều) – nơi diễn ra kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo – Chiến khu Đông Triều (8/6/1945 – 8/6/2021). |
Để kìm chế và phân hoá lực lượng này, đồng chí Trần Cung, đại diện cho Tỉnh bộ Việt Minh Hải Dương đã gửi thư cho tướng phỉ Lương Đại Bân đề nghị chúng cùng hợp tác với Việt Minh chống Nhật. Đề nghị này được tướng phỉ Lương Sâm nhân danh: “Tư lệnh Trung – Việt du kích quân” trả lời vào đầu tháng 6/1945. Chúng đề nghị Tỉnh bộ Việt Minh cử đại diện đến bản doanh của chúng đàm phán về kế hoạch chống Nhật.
Hai đồng chí Hải Thanh và Trần Cung đã tới trại Cổ Vịt thương thuyết. Tại buổi gặp, tướng phỉ Lương Đại Bân cho biết: Chúng sẽ tập trung đánh đồn Nhật đóng ở Chí Linh vào đêm 7/6/1945 và đề nghị phía Việt Minh phối hợp. Khi biết được ý đồ của bọn phỉ, Hải Thanh và Trần Cung cũng cho chúng biết rằng phía Việt Minh có lực lượng vũ trang mạnh mẽ, có đủ sức mạnh để đánh bại quân Nhật, đồng thời lực lượng đã có ý định đánh đồn này từ lâu. Cuối cùng 2 bên nhất trí hợp tác đánh đồn Chí Linh vào sáng ngày 8/6/1945, do phía Việt Minh chỉ huy. Bọn phỉ hứa sẽ không tống tiền, cướp bóc nhân dân và sau trận đánh, hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc về các vấn đề kinh tế, quân sự. Sau thoả thuận với tướng phỉ, Hải Thanh và Trần Cung trở về Bắc Mã cùng với các đồng chí lãnh đạo khác vạch kế hoạch tác chiến, phối hợp cùng phỉ đánh đồn Chí Linh và huy động lực lượng cùng lúc đánh vào các đồn Đông Triều, Tràng Bạch, tước vũ khí của chủ mỏ Mạo Khê.
Ngay sau cuộc họp, ban lãnh đạo căn cứ đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Tối 6/6/1945, Ban lãnh đạo căn cứ đã họp buổi cuối cùng tại làng Đạm Thuỷ (xã Thuỷ An, TX Đông Triều) để quyết định kế hoạch khởi nghĩa, phân công cán bộ trực tiếp chỉ huy các lực lượng đánh từng vị trí… Ngày 7/6/1945, tất cả các lực lượng vũ trang sẵn sàng chờ lệnh xuất kích tại chùa Bắc Mã. Rạng sáng ngày 8/6, nghĩa quân do Tướng Nguyễn Bình chỉ huy tiến về huyện lỵ Đông Triều, đi đầu là lá cờ đỏ sao vàng, tiếp theo là 4 tiểu đội tác chiến. Mỗi chiến sĩ đeo một phù hiệu trên cánh tay có ba chữ: “Việt Minh quân”. Riêng Nguyễn Bình đeo 1 phù hiệu trước ngực với ba chữ “TCH” (Tổng chỉ huy). Khi tới huyện lỵ, nhân dân đổ ra đường hoan hô nhiệt liệt. Đến ngã tư, Nguyễn Bình đã bắn 4 phát thị uy và hạ lệnh cho nghĩa quân xông lên chiếm đồn địch. Ta thu toàn bộ hơn 50 khẩu súng và đạn dược.
