LSO- Đối với người dân khu vực Ba Xã (Văn Quan), mỗi mùa thu về lại mang đến cho họ một cảm giác thật đặc biệt. Đứng trước hang Phia Thình của thôn mình, cụ Đàm Văn Yên, 86 tuổi cán bộ tiền khởi nghĩa, hồi tưởng lại những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… Hang Phia Thình, nơi Tỉnh ủy có nhiều quyết định quan trọng trong cách mạngLà địa phương được coi là trung tâm “cụm” phía đông nam của châu lỵ Điềm He, nhân dân vùng Ba Xã nói chung và Vân Nham (tên gọi của xã Tân Đoàn trước năm 1947), hoạt động cách mạng của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri có ảnh hưởng rất lớn đến sự giác ngộ cách mạng của nhân dân nơi đây. Không chỉ trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, mà trước đó, trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939, truyền đơn cách mạng đã bắt đầu xuất hiện và mỗi người dân đã bắt đầu có những hiểu biết đầu tiên. Đến giai đoạn 1941-1945, khi Mặt trận Việt Minh ra đời, tổ chức vận động lực...
LSO- Đối với người dân khu vực Ba Xã (Văn Quan), mỗi mùa thu về lại mang đến cho họ một cảm giác thật đặc biệt. Đứng trước hang Phia Thình của thôn mình, cụ Đàm Văn Yên, 86 tuổi cán bộ tiền khởi nghĩa, hồi tưởng lại những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…
Hang Phia Thình, nơi Tỉnh ủy có nhiều quyết định quan trọng trong cách mạng
Là địa phương được coi là trung tâm “cụm” phía đông nam của châu lỵ Điềm He, nhân dân vùng Ba Xã nói chung và Vân Nham (tên gọi của xã Tân Đoàn trước năm 1947), hoạt động cách mạng của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri có ảnh hưởng rất lớn đến sự giác ngộ cách mạng của nhân dân nơi đây. Không chỉ trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, mà trước đó, trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939, truyền đơn cách mạng đã bắt đầu xuất hiện và mỗi người dân đã bắt đầu có những hiểu biết đầu tiên. Đến giai đoạn 1941-1945, khi Mặt trận Việt Minh ra đời, tổ chức vận động lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa, thì làn sóng cách mạng đã có ảnh hưởng trực tiếp và đã có nhiều thanh niên bí mật vào vùng tự do đi theo cách mạng. Khi Nhật đảo chính Pháp, thực hiện chỉ thị của Đảng, ngày 15/5/1945, Chi đội tuyên truyền giải phóng quân Cao- Bắc- Lạng do các đồng chí Liên Đoàn, Tuấn Sơn, Lê Huyền Trang dẫn đầu đã tập kết tại thôn Phai Rọ để xây dựng lực lượng và chỉ 4 ngày sau, ngày 19/5/1945, Chi đội phối hợp với quần chúng nhân dân phá lò diêm của Nhật tại thung lũng Lùng Yên, thôn Phai Rọ, thu toàn bộ thuốc súng và các dụng cụ sản xuất, giải phóng lao động đang làm việc. Ngay sau đó, tiến về chợ Ba Xã tổ chức mít tinh, kêu gọi nhân dân hăng hái tham gia vào các hội cứu quốc, phát động thanh niên đăng ký gia nhập đội tuyên truyền giải phóng quân. Quê hương được giải phóng khỏi ách thống trị của phát xít Nhật, ông Yên cùng nhiều thanh niên lên đường gia nhập đội tuyên truyền giải phóng quân, một khí thế cách mạng sục sôi trên khắp vùng thung lũng Ba Xã và có sức lan tỏa mạnh mẽ sang các xã bạn, tạo nên “sức ép” lớn đối với địch tại châu lỵ Điềm He.
