Về nơi đồng bào Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ
Có dịp đến với đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ ở những bản làng miền núi ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh và Gio Linh mới thấy hết lòng biết ơn và kính trọng của người dân với vị Cha già dân tộc. Trong mỗi câu chuyện, việc làm, họ đều nhắc đến Bác Hồ với lòng thành kính và khuyên bảo nhau "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng yên ấm, quê hương giàu đẹp...
NDĐT- Có dịp đến với đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ ở những bản làng miền núi ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh và Gio Linh mới thấy hết lòng biết ơn và kính trọng của người dân với vị Cha già dân tộc. Trong mỗi câu chuyện, việc làm, họ đều nhắc đến Bác Hồ với lòng thành kính và khuyên bảo nhau “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng yên ấm, quê hương giàu đẹp…
Niềm tự hào được mang họ Bác Hồ
Trong căn nhà khang trang, bên chén trà nồng ấm ngày đầu tháng 9, chúng tôi được nguyên Trưởng ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị Hồ Gô kể về câu chuyện người Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ: “Năm 1946, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi lên danh sách cử tri của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Trị, cán bộ đến hỏi tên, họ của những người Vân Kiều, Pa Cô, ai ai cũng bảo mình là con cháu Bác Hồ. Đồng bào có tâm nguyện mang họ Bác Hồ để tỏ lòng biết ơn Đảng, ơn Bác đã giành lại độc lập cho đất nước nên cán bộ ghi vào phiếu cử tri cho đồng bào mang họ Hồ của Bác. Sau đó, đến năm 1957, biết Bác Hồ vào thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng tuyến lửa tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thay mặt cho đồng bào vùng cao, ông Hồ Ray, cán bộ Ban chỉ đạo công tác miền núi Quảng Trị và một số cán bộ người dân tộc thiểu số lúc đó đã ra gặp Bác để xin cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được mang họ Hồ của Người”.
Nhà mới của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Niềm vui mừng khôn xiết và ước vọng được mang họ Bác Hồ toại nguyện, nhanh chóng lan đến với đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sống giữa đại ngàn Trường Sơn. Các già làng, trưởng bản nhóm họp, hướng ra miền bắc cùng thề nguyện ai ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng phạt, trời bắt tội, sẽ tàn lụi như cây gỗ mục trong rừng. Được mang họ Bác Hồ, người Vân Kiều, Pa Cô hứa trọn đời đi theo Đảng, theo cách mạng, thể hiện tấm lòng trung hiếu với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Ông Hồ Gô cho biết thêm, người Vân Kiều, Pa Cô không phải không có họ riêng của mình, đồng bào chúng tôi có đến gần 70 họ khác nhau nhưng muốn được mang họ Hồ của Người như một biểu tượng của tấm lòng thành kính, thủy chung đối với Đảng, với Bác Hồ. Đáp lại tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số, Bác luôn quan tâm đến cuộc sống, sức khỏe của người dân, mong muốn đất nước sớm được thống nhất để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được học hành… Chính Người đã gửi gương soi mặt có in hình đất nước, xà phòng thơm và khăn mặt tặng bà con người Vân Kiều, Pa Cô. Trong mỗi món quà giản dị ấy luôn chứa đựng tình cảm và sự quan tâm của Bác đối với đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị.
Đến bản Cu Pua, xã Đakrông (huyện Đakrông), chúng tôi được nghe kể về Hồ Ê Nót, một tấm gương mẫu mực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, luôn đi đầu trong phát huy truyền thống đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giúp bà con dân bản xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình… Hơn 10 năm làm trưởng bản, anh đã đưa Cu Pua trở thành một trong những làng quê văn minh nhất miền tây tỉnh Quảng Trị, được xem là bản “không rượu, bia, thuốc lá và tệ nạn xã hội”.
Anh Hồ Ê Nót cho biết: “Mình rất tự hào khi được mang họ Bác Hồ nên học tập Bác không ngại khó khăn, gian khổ làm nhiều việc giúp dân để Bác vui lòng”.
“Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô luôn sắt son trong mình niềm tự hào được mang họ Bác Hồ nên đã sống, lao động và phấn đấu không ngừng nghỉ để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu. Từ tập quán phát, đốt, cốt, trỉa với công cụ thô sơ, đến nay họ đã biết chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, bón phân, dùng thuốc trừ sâu. Nhiều bản làng đã khai thác vùng đất trũng để trồng lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc nói với chúng tôi như vậy trên con đường vào các bản, làng Đakrông.
Người họ Hồ làm theo tấm gương Bác
Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường học chữ Bác Hồ.