Cũng lúc đó, 1 tiểu đội khác do Dương Chính và Hùng Phong chỉ huy đã tiến về chiếm huyện đường, tước súng đạn của bọn lính cơ và 1 tiểu đội khác, chiếm nhà dây thép (bưu điện) và toả ra các ngả cắt dây điện thoại. Sau khi chiếm được đồn địch, nghĩa quân liền mở kho thóc của huyện lỵ để cứu đói cho nhân dân. Tiếp đó, một cuộc mít tinh của quần chúng đã được tổ chức ngay tại cổng huyện lỵ. Nguyễn Bình thay mặt cho Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố giải tán chính quyền tay sai Nhật và kêu gọi nhân dân tích cực tham gia Mặt trận Việt Minh, nhập hàng ngũ du kích cách mạng quân…
Tại đồn Tràng Bạch, Trần Cung chỉ huy 1 tiểu đội đóng giả lính bảo an cùng trung đội tự vệ hầm lò Văn Lôi, làng Hạ Chiểu và tổ hoả lực mạnh có súng đại liên, súng phóng lửa, bắn uy hiếp vào đồn. Bị bất ngờ vì những loạt đạn súng đại liên uy hiếp, quân trong đồn đã ra đầu hàng nhanh chóng. Nghĩa quân tịch thu 30 súng các loại cùng toàn bộ quân trang, đốt hết sổ sách giấy tờ trong đồn…
Tại Mạo Khê, dưới sự điều khiển của các đồng chí Nguyễn Văn Đài, Lê Minh, Lê Mai và Nguyễn Bách, lực lượng nghĩa quân gồm hơn 100 người, đã hoà vào những tốp thợ mỏ đi làm buổi sáng rồi bất ngờ giương cao cờ đỏ sao vàng, tiến vào bao vây chủ mỏ và văn phòng mỏ. Bọn chủ mỏ người Pháp và bọn chỉ huy người Nhật đã nhanh chóng đầu hàng, ta thu toàn bộ 25 súng trường, đạn dược và một kho mìn. Để đảm bảo đời sống của công nhân, nghĩa quân cho phép chủ mỏ tiếp tục được khai thác than dưới sự giám sát của ta.
Tại đồn Chí Linh, Hải Thanh và Lê Mai cùng quân phỉ, gồm 200 tên, với hơn 100 súng trường do tướng phỉ Lương Đại Bân dẫn đầu. Do chưa kịp triển khai đã bị lộ nên quân địch đánh trả quyết liệt. Ta vừa rải truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, vừa viết thư kêu gọi anh em binh lính quay súng về với cách mạng… Với cách đó, binh lính trong đồn đã ngừng bắn, chấp nhận đầu hàng nhanh chóng và đi theo Việt Minh.
Chiều ngày 8/6-/1945, trong khi nghĩa quân tập trung ăn mừng chiến thắng tại đình Hổ Lao (xã Tân Việt ngày nay), Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã họp kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch khởi nghĩa và đề ra những nhiệm vụ trước mắt nhằm xây dựng và bảo vệ chiến khu. Quyết định thành lập Uỷ ban quân sự cách mạng gồm 4 người và phân công nhiệm vụ cho từng người: Hải Thanh, Bí thư phụ trách công tác chính trị; Nguyễn Hiền, Uỷ viên quân sự; Nguyễn Bình, Uỷ viên kinh tế; Trần Cung, Uỷ viên phụ trách công tác dân tộc, xây dựng chính quyền và liên lạc với cấp trên.
Sáng ngày 9/6/1945, trong cuộc mít tinh tại sân đình Hổ Lao, Trần Cung đã thay mặt Ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố chính thức thành lập chiến khu cách mạng, mang tên: “Đệ tứ chiến khu” cùng lực lượng vũ trang chiến khu mang tên: “Du kích cách mạng quân” và công bố danh sách Uỷ ban quân sự cách mạng lãnh đạo chiến khu. Nguyễn Bình, đại diện Uỷ ban quân sự cách mạng tuyên đọc: “Bảy điều kỷ luật” của du kích cách mạng quân…
Với thắng lợi to lớn của quân và dân Đông Triều, ngày 8/6-/1945, Chiến khu Trần Hưng Đạo – Đệ tứ chiến khu – Chiến khu Đông Triều, đã chính thức được thành lập. Từ đây, Chiến khu không chỉ củng cố, xây dựng lực lượng và đóng quân ở Đông Triều mà đã nhanh chóng toả ra cả một địa bàn rộng lớn ở vùng duyên hải phía bắc, cùng các địa phương đập tan chính quyền thực dân phong kiến và tay sai trước và trong cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sự ra đời của Chiến khu Đông Triều là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, chủ động sáng tạo của lực lượng kháng chiến. Từ thắng lợi này đã mở đầu cho cao trào khởi nghĩa vũ trang trên toàn bộ vùng duyên hải Bắc Bộ và góp phần tiến tới thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước; mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Triều trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Và ngày 8/6 từ lâu đã trở thành Ngày truyền thống của quê hương Đông Triều./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()