Về một “điểm sáng” của giáo dục mầm non
– Cách Hà Nội chưa đầy 80 km, nhưng nếu tới xã Hoàng Hanh (Tiên Lữ, Hưng Yên), hẳn ai cũng sẽ bất ngờ với những gì cô trò Trường mầm non Hoàng Hanh đã làm được chỉ trong vòng hai năm qua. Sự “lột xác” hoàn toàn về cả chất và lượng trong công tác giáo dục đã biến trường thành một “điểm sáng” của toàn tỉnh.
Có lẽ, ngôi trường này sẽ chỉ giống một sân chơi nhỏ và bình thường của những đứa trẻ trước khi bước vào lớp một khác, nếu nó không thuộc một thị xã nhiều khó khăn như Hoàng Hanh. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 412 héc-ta, đất canh tác 246 héc-ta, trong đó đã có 100 héc-ta là đất cát, mỗi năm lại phải chịu tới năm tháng ngập úng, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông, Hoàng Hanh “tự nhiên” trở thành xã nghèo nhất tỉnh Hưng Yên.
Dạo một vòng thăm quan ngôi trường, chúng tôi, những “vị khách xa lạ”, không khỏi ngỡ ngàng. Sân trường và các phòng học tuy không rộng, nhưng rất khang trang và sạch sẽ. Hẳn nhiều người sẽ coi đây là việc “bình thường vốn phải thế”, nếu như không được nhìn tận mắt vị trí của ngôi trường bé nhỏ: Ngay sát đường làng, giữa những đồng lúa bát ngát và hàng đàn trâu bò qua lại.
Bên trong những lớp học được đánh số rõ ràng, những đứa trẻ, khuôn mặt ánh nét hồn nhiên, đang chầm chậm tập đọc, tập múa hát theo các cô giáo.
Một điều đáng ngạc nhiên nữa là, mặc dù chỉ có bảy lớp học, nhưng trong mỗi lớp, các trang thiết bị dạy học và đồ chơi lại không hề thua kém các “trường điểm trên phố”.
Từ những điều kiện khó khăn
Trò chuyện với cô Phạm Thị Kim Anh, hiệu trưởng trường Mầm non (MN) Hoàng Hanh, chúng tôi mới biết, trước kia, xã Hoàng Hanh còn “không có cả trường MN”. Thời điểm đó, UBND xã phải mượn tạm bốn nơi riêng biệt, bao gồm nhà văn hóa thôn, đình, chùa, với mục đích làm phòng học cho các cháu.
Theo lời cô Kim Anh kể, những nơi này “không có phòng làm việc cho giáo viên, không có công trình phụ, không nước sạch, không cả sân chơi, cũng chẳng có bàn ghế”. Các “phòng học” luôn ở tình trạng ẩm thấp và thiếu ánh sáng, chưa kể một “phòng” thường xuyên bị ngập do nằm ở vị trí thấp và đã quá cũ kỹ, dột nát.
Cô hiệu trưởng chia sẻ, phòng học tạm bợ là vậy, mà còn là “phòng chung”, nghĩa là các cháu phải học không phân biệt độ tuổi. Mỗi buổi trưa, do không có bếp ăn, các cháu lại “ai về nhà nấy, bố mẹ đi làm đồng, ăn chập ăn chuội được củ khoai, củ sắn đã là tốt lắm”. Chưa hết, mỗi khi nhà văn hóa thôn, đình, chùa có họp hành, sự kiện gì thì các cháu phải nghỉ học.
Với những khó khăn trên, tỷ lệ trẻ nhỏ đến trường tại đây rất thấp, trẻ từ 3-6 tuổi chỉ đạt 68.7% và dưới ba tuổi là 11.5%. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) trong xã cũng ở mức đáng lo ngại. Theo điều tra vào tháng 11-2011 của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (TNTG), khẩu phần ăn của trẻ tại đây chủ yếu thiếu các vi chất như sắt, kẽm, các vitamin A, C, D… Sự thiếu hụt này dẫn làm trẻ thiếu máu, sức đề kháng giảm, phát triển còi cọc…
Tại buổi tọa đàm Diễn đàn Dinh dưỡng, do Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) và Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ phối hợp tổ chức ngày 22-8 vừa qua, đại diện Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết, tuy trong nhiều năm qua, lãnh đạo ngành y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động phòng chống thiếu vi chất và SDD trẻ em, nhưng tỷ lệ trẻ SDD thấp còi vẫn còn chiếm tới 26,2%, tính tới hết năm 2012.