Sau khi Điềm He được giải phóng, Tỉnh ủy lâm thời, Tỉnh bộ Việt Minh quyết định lấy khu vực Ba Xã làm căn cứ để chuẩn bị lực lượng giành chính quyền trong toàn tỉnh và hang Phia Thình, thôn Phai Rọ được chọn là nơi làm việc của cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Dẫn tôi vào địa danh này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã và cũng là người dân thôn Phai Rọ giới thiệu rằng, chiếc hang này tuy hẹp, song lại thông sang bên kia núi, nên rất tiện rút lui nếu có tình hình khẩn cấp. Trước cửa hang, cánh đồng Ba Xã rất rộng, vào đầu thu, khi ngô lúa đã được thu hoạch, cánh đồng càng quang đãng hơn. Mặt khác, gần khu vực hang núi có nhiều ngọn núi đá nhỏ có thể đặt các trạm quan sát theo nhiều chặng. Chọn nơi đắc địa này làm nơi làm việc của cơ quan lãnh đạo vừa thuận tiện cho cung cấp lương thực thực phẩm, quan sát, tiến lui đều được. Vì vậy, vào trung tuần tháng 7/1945, phát xít Nhật huy động một lực lượng lớn vào Ba Xã hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của ta, song với thế “địa lợi, nhân hòa” cách mạng đã không bị tổn thất.
Đầu tháng 8/1945, khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, nhận lệnh khởi nghĩa giành chính quyền, Tỉnh ủy lâm thời, Tỉnh bộ Việt Minh đã khẩn trương chỉ đạo lực lượng quân giải phóng tập kết tại Ba Xã chuẩn bị tiến về giải phóng thị xã Lạng Sơn. Ngày 24/8/1945, tại hang Phia Thình, thôn Phai Rọ đồng chí Phan Minh Tuệ, đặc phái viên của Trung ương Đảng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh họp quyết định giải phóng tỉnh lỵ. Tự vệ xã Vân Nham và khu vực Ba Xã có vinh dự bảo vệ bí mật tuyệt đối cho cuộc họp quan trọng này. Và ngay từ tối 24/8 một không khí chuẩn bị khẩn trương đã làm cho khu vực này thật sự sôi động; hàng ngàn người gồm quân giải phóng, tự vệ, các hội Cứu quốc và quần chúng được các chiến sĩ tự vệ Vi Văn Báo, Triệu Vạn Thắng, Nông Văn Chính cầm cờ đỏ sao vàng tiến về thị xã. Rạng sáng ngày 25/8/1945, lực lượng cách mạng đã làm chủ hoàn toàn thị xã, tỉnh trưởng Linh Quang Vọng đầu hàng, chính quyền đã về tay nhân dân.
Chỉ một ngày sau, ngày 26/8 với danh nghĩa quân đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật, đội quân ô hợp Tưởng Giới Thạch tràn vào thị xã Lạng Sơn, một lần nữa khu vực Ba Xã đã được chọn đặt trung tâm lãnh đạo của tỉnh.
Mới đó mà đã 66 năm- quãng thời gian bằng cả một đời người. Các thế hệ người dân thôn Phai Rọ cứ nối tiếp nhau, từ vài chục hộ nhỏ nhoi dưới chân các ngọn núi đá, nay đã có 63 hộ. Hang Phia Thình vẫn còn đó với thời gian; phía trước hang, những bụi tre mai mỗi ngày một to thêm, cây tre già vàng óng đang được nối tiếp bằng những cây măng to mập mọc thẳng. Thế hệ nối tiếp thế hệ, cho dù những yếu tố của công nghiệp hóa đã xuất hiện nơi đây, song mỗi người dân vẫn có ý thức giữ gìn khu vực hang như giữ những kỷ vật vô giá của cộng đồng.
Đã có nhiều băn khoăn từ phía cán bộ và người dân, rằng chúng ta đã có những bảo tàng lịch sử cách mạng mang tầm cỡ quốc gia như bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ…tại sao lại không dựng tại khu vực hang Phia Thình, thôn Phai Rọ một tấm bia kỷ niệm, mở một con đường nhỏ vào khu vực này để thế hệ trẻ, mỗi học sinh khu vực Ba Xã có điều kiện tốt hơn trong các bài học “ về nguồn”?
Minh Hồng
Ý kiến ()