Lên miền tây Quảng Trị lần này, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay ở khắp các bản làng, trong nếp nghĩ, cách làm và trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Đường vào các xã A Vao, A Bung, A Ngo và Tà Rụt (Đakrông) không còn gồ ghề, sỏi đá và lầy lội như mấy năm trước đây nữa mà được nâng cấp mở rộng, đổ đá cấp phối, thảm nhựa thuận tiện cho việc đi lại lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Những khu đồi trọc rộng bao quanh các cánh rừng, trước đây chỉ trồng ngô và lúa nương rẫy hoặc bỏ hoang, nay đã phủ kín màu xanh bạt ngàn của rừng tràm, keo tai tượng và rừng nguyên liệu. Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh là những trường học cao tầng, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng và trụ sở UBND xã…
Điều đáng mừng hơn là thế hệ con cháu Bác Hồ trên dãy Trường Sơn hôm nay đã phá bỏ hủ tục lạc hậu, nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo. Gần 100% con em trong độ tuổi được đến trường, được học đại học và sau đó quay về xây dựng bản làng…
Trong căn nhà sàn nép mình bên dòng suối trong, cạnh khu rừng xanh tốt, ông Hồ Mơ, thương binh 1/4, ở thôn Prin C, xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) cho biết, ông đã sống ở đây mấy chục mùa rẫy, chứng kiến bao biến cố thăng trầm mà người Pa Cô phải vượt qua. Giờ đây người dân bản Prin C đã có cuộc sống ổn định, bản làng yên ấm. Mầuu xanh của cà-phê, chuối và các loại cây ăn quả đã phủ khắp những mỏn đồi xưa trọc trắng, nham nhở vì bom đạn. Có được cuộc sống như hôm nay nay, đồng bào Pa Cô luôn biết ơn Đảng và Bác Hồ.
Ông Mơ nhớ lại, những ngày đầu đến vùng suối Xa Lau này khai hoang mở đất làm trang trại gian khổ vô cùng. Bằng bản lĩnh của người lính và mang họ Bác Hồ, ông đã miệt mài khai hoang những bãi đất trống, đào mương dẫn nước tạo nên những thửa ruộng lúa nước tươi tốt. Với hơn hai ha ruộng, được đầu tư thâm canh, cung cấp đủ nước tưới mỗi năm ông thu về hơn 10 tấn lúa, không chỉ đủ ăn cho gia đình, nuôi các cháu mồ côi trong bản, ông còn giúp đỡ nhiều hộ gia đình cựu chiến binh vượt qua khó khăn. Tận dụng tiềm năng đồng cỏ sẵn có, ông phát triển chăn nuôi bò, heo, gà cho thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng và thu từ khai thác rừng trồng, cây cao-su, trồng sắn hơn 120 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình ông Hồ Mơ là một điển hình trong việc thay đổi tập quán khai thác rừng được nhân rộng trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa.
Trong câu chuyện kể, ông Hồ Mơ tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ khi nói với chúng tôi: “Được sống trong hoà bình, ấm no, bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ càng bồi hồi xúc động khi nghĩ về Người. Từ trong sâu thẳm ký ức, người Vân Kiều, Pa Cô luôn tự dặn lòng mình, được mang họ Bác Hồ thì phải sống, chiến đấu, lao động và học tập thật tốt để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, để Bác vui lòng”.
Đến rẻo cao bản Đá Bàn, xã Ba Nang (huyện Ðakrông), hỏi về chuyện phát triển kinh tế, mọi người ai cũng nhắc đến ba anh em Hồ Văn Trung, Hồ Văn Hòa và Hồ Văn Hinh. Để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ba anh em đã hợp sức nhau lại mở một con đường từ bản lên tới đỉnh núi Ka Niêng, cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển khai thác đất trống, đồi núi trọc trồng hơn 50 ha sắn, 50 ha rừng và cây cao-su, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng. Ðến nay, toàn bộ khu đất hoang hóa rộng hơn 100 ha đã được phủ kín bạt ngàn mầu xanh. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, các anh có điều kiện chăm lo cho các con ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Phong trào trồng hoa màu, trồng rừng kinh tế đã mở hướng làm ăn mới cho bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở xã Ba Nang và huyện Ða Krông…Ba Nang đang ngày một đổi thay, người dân ngày càng tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bản làng yên ấm, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới của Tổ quốc. Kể chuyện làm ăn, anh Trung cho biết: “Mở đường tới đâu là mình khai hoang đất đai hai bên đường trồng cây sắn, cây ngô và trĩa lúa đến đó. Anh em mình động viên nhau, sức lực có, đất đai có, sao phải đói nghèo được. Cán bộ bảo, mình là người họ Hồ phải làm theo tấm gương Bác Hồ, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo, để dâng sự no ấm lên Bác Hồ kính yêu nên mình càng hăng hái sản xuất hơn”.
Đến các bản làng miền tây Quảng Trị, chúng tôi được gặp và hỏi về kinh nghiệm làm ăn của nhiều gia đình đồng bào Vân Kiều, Pa Cô làm theo lời Bác Hồ dạy ra sức thi đua lao động sản xuất, trở thành những tấm gương sản xuất giỏi như: gia đình ông Hồ Dơn, ở thôn Pa Roi, xã A Dơi; Hồ Măm, ở thôn Prin C, xã A Dơi (Hướng Hóa); Hồ Mai Xen, Hồ Văn Luông, ở thôn Ka Hẹp, xã Tà Rụt (Đakrông)…mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Chính lao động sản xuất cần cù, sáng tạo đã giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm mang lại thu nhập cao, góp phần thay đổi hẳn bộ mặt miền núi Quảng Trị.
Rừng trồng của ông Hồ Mơ, ở thôn Prin C, xã A Dơi (Hướng Hóa) đã phủ xanh đồi trọc.
Mãi mãi xứng đáng là những người mang họ Bác Hồ, trong công cuộc đổi mới hôm nay, với chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, người Vân Kiều, Pa Cô luôn luôn nghe theo Đảng, tin theo Đảng và làm theo những lời Đảng dạy, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tiếp thu khoa học kỹ thuật, từng bước xây dựng bản làng văn minh, giàu đẹp.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()