Tận dụng hỗ trợ hiệu quả, nỗ lực sáng tạo không ngừng
Trước tình hình đó, “Chương trình Phát triển vùng Tiên Lữ” của TNTG đã hỗ trợ xây dựng Trường MN Hoàng Hanh. Ngôi trường mới có bảy phòng học, cùng các trang thiết bị như bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi… đầy đủ cho các cháu nhỏ, được đặt ngay tại trung tâm xã. Tại trường, chương trình xây dựng mô hình ăn bán trú, kèm theo đó là công tác triển khai, hỗ trợ các trang thiết bị nấu ăn, công trình nhà bếp, tập huấn về kiến thức cho giáo viên…
Sau hơn hai năm, trường MN Hoàng Hanh đã có cơ sở hạ tầng vững chắc, các trang thiết bị phục vụ khá đầy đủ; các công trình phụ trợ như bếp ăn, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch, mái che… Những nỗ lực này khiến môi trường học tập trở nên an toàn và thân thiện, các cháu nhỏ đã có thể yên tâm học tập và phát triển toàn diện.
Cô Kim Anh cho hay, nhờ cơ sở vật chất và trang thiết bị mới, nhà trường đã huy động được “gần 100% các cháu ăn trưa tại trường”. Cô chia sẻ: “Được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, các cháu đều tăng cân, phụ huynh phấn khởi lắm.”.
Không chỉ giúp đỡ về mặt vĩ mô, Tổ chức TNTG còn hỗ trợ trực tiếp bữa trưa cho tất cả các cháu nhỏ với số tiền là 10.000 đồng/cháu. Số tiền ít ỏi này trở thành những bữa ăn ngon và đầy đủ dinh dưỡng cho các cháu.
“Bí mật” ở đây, như cô Kim Anh tiết lộ, thật là đơn giản đến không ngờ. Theo “cô nuôi dạy trẻ” đã hơn 30 năm tâm huyết với nghề này, kể cả với số tiền trợ giúp của TNTG, cộng số tiền học phí, nếu lên mua thức ăn “trên phố” cho các cháu thì “không bao giờ làm được”.
Cô cười hiền: “Mỗi nhà ở đây đều có vườn, có cây, có rau, phụ huynh các cháu làm ruộng nhiều đã hẳn, nhưng cũng có người làm nghề chài lưới. Vậy tại sao không mua thức ăn cho các cháu từ chính cha mẹ các cháu? Chúng tôi còn vận động mọi người mang nông sản, hoa quả, cá tôm tới bổ sung cho các cháu hằng ngày. Có những bà mẹ thậm chí còn tình nguyện ở lại trường buổi trưa, vừa chăm con, vừa phụ giúp các cô”.
Công tác chăm sóc tại trường cũng được các cô giáo theo dõi sát sao. Mỗi cháu có sổ theo dõi riêng và được khám sức khỏe định kỳ. “Cháu nào bình thường thì sáu tháng khám một lần, cháu nào suy dinh dưỡng thì một tháng một lần. Nếu lười ăn thì chúng tôi chủ động tăng số bữa ăn trong ngày”.
Và kết quả đáng mừng
Từ những cái thường tình nhưng rất đỗi khéo léo ấy, Trường MN Hoàng Hanh dần trở thành “điểm sáng” của toàn tỉnh về tỷ lệ trẻ đến trường. Hiện nay, tỷ lệ này ở trẻ từ 3-6 tuổi và dưới ba tuổi lần lượt là 100% và 51%, “trong khi Phòng Giáo dục giao cho chúng tôi chỉ tiêu 44% trẻ dưới ba tuổi”, cô Kim Anh phấn khởi. Không chỉ vậy, tỷ lệ trẻ SDD trong độ tuổi 12-24 tháng cũng giảm mạnh, từ 42/223 cháu, hiện tại chỉ còn 7/225.
Công tác vận động “100% các cháu ăn bán trú” tại trường đã được Phòng Giáo dục huyện Tiên Lữ và TNTG đánh giá cao, lấy đó làm tấm gương cho những trường MN khác trong địa bàn tỉnh. Các tiết học tại đây đều được áp dụng phương pháp dạy “lấy trẻ làm trung tâm”, nên các cháu trở nên năng động hơn trước.
Giáo viên (GV) trong trường cũng được nâng cao trình độ, bên cạnh việc tự học, các cô còn tham gia các lớp tập huấn của Phòng Giáo dục để nâng cao nghiệp vụ. Trước đây nhà trường không có GV dạy giỏi và còn GV yếu. Hiện nay nhà trường có hai GV giỏi cấp huyện, bốn GV giỏi cấp trường, còn lại là GV khá và chỉ duy nhất một GV trung bình. Nhờ đó, hai năm liên tiếp, trường đã đạt danh hiệu Tiên tiến.
Năm 2013, Tổ chức World Vision (Tầm nhìn Thế giới – TNTG) triển khai thí điểm Chiến dịch Sức khỏe Trẻ em Toàn cầu (SKTE) tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, trong thời gian từ 19 đến 25-8. Chủ đề chính của Chiến dịch này là “Tạo nguồn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, sẵn có tại địa phương, bổ sung vào bữa ăn hằng ngày của trẻ”.
Dù phương pháp nấu ăn rất đơn giản…
…nhưng bếp ăn luôn được bảo đảm sạch sẽ.
Cô Phạm Thị Kim Anh, hiệu trưởng trường MN Hoàng Hanh.

Ý kiến